Từ đồng rau bản Hồng Lếch Cang
Có mặt tại cánh đồng bản Hồng Lếch Cang, xã Thanh Chăn, bà con nông dân đang tập trung làm dàn cho cây dưa leo bao tử, đậu Hà Lan... Vụ đông này, bản Hồng Lếch Cang có 40 hộ trồng 3,6ha dưa leo bao tử theo mô hình trình diễn, doanh nghiệp cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... đến kỳ thu hoạch, đơn vị bao tiêu sản phẩm. Dưa bao tử được bà con trồng từ 20 - 25/10, nay đã leo dàn, bắt đầu ra quả. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên, mỗi mắt cây dưa ra 2 quả, khoảng cách giữa mắt này đến mắt kia khoảng 5 - 7cm. Anh Lò Văn Chanh trồng 800m2 dưa leo bao tử, thời tiết bước sang mùa rét, ban đêm sương muối xuống nhiều, gia đình đào hố sâu cạnh các luống dưa lấy nước phun, tưới kịp thời, nhờ đó cây phát triển tốt.
Ruộng dưa của hộ anh Lò Văn Sang 1.000m2. Các năm trước, anh Sang trồng dưa chuột giống địa phương, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Khi doanh nghiệp thông báo kế hoạch trồng dưa leo bao tử, gia đình đăng ký làm. Những ngày qua, dưa xuất hiện bệnh khô lá, bạc lá, cán bộ kỹ thuật doanh nghiệp hướng dẫn dùng thuốc karôven, zinomin phun. Khoảng 10 ngày nữa, dưa leo bao tử tại cánh đồng bản Hồng Lếch Cang cho thu hoạch. Là giống dưa dùng để xuất khẩu sang các nước châu âu, do đó doanh nghiệp yêu cầu bà con thu hoạch ngày 2 lần, quy trình tuyển chọn quả nghiêm ngặt. Tiêu chuẩn nhập khẩu dưa bao tử của nước ngoài: mỗi kg có 110 - 120 quả, nếu để dưa to quá kích cỡ, đối tác không mua.
Để nông dân bản Hồng Lếch Cang trồng dưa leo bao tử đạt kết quả, trước lúc cấp giống, doanh nghiệp tổ chức giới thiệu quy trình làm đất, gieo hạt, bón phân; cho bà con xem thực tế kỹ thuật trồng, chăm sóc dưa của những địa phương đã trồng: Vĩnh Long, Đà Lạt, Sơn La... qua màn hình máy chiếu lớn. Cán bộ kỹ thuật doanh nghiệp “cắm” tại bản, cho biết: Bình quân mỗi ha dưa cho thu hoạch 20 - 25 tạ, giá bán 3.000 đồng/kg, tổng thu nhập đạt 6 triệu đồng/ha. Trồng dưa bao tử tốn nhiều thời gian, công sức hơn các loại rau màu khác. Qua buổi làm việc với một số hộ dân bản Hồng Lếch Cang, được biết: Bà con không ngại khó, ngại khổ, miễn là doanh nghiệp thu mua dưa kịp thời như hợp đồng đã ký. Lý do doanh nghiệp chọn Hồng Lếch Cang để triển khai mô hình trồng dưa leo bao tử, vì trình độ thâm canh của bà con dân bản cao hơn các địa phương khác. Nếu thành công, năm tới doanh nghiệp sẽ mở rộng diện tích trồng dưa bao tử ra nhiều xã huyện Điện Biên.
Đến điền thổ vùng lòng chảo
Những ngày đầu tháng 12, đi về các xã vùng lòng chảo Mường Thanh, nhất là vùng trên kênh Đại thủy nông Nậm Rốm, nhiều ruộng rau màu phát triển. Xế chiều, từng hàng xe máy của chủ vườn, của thương nhân mang theo sọt, bao tải... thu hoạch rau. Sam Mứn là xã có diện tích trồng rau nhiều nhất huyện. Rau Sam Mứn lên ô tô, xe máy đến với nhiều gia đình trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, hai năm nay, khi Nhà máy Thủy điện Sơn La bước vào giai đoạn thi công rầm rộ, mỗi ngày có hàng chục tạ rau của Sam Mứn vượt đèo Pha Đin về Sơn La. Vụ đông này, huyện Điện Biên trồng 388ha rau các loại, so với kế hoạch tăng hơn 50ha. Từ chỗ trồng theo kiểu tự cung tự cấp, nay bà con chuyển đổi nhận thức, không ngừng mở rộng diện tích theo hướng sản xuất hàng hóa để xóa nghèo. Việc không ngừng mở rộng sản xuất cây vụ đông sẽ giải quyết công ăn việc làm cho bà con lúc nông nhàn.
Trong số các chỉ tiêu sản xuất cây vụ đông năm nay của huyện Điện Biên, đậu tương không đảm bảo diện tích. Kế hoạch, huyện trồng 720ha đậu tương, nhưng đến thời điểm này (đầu tháng 12), không được ha nào. Như tính toán ban đầu, mỗi ha đậu tương cho thu hoạch 1,6 tấn, tính ra vụ đông xuân này huyện thất thu khoảng 1.150 tấn đậu tương. Nguyên nhân, do việc nâng cấp, làm mới một số tuyến kênh, nên phần lớn diện tích ruộng 2 vụ phía dưới kênh không trồng được đậu tương. Bà Trần Thị Tuyết, Trưởng phòng Kinh tế huyện, cho biết: Diện tích đậu tương vụ đông trồng không hưởng đến thu nhập chung của huyện. Vì vài năm gần đây, giá lúa tăng, trồng 2 vụ lúa chất lượng cao/năm, tổng thu nhập đã vượt 40 triệu đồng/ha. Cây đậu tương tạm thời “vắng bóng” trên cánh đồng Mường Thanh do thiếu nước tưới ẩm. Nông dân huyện Điện Biên chấp nhận phương án thất thu vụ đậu tương đông năm 2007, nhưng các năm tiếp theo điều kiện canh tác, tưới tiêu thuận lợi, điều tất yếu, năng suất, chất lượng nông sản tăng.