00:00 Số lượt truy cập: 2690693

Sắp có 'mẻ' ngô biến đổi gen đầu tiên 

Được đăng : 03/11/2016
Sau nhiều cố gắng, đến nay “mẻ” ngô biến đổi gen đầu tiên trồng ở Hưng Yên sắp được thu hoạch, tạo ra bước đột phá mới cho ngành nông nghiệp nước ta.

Cú bật lớn

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), năm 2009, tổng diện tích gieo trồng ngô của cả nước đạt xấp xỉ 1,2 triệu hecta, năng suất bình quân 43 tạ/ha, tổng sản lượng 5,031 triệu tấn. Mặc dù vậy, ngô sản xuất trong nước vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, phải phụ thuộc quá nhiều vào nguồn ngô nhập khẩu. ước tính năm 2010 nước ta phải nhập tới 1,6 triệu tấn ngô, tăng 350.000 tấn (tương đương tăng 28%) so với năm ngoái.

Nhận định về tình trạng này, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt thừa nhận: “Ngành chăn nuôi phải nhập khẩu ngô với số lượng lớn cũng có lỗi một phần của ngành trồng trọt. Chính vì thế, thời gian qua, ngành đã cố gắng đẩy mạnh và đưa vào sản xuất nhiều giống ngô lai cho năng suất, chất lượng cao như: VN8960, LVN61, LVN66, LVN6, LCH9, LVN146, LVN14... Song năng suất bình quân của các giống này vẫn chưa tới 4,5 tấn/ha, trong khi ở Hoa Kỳ, do sử dụng các giống ngô biến đổi gen nên năng suất lên tới 10-11 tấn/ha”.

Để giải quyết dứt điểm bài toán thiếu ngô ở một nước sản xuất nông nghiệp như Việt Nam, từ đầu năm 2010, Hội đồng an toàn sinh học ngành nông nghiệp và PTNT đã đánh giá hồ sơ đăng ký khảo nghiệm cây ngô biến đổi gen của các đơn vị như Công ty TNHH Syngenta Việt Nam; Văn phòng đại diện Công ty Mosanto Thái Lan; Công ty TNHH Pioneer Hi-Bred. Đồng thời, cho nhập 5kg hạt ngô mỗi loại từ Philippines để thực hiện khảo nghiệm tại Trạm Thực nghiệm Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) và Đông Nam Bộ với hình thức khảo nghiệm hạn chế, do Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tiến hành.

Kết quả, giống ngô biến đổi gen đang được trồng khảo nghiệm tại Văn Giang đã sắp đến ngày thu hoạch. Đây thực sự là bước ngoặt lớn, mở ra triển vọng mới, cho nền nông nghiệp nước ta.

Sẽ trồng đại trà

Kết quả khảo nghiệm của Viện Di truyền nông nghiệp thấy, các giống ngô khảo nghiệm có sức kháng sâu bệnh rất cao. Sau khi gây nhiễm sâu đục thân nhân tạo một tuần, tỷ lệ cây bị hại ở ngô biến đổi gen chỉ là 21,6% với chỉ số bị hại là 2,41%; trong khi đó ở các giống ngô đối chứng, tỷ lệ cây bị hại lên tới 98% với chỉ số bị hại 64-71%. Ngô biến đổi gen chống chịu thuốc trừ cỏ, khi phun thuốc trừ cỏ với liều cao, cây vẫn phát triển bình thường, trong khi giống ngô đối chứng bị nhiễm độc với thuốc trừ cỏ và chết hoàn toàn sau 7 ngày phun. Năng suất của một số giống ngô biến đổi gen được khảo nghiệm có thể lên tới 8-10 tấn/ha, cao gấp 2 lần so với năng suất ngô bình quân ở nước ta hiện nay.

Ông Ngọc cũng khẳng định: “Từ năm 2011 trở đi, sẽ đưa các giống ngô biến đổi gen vào sản xuất đại trà, có như vậy nước ta mới đạt sản lượng 7-7,5 triệu tấn ngô/năm”.

Đánh giá về vai trò của ngô biến đổi gen đối với sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát cho rằng: “Việc tăng năng suất từ cây trồng biến đổi gen góp phần làm giảm nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương, hạ giá thành thức ăn, qua đó thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển”.

Theo PGS.TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, thế giới có khoảng 350 triệu người sử dụng sản phẩm cây trồng biến đổi gen từ 14 năm nay nên có thể yên tâm về độ an toàn. Từ 1 triệu hecta trồng đầu tiên ở Hoa Kỳ năm 1996, đến nay thế giới có 134 triệu hecta cây trồng biến đổi gen. Cây trồng biến đổi gen góp phần giảm chi phí sản xuất 50%, tăng năng suất thu hoạch bền vững 50%.

Đến nay, chưa có bất kỳ trường hợp nào bị ngộ độc hay gặp vấn đề về sức khoẻ do ăn các sản phẩm biến đổi gen.