00:00 Số lượt truy cập: 3229313

Sắn rớt giá: Thêm bài học về phát triển theo phong trào 

Được đăng : 03/11/2016

Hải Lăng là một trong những địa phương có diện tích trồng sắn khá lớn của tỉnh Quảng Trị, với hơn 1.300ha sắn công nghiệp. Mấy năm trước, giá sắn lên cao, nông dân đua nhau mở rộng diện tích. Tuy nhiên, năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, sắn rớt giá khiến bà con điêu đứng.


Những xe sắn này phải chờ cả tuần mới nhập được cho nhà máy.

Mấy năm trở lại đây, với 5 sào sắn KM94 (1 sào Trung Bộ = 500m2), gia đình bà Trần Thị Xanh ở thôn Phú Hưng, xã Hải Phú (huyện Hải Lăng) đã có nguồn thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2012, sắn đã vào chính vụ nhưng gia đình bà không dám thu hoạch vì nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn huyện chỉ thu mua cầm chừng với giá bằng một nửa so với năm trước, khoảng 1.200 đồng/kg củ tươi. Bà Xanh than thở: “Với giá như ri, nhà máy sắn lại làm khó, ép giá chắc năm sau tui không trồng sắn nữa mô…” .

Cũng như bà Xanh, gia đình bà Lê Thị Phê ở thôn Trà Lộc, xã Hải Xuân đang dở khóc dở cười khi cây sắn đã quá thời vụ nhưng vẫn chưa thu hoạch được. Bà Phê cho biết: “Năm ni giá sắn xuống quá thấp, ở làng tui thương lái chỉ mua với giá 900 đồng/kg, không đủ tiền công, phân bón. Mấy thương lái còn ép giá, họ nói ở xa quá nên công vận chuyển cao, chỉ nông dân chúng tôi chịu thiệt”.

Anh Nguyễn Thành, Trưởng thôn Trường Thọ, xã Hải Trường trăn trở: “Năm 2008, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Hải Lăng, làng tui đưa vào trồng gần 100ha sắn KM94, nhưng do đường sá đi lại khó khăn, cộng với giá xuống thấp nên bà con bỏ không trồng nữa. Hiện, cả làng chỉ còn mấy hộ trồng sắn với diện tích khoảng 10ha. Với giá cả như thế này, chắc năm nay chúng tôi chuyển sang trồng lạc, vì giá lạc ổn định hơn mà công vận chuyển cũng thấp”.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng, năm 2011, toàn huyện trồng hơn 1.300ha sắn KM94, đây cũng là cây trồng chủ lực của nhiều hộ dân vùng gò đồi ở một số xã như: Hải Lâm, Hải Sơn, Hải Phú, Hải Chánh; các xã vùng đồng bằng như: Hải Quy, Hải Xuân, Hải Vĩnh, Hải Ba, Hải Dương, Hải Quế... Do giá sắn mấy năm trước tăng đột biến nên nhiều hộ đã chuyển diện tích cây lâm nghiệp và cây màu sang trồng sắn. Tuy nhiên, năm nay giá sắn giảm so với năm trước nên nông dân đang hoang mang. Theo người dân, năm nay giá sắn tươi chỉ 1.200 đồng/kg, bằng một nửa so với năm trước, thậm chí có nơi chỉ còn 900 đồng/kg. Trong khi đó, giá phân bón, nhân công chăm sóc, thu hoạch, chi phí vận chuyển ngày càng tăng. Đó là chưa kể nhà máy còn trừ từ 20 - 60% tạp chất khi thu mua sắn tươi của bà con. Anh Trần Viết Hậu ở xã Hải Lâm bức xúc nói: “Khi trồng thì địa phương và nhà máy đi vận động sẽ bao tiêu sản phẩm, chừ thì không thu mua, thậm chí còn ép giá. Gia đình tui mới đi nhập 3,2 tấn sắn củ tươi với giá 1.250 đồng/kg nhưng bị trừ đến 60% tạp chất nên chẳng có lãi”. Trước tình hình giá cả và việc gây khó khăn của Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Hải Lăng, nhiều gia đình thu hoạch sắn về đành để thối chứ không bán được, nhiều diện tích sắn của bà con phải chấp nhận để quá thời hạn thu hoạch.

Ông Nguyễn Nhạc, Phó chủ tịch UBND xã Hải Phú cho biết: “Do giá của nhà máy sắn quy định thế nên chúng tôi chỉ biết vận động bà con cố gắng thu hoạch những diện tích đã quá thời gian quy định, bán để lấy lại công chăm sóc và tiền phân bón cho vụ sau… Riêng các diện tích vừa đến vụ thì chờ một thời gian xem nhà máy có tăng giá”. Cũng theo ông Nhạc, do năm trước giá sắn cao nên nhiều gia đình ở xã Hải Phú đã chặt bỏ hàng chục hecta rừng tràm 1- 2 tuổi để trồng sắn.

Những ngày mưa rét đầu năm 2012, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng chục xe tải chở sắn củ tươi đang nối đuôi nhau chờ nhập tại Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Hải Lăng. Trao đổi với chúng tôi, tài xế Nguyễn Thanh Toàn ở xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ) và Hoàng Hữu Khuyên ở Lệ Thủy (Quảng Bình) tâm sự: “ Xe tui vô đây hơn 3 ngày rồi mà chưa nhập được, nếu sớm nhất thì 3 ngày, còn không phải chờ 1 tuần. Cứ nằm chờ như vậy, không những xe hư mà sắn để lâu cũng thối củ, từ đó sẽ mất giá, nhà máy trừ tạp chất”.

Chuyện sắn rớt giá lại thêm một lần để ngành chức năng suy ngẫm làm sao phát triển bền vững vùng nguyên liệu gắn với bao tiêu sản phẩm cho nông dân, khi chủ trương phát triển kinh tế theo hướng đa cây đa con đang được ngành nông nghiệp Quảng Trị sốt sắng đẩy mạnh?