00:00 Số lượt truy cập: 3233831

Sóc Trăng: Mô hình kết hợp lúa-năn-cá cho thu nhập cao 

Được đăng : 03/11/2016

Một mô hình mới đã xuất hiện trong thời gian gần đây giúp nhiều hộ dân ở vùng đất bị phèn trũng của tỉnh Sóc Trăng có thu nhập khá cao, đó là trồng lúa một vụ, trồng năn kết hợp thả cá.


Là một loại cỏ dại mọc hoang đầy đồng trước đây, nay cây năn đang trở thành loại cây dùng làm thức ăn đặc sản trong các nhà hàng, món quà dân dã tặng nhau... Nhiều xã vùng sâu Vĩnh Biên, Mỹ Quới, Tân Long (Ngã Năm), Thạnh Trị, Châu Hưng (Thạnh Trị), năn được trồng, chăm sóc như một loại cây trồng có giá trị khác và cũng nhờ năn mà nhiều hộ nghèo trước đây làm lúa cho thu nhập thấp, nghèo khó nay đã có thu nhập cao, thoát được nghèo...

Ở ấp Mây Dốc, xã Thạnh Trị, vợ chồng anh Nguyễn Văn Dững, hiện có 1 ha đất trồng năn, theo anh Dững, mấy năm trước cũng 1 ha đất ấy, gia đình làm lúa rất khó khăn vì đất trũng, phèn nặng, lúa kém năng suất, trong khi công làm cỏ, nhổ bỏ năn rất nặng nên kinh tế gia đình mãi không khá lên được. Sau mỗi vụ thu hoạch lúa xong, mưa xuống là ruộng lại mọc đầy năn. 3 năm trở lại đây gia đình anh Dững chỉ làm 1 vụ lúa đông xuân, thời gian còn lại để trồng năn. Và mô hình lúa- năn này đã đem lại hiệu quả không ngờ. Sau khi thu hoạch lúa đông xuân, năn mọc tự nhiên, chỉ tốn ít công giặm lại cho đều và sau hơn một tháng chăm sóc với 1-2 lần bón phân là năn đã cho thu hoạch. Hiện mỗi ngày gia đình anh Dững có thu nhập 200.000 đến 300.000 đồng. Theo anh Dững, cứ giá cả như hiện nay thì thu nhập của gia đình ổn định, không còn sợ nghèo khó nữa...

Cây năn hiện chỉ trồng để lấy đọt non bán, mỗi lọn nhỏ như nắm tay, ở chợ bán tới 1.000 đồng/lọn (chừng nửa kg). Vốn là món dân dã hoa đồng cỏ nội, nhưng ăn sống, xào, nấu canh, trộn gỏi, làm nhân bánh đều ngon và ai đã từng nếm qua thì khó mà quên vị ngọt bùi của năn bột, đặc biệt đây là món ăn lạ miệng nên rất được nhiều người dùng như là món đặc sản dân dã không phải dễ kiếm... Năn cũng là loại cây sinh trưởng dễ, phù hợp với đồng đất phèn, trũng, năn đẻ nhánh rất nhanh. Chỉ vài ngày sau khi nhổ đọt là đọt mới lại mọc ra, xoay vòng từ đầu ruộng này đến đầu ruộng kia liên tục ngày nào cũng có năn thu hoạch. Cũng có hộ còn kết hợp thêm mô hình nuôi cá đồng, trở thành mô hình lúa-cá-năn thu nhập còn cao hơn như hộ ông Hai Kiệt ở Thạnh Trị. Vụ trước chỉ nuôi cá đồng tự nhiên trên diện tích 0,5 ha đất, ông đã có thu nhập thêm trên 7 triệu đồng. Năm nay ông làm lại bờ bao, thả thêm các giống cá trắng, cá rô đồng... cho ăn thêm thức ăn công nghiệp chắc chắn thu nhập thêm trên chục triệu đồng, chưa tính thu nhập từ năn mỗi ngày hơn một trăm ngàn đồng và một vụ lúa chừng 2-3 tấn.

Theo ước tính của người trồng năn thì một ha năn, chăm sóc thu hoạch đều đặn, một vụ trong vòng 5-6 tháng thu được gần 30 triệu đồng, trong khi chi phí không đáng kể, chủ yếu là công nhổ năn, đem đi bán, bên cạnh đó còn thu nhập thêm một vụ lúa nên giá trị trên mỗi ha đất làm theo mô hình năn-lúa này không dưới 50 triệu đồng/năm. Đây là mức thu nhập cao so với các mô hình khác, đặc biệt là ở vùng đất xấu. Hiện chỉ tính riêng ở 2 địa phương trồng nhiều năn của tỉnh Sóc Trăng là Ngã Năm và Thạnh Trị có khoảng trên 200 ha đất được trồng năn hoặc theo mô hình năn-lúa-cá.

Ngoài những hiệu quả như thế thì ruộng trồng năn sau khi thu hoạch xong, cấy lại lúa đông xuân sẽ rất tốt, hạn chế được sâu bệnh, ít tốn phân vì có lá năn phân hủy sẵn trong đất. Cũng nhờ có thêm cây năn mà tại các vùng quê phèn trũng trước đây nay đã có nhiều thay đổi, giải quyết thêm được việc làm tại chỗ cho người nghèo nhờ thuê mướn công nhổ năn, vận chuyển đi bán, nhiều hộ có thêm thu nhập khá ổn định...