00:00 Số lượt truy cập: 3233834

Sức sống trên cao nguyên đá 

Được đăng : 03/11/2016
Vượt qua những cung đường hiểm trở và quanh co như sợi chão vắt quanh bậc đá lên trời, chúng tôi đến Mèo Vạc, huyện vùng cao núi đá xa xôi nhất của tỉnh Hà Giang. Được tận mắt chứng kiến những đổi thay ngoạn mục trong công cuộc thoát nghèo ở mảnh đất này, chúng tôi mới hiểu tại sao Mèo Vạc được nhận danh hiệu đơn vị anh hùng trong thời kỳ đổi mới.

Chăn nuôi đại gia súc là thế mạnh của Mèo Vạc.

Ươm mầm trên đá

Giữa bao la những ngọn núi cao ngất, sừng sững vách đá xám, nhìn kỹ chúng tôi mới thấy bản làng lúp xúp bám vào đá. Từ bao đời nay, đồng bào các dân tộc ở Mèo Vạc sống dựa vào đá, lấy đá dựng tường rào, bật đá trồng ngô. Điều đó đủ thấy cuộc sống khắc nghiệt đến độ nào. Huyện có 17 xã, 1 thị trấn với 199 xóm bản. Dân số toàn huyện có 65.571 người, gồm các dân tộc: Mông Dao, Hoa, Giáy... Thiếu nước, thiếu đất sản xuất, khí hậu khắc nghiệt khiến cuộc sống của người dân vô cùng vất vả. Chính vì vậy, làm thế nào để xóa nghèo bền vững cho bà con luôn là trăn trở của đội ngũ lãnh đạo nơi đây. Rất nhiều giải pháp, cơ chế khuyến khích nông dân đưa cây - con có giá trị kinh tế cao vào gieo trồng, chăn nuôi kết hợp với chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn, hỗ trợ giống, vật tư, kỹ thuật. Và trong khó khăn, con người vùng cao nguyên đá càng trở nên mạnh mẽ, cần cù và sáng tạo. ông Sùng Minh Sính, Bí thư Huyện uỷ Mèo Vạc cho biết: “Chương trình mang lại hiệu quả xã hội rõ nét nhất là hỗ trợ “mái nhà - bể nước - con bò”. Chương trình này đã đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất để người dân vùng cao nguyên đá có thể an cư lạc nghiệp. Cũng nhờ đó mà huyện xác định rõ hướng đi để xoá đói giảm nghèo, vươn lên no ấm: trồng cỏ nuôi bò! Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng ai đã một lần đặt chân lên cao nguyên đá, đều thấy việc đó chẳng dễ chút nào. Không chỉ phải bật đá cho cỏ mọc, lãnh đạo huyện còn phải đánh bật tư tưởng, suy nghĩ lạc hậu của bà con, chỉ nuôi bò thả rông, thức ăn phụ thuộc vào tự nhiên”.

Để làm được điều đó, huyện đã xây dựng các mô hình trồng cỏ trên diện tích đất xấu (không trồng được ngô). Mô hình này đã chứng minh cho bà con thấy nương cỏ cho thu nhập không kém gì trồng ngô. Ông Sính tâm sự: “Một trong những xã đi đầu trong phong trào trồng cỏ chăn nuôi là Pả Vi. Không chỉ tận dụng đất xấu để trồng cỏ, bà con còn mạnh dạn trồng cỏ trên những diện tích đất tốt. Nhờ vậy, mỗi năm cho thu nhập từ 20 - 30 triệu đồng từ bán cỏ giống. Đặc biệt, với nguồn thức ăn dồi dào, mỗi hộ có thể nuôi 7 - 8 con bò. Nhờ được hỗ trợ vay vốn để phát triển chăn nuôi, năm 2005, bình quân mỗi hộ trong huyện có 1,89 con bõ, đưa tổng đàn bò trong huyện lên gần 30.000 con”.

Bền bỉ trong công cuộc chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi, Mèo Vạc đã trở thành đơn vị điển hình trong công tác xoá đói, giảm nghèo. Đến nay, thu nhập từ chăn nuôi chiếm 56% tổng thu nhập của các hộ dân.

Phát huy thế mạnh

Thực tế cho thấy, việc phát triển chăn nuôi bò ở vùng cao còn mang tính tự phát, chưa có sự quản lý chặt chẽ nguồn giống, tình trạng đồng huyết, cận huyết ngày càng nhiều dẫn đến thoái hoá đàn bò. Để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò theo hướng bền vững, tỉnh Hà Giang đã tổ chức các hội thi bò béo, bò tốt để lựa chọn, nhân giống, tạo phong trào chăn nuôi rộng khắp. Tỉnh, huyện khuyến khích mỗi hộ nuôi ít nhất 2 con bò, đẩy mạnh việc phát triển nuôi theo quy mô trang trại. Bên cạnh đó, còn có cơ chế hỗ trợ kinh phí đối với các hộ chăn nuôi bò đực giống; hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay đối với các hộ nghèo mua bò cái sinh sản trong 3 năm. Huyện Mèo Vạc còn chú trọng xây dựng phát triển các chợ mua bán gia súc, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi phát triển. Hàng tuần, chợ bò tại trung tâm huyện xuất bán từ 200-250 con. Nhiều hộ đã thực hiện chăn nuôi bò vỗ béo theo hướng sản xuất hàng hoá. Nhờ vậy, mỗi năm Mèo Vạc xuất ra thị trường khoảng 3.000 con trâu, bò; đạt giá trị gần 15 tỷ đồng. Riêng 3 tháng đầu năm 2009, toàn huyện đã bán được 818 con bò, đạt giá trị gần 3,6 tỷ đồng.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế huyện vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng khá. Tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt 5,6 tỷ đồng; 10/18 xã, thị trấn có chợ; 100% số xã có điện lưới quốc gia, số xóm có điện lưới quốc gia đạt trên 43%, số hộ được sử dụng điện 44%. Các xã trong huyện đều có đường ô tô đến trung tâm, trong đó có 13/18 xã, thị trấn có đường nhựa đi qua. Ngoài ra, huyện đã được Chính phủ phê duyệt xây dựng 9 hồ treo chứa nước dung tích từ 5.000 - 10.000m3 để giảm bớt khó khăn thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô.

Hy vọng, với những giải pháp căn cơ, hợp lý, Mèo Vạc sẽ sớm thoát nghèo vươn lên no ấm.