00:00 Số lượt truy cập: 3234446

Rộn ràng làng cá Đông Tác 

Được đăng : 03/11/2016
Những ngày đầu năm 2009, làng cá Đông Tác, Phú Đông (TP.Tuy Hoà - Phú Yên) được mùa bội thu. Góp phần làm nên niềm vui đó là chính sách hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân của Nhà nước. Từ nền tảng này, người dân làng cá có điều kiện nâng cấp, sắm sửa phương tiện đánh bắt, từ đó phát triển kinh tế gia đình.

Được mùa cá

Hiếm năm nào làng biển Đông Tác lại bội thu cá ngừ đại dương như năm nay. Nếu trước đây, mỗi chuyến ra khơi chỉ đánh bắt được 5 - 10 con thì nay lên tới 40 - 45 con, tương đương 3,5 tấn. Chủ tàu PY91559TS, anh Nguyễn Văn Hải chỉ vào những chiếc tàu ở cảng Đông Tác đang bốc dỡ cá sau hơn 20 ngày lênh đênh ngoài khơi cho biết: Năm nay, do được mùa cá ngừ đại dương nên ngư dân làng Đông Tác rất vui, nhất là khi thời điểm giá dầu đã hạ, giá cá lên cao, dao động ở mức 87.000 - 92.000 đồng/kg như hiện nay”.

Lang thang trên bến cá, hình ảnh kẻ khuân, người đẩy cá trên thúng chai (loại thúng lớn, đường kính 1,2 - 1,4m; cao 0,6 - 0,8m) từ tàu vào bờ, tiếng gọi nhau của những người vận chuyển cá, những xe tải chuyên dụng của các thương lái đến thu mua cá ra vào tấp nập khiến tôi vui lây. Nhiều ngư dân cho biết, nếu năm ngoái, sản lượng cá ít, giá lại thấp thì nay tăng lên gấp đôi. Lao động trong làng từ đó cũng có công ăn việc làm với thu nhập 4-5 triệu đồng cho một chuyến đi biển khoảng 20 ngày.

Làng cá Đông Tác có diện tích trên 2km2, với hơn 1.520 hộ (trên 5.000 khẩu). 80% số hộ chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản. Tổng số tàu thuyền 245 chiếc, bình quân từ 90-125,62CV (mã lực) chuyên đánh bắt cá bò gù.

Ông Đặng Thặng (76 tuổi) dù không còn đi biển nhưng nhìn cảnh làng cá vui như hội, cũng hào hứng: “Đã lâu lắm rồi làng cá mới đông vui như thế. Dù không còn ra khơi, nhưng ngày nào tôi cũng ra đây ngóng biển. Nếu đến đây vào ban đêm, anh sẽ thấy sự nhộn nhịp của làng khi tàu đánh bắt cá về bến, ai cũng không ngủ để chuẩn bị cho công việc bốc dỡ cá...”.

Theo anh Trần Văn Long, chủ tàu PY91016TS, với tàu 90 mã lực, cùng bạn thợ và tài công là 12 người, chi phí cho một chuyến ra khơi khoảng 100 triệu đồng. Đợt này, anh đánh bắt được 35 con, bình quân 70kg/con. Với giá 85.000 đồng/kg, tổng thu nhập của tàu anh trên 200 triệu đồng, trừ chi phí, anh còn lãi trên 50 triệu đồng. “Được mùa cá, làng Đông Tác rộn ràng hẳn lên, nhất là bến cảng, tàu ghe ra vào tấp nập, mỗi ngày có hàng chục chiếc cập bến, chiếc nào chiếc nấy đầy ắp cá. ước tính, tổng sản lượng cá ngừ đại dương vào bờ ngày cao điểm lên tới vài trăm tấn”, anh Long nói.

Vất vả nghề cá

Một góc bến cảng cá làng Đông Tác.


Chính vì được mùa, được giá nên tại bến cá có đến hàng trăm lao động đang hối hả vận chuyển cá. Tại điểm thu mua của ông Đặng Tấn Sum, dù đã quá trưa nhưng hàng chục người vẫn thoăn thoắt khuân cá từ bãi lên khu chế biến. Những trai làng có sức khỏe với tác phong chuyên nghiệp, tay cầm dao, tay kia lật cá với động tác thuần thục xén gọn vây, đuôi... Số khác, từng người một đẩy chú cá hơn 80kg nằm gọn vào thùng xe đông lạnh. Một công đoạn rất quan trọng đó là ướp lạnh cho cá. Với cái lạnh dưới 00C trong thùng xe chuyên dùng vận chuyển hàng hải sản tươi sống, 3 người đã ngâm mình trong thùng để sắp thẳng tắp những chú cá và xúc từng xô đá lạnh được xay nhuyễn đắp lên từng lớp cá. Anh Ngô Công Nam, công nhân ướp cá cho biết: “Công đoạn ướp cá cũng là nghệ thuật mà không phải người nào cũng làm được. Theo kinh nghiệm, ước lượng cá nhiêu kilôgam thì ứng với bao nhiêu xô đá ướp lạnh”. Theo anh Nam, làm nghề ướp cá tuy rất cực nhưng bù lại tiền công khá cao nên sau mỗi vụ cá sẽ tích luỹ được một số vốn kha khá. Chị Huỳnh Thị Thanh cho biết, tiền công được tính theo sản lượng cụ thể là 500.000 đồng/tấn, mỗi tấn chừng hơn 20 con, vận chuyển 1 con cá là 4 người, thu nhập trên 300.000 đồng/người.

Trời đã về chiều, làng cá Đông Tác trong cái gió mát rượi mặn mòi hương vị biển vẫn rộn rã với những ghe tàu vào ra, tiếng máy xay đá vang lên rộn ràng, còi xe ra vào náo nhiệt, người người trong làng chạy lăng xăng ra vào bến cá. Nụ cười mãn nguyện của ngư dân khiến tôi lâng lâng niềm vui khó tả. Thầm mong cho bà con được mùa bội thu, để vị mặn của biển trở thành vị ngọt của cuộc sống.