Khác với mọi năm, tháng 3 năm nay thời tiết có nền nhiệt độ thấp hơn so với trung bình nhiều năm, mưa nhiều, trời ít nắng nên ảnh hưởng tới khả năng đẻ nhánh của lúa xuân.
Song trong điều kiện không thuận lợi như vậy, các diện tích gieo cấy lúa lai vẫn phát triển tốt, đẻ nhánh khoẻ hơn hẳn những giống lúa thuần khác. Ưu thế của lúa lai một lần nữa được thể hiện một cách rõ rệt trong vụ xuân này.
Chủ trương phát triển lúa lai năm nay được chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở. UBND tỉnh có chính sách khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong chỉ đạo sản xuất lúa lai. Ngành Nông nghiệp và các huyện, thị xã, thành phố đôn đốc công tác cung ứng giống, đẩy nhanh tiến độ sản xuất và có biện pháp chỉ đạo kịp thời trước những diễn biến của thời tiết và sâu bệnh trên đồng ruộng, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật thâm canh lúa lai cho nông dân. Cùng với những chính sách hỗ trợ của tỉnh, các địa phương cơ bản hỗ trợ bổ sung cho sản xuất lúa lai như: huyện Thuận Thành hỗ trợ 30% giá giống, chỉ đạo UBND xã, thị trấn dùng một phần kinh phí từ nguồn ngân sách trợ giá giống lúa lai cho nông dân với mức thấp nhất là 10%. Huyện Tiên Du hỗ trợ 40% giá giống cho các giống lúa lai ngoài danh mục giống lúa được tỉnh hỗ trợ và công chỉ đạo cho các địa phương cấy lúa lai thành vùng tập trung 30-50 ha là 50.000 đồng/ha, vùng từ 50 ha trở lên hỗ trợ 100.000 đồng/ha. Yên Phong hỗ trợ 30% giá giống và công chỉ đạo. Quế Võ hỗ trợ 50% giá nilon che phủ mạ cho diện tích lúa lai và thuốc diệt chuột; Từ Sơn hỗ trợ 30% giá giống... Lúa trước khi cấy được bón lót đầy đủ với lượng phân bón trung bình cho 1 sào là 250 kg phân chuồng, 15 kg supe lân, 3 kg đạm và 1,5-2 kg kali, sau cấy lại được chăm sóc bón phân cân đối, bảo đảm đủ nước tưới nên tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh, sinh trưởng phát triển tốt. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết như hiện nay, trời âm u, nhiều mây kèm theo mưa phùn, độ ẩm không khí cao tạo thuận lợi cho một số đối tượng sâu bệnh, nhất là bệnh đạo ôn gây hại trên diện rộng. Do vậy, bà con nông dân cần lưu tâm bón đủ lượng phân, tuyệt đối không bón đạm muộn và lai rai. Đối với những ruộng đã nhiễm bệnh không phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá và luôn giữ đủ nước trong ruộng. Chủ động phun thuốc phòng, trừ bệnh đạo ôn bằng các loại thuốc đặc hiệu theo đúng hướng dẫn của chuyên ngành bảo vệ thực vật. Trong thời gian từ nay đến cuối vụ tập trung theo dõi, phát hiện phòng trừ sâu đục thân 2 chấm lứa 2, rầy nâu và những loại sâu bệnh khác, đồng thời áp dụng tốt các biện pháp phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng bệnh và đúng thời điểm).
Kết quả, toàn tỉnh tiếp thu 270,4 tấn giống lúa lai và gieo cấy 11.911 ha, chiếm 32% diện tích lúa, tăng 6.395 ha so với vụ xuân 2008 và tăng gần 10000 ha so với vụ xuân 2007. Đây là vụ xuân tỉnh ta mở rộng được diện tích lúa lai nhiều nhất từ trước đến nay. Các giống chủ lực là D.ưu 6511, Syn 6, CNR36, D.ưu 527, Q.ưu số 1... đều là những giống có tiềm năng năng suất cao, có khả năng chống chịu cao với một số loại sâu bệnh và đã qua sản xuất thử nghiệm ở nhiều HTX, được đánh giá là thích hợp với đồng đất của Bắc Ninh. Những địa phương tích cực trong công tác chỉ đạo đều có tỷ lệ gieo cấy lúa lai cao như: Thuận Thành 3.097 ha, Tiên Du 1.752 ha, Gia Bình 1.789 ha và Quế Võ 2.256 ha...
Thực tế sản xuất cho thấy lúa lai có khả năng sinh trưởng, phát triển mạnh, thích ứng rộng trong điều kiện thời tiết bất thuận nên năng suất cao và ổn định hơn các giống lúa thuần. Trong cùng một điều kiện sản xuất, lúa lai sinh trưởng phát triển, đẻ nhánh khoẻ hơn lúa thuần. Đặc biệt, ở những diện tích bị ảnh hưởng của khói lò gạch, lúa Khang Dân bị ảnh hưởng nặng, nhưng lúa lai vẫn phát triển khá tốt. Đây chính là những lợi thế hơn hẳn của lúa lai, giúp nông dân thay đổi nhận thức, từng bước thay thế các giống lúa thuần bằng lúa lai, đưa lúa lai chiếm tỷ lệ chính trong cơ cấu giống lúa của tỉnh, để nâng cao sản lượng, bảo đảm an ninh lương thực.