00:00 Số lượt truy cập: 3234052

Tam Nông: Đặc sắc mô hình kinh tế mới 

Được đăng : 03/11/2016
Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nông dân huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã nhạy bén và năng động khi thích ứng với các mô hình kinh tế mới. Trong số những mô hình mang lại hiệu quả cao, nuôi cá thát lát cườm và tôm nghịch vụ được bà con lựa chọn nhiều nhất vì dễ nuôi, lợi nhuận lớn.

Sau khi được Trạm Khuyến nông huyện Tam Nông hướng dẫn kỹ thuật và Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện cho vay vốn, cuối tháng 8/2007, ông Hồ Văn Ngó đã mạnh dạn đầu tư vốn thực hiện mô hình nuôi cá thát lát cườm trong ao. Ông quyết định cải tạo 700m2 ao cạnh nhà, sử dụng đăng tre, lưới cước bao quanh ao và làm vệ sinh bằng 70kg vôi bột rồi phơi đáy ao. Tiếp đó, ông bơm nước và tìm diệt các loại cá lóc, trê, ếch, rắn… Sau đó, ông đầu tư gần 20 triệu đồng mua 5.600 con cá thát lát giống thả vào ao ương. Ông sử dụng thức ăn công nghiệp để nuôi cá vì có độ đạm cao. Lúc mới thả, ông chỉ cho cá ăn 2 lần/ngày, một tháng sau khi thả, ông tăng lượng thức ăn theo quá trình tăng trưởng của cá. Theo ông Ngó, đầu tư khoảng 3,6kg thức ăn sẽ thu về 1kg cá thát lát còm thương phẩm.

Việc phòng ngừa dịch bệnh cho cá cũng được ông thực hiện kịp thời, đúng theo quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn của cán bộ khuyến nông huyện. Ông thường xuyên thay nước ao nuôi, chăm sóc đàn cá chu đáo theo định kỳ 4 tuần/lần. Ông còn trộn bổ sung vitamin C trong thức ăn để cá có thêm sức đề kháng … Chính vì vậy sau 5 tháng nuôi, ông thu hoạch hơn 1.300kg cá thát lát cườm thương phẩm, bán giá bình quân 37.000 đồng/kg, thu nhập gần 50 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí và thanh toán vốn cho ngân hàng, ông có khoản lợi nhuận hơn 5 triệu đồng. Ông Ngó khẳng định: “Nuôi cá thát lát cườm phải đầu tư chi phí cao, nhưng bù lại rất dễ nuôi, ít bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp và nguồn thức ăn cho cá rất dễ tìm… Tuy nhiên, nhất định phải có nguồn nước sạch, cho ăn đầy đủ, chăm sóc, phòng ngừa bệnh đúng quy trình kỹ thuật. Có như vậy cá mới tăng trưởng nhanh và đồng đều, cho lợi nhuận cao!”.

Bên cạnh việc nuôi cá thát lát cườm, nhiều hộ nông dân ở huyện Tam Nông còn được Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho vay với định mức 60 triệu đồng/ha để nuôi tôm càng xanh trên ruộng. Nhiều người nuôi sau khi thu hoạch, trừ chi phí, công chăm sóc... thu về lợi nhuận 30 - 120 triệu đồng/ha/năm. Anh Hứa Văn Điển ở xã Phú Thành A cho biết: “Tôi nuôi tôm được 3 năm. Năm 2004, chỉ nuôi thử nghiệm 2ha nhưng đã thu được 1, 7 tấn tôm/ha, lợi nhuận 170 triệu đồng. Đến năm 2005, tôi tăng diện tích lên 10ha và thu được 20 tấn; với giá bán bình quân 100.000đồng/kg, tôi thu về hơn 2 tỷ đồng. Với tôi, đây là mô hình hiệu quả tương đối cao và dễ chăm sóc”.

Năm 2007, anh Điển đã mạnh dạn đầu tư vốn, cải tạo 3,7ha mặt ruộng ở xã Phú Thọ, làm vệ sinh bằng vôi bột, mua cọc tràm, lưới cước, thiết kế nhiều vuông nuôi tôm mùa nghịch. Anh Điển xử lý nước trong các vuông nuôi thật kỹ với độ pH thích hợp và tìm diệt các loại cá lóc, trê, ếch, rắn… Sau đó, mới thả tôm giống vào vuông nuôi.

Nguồn thức ăn nuôi tôm anh sử dụng chủ yếu là dạng viên công nghiệp có độ đạm cao và thức ăn tự chế. Tôm được 3 tháng tuổi, anh bổ sung thêm thức ăn bằng cá tạp được đánh bắt ngoài tự nhiên, nhằm giúp tôm tăng trọng nhanh… Theo anh Điển, nuôi tôm mùa nghịch rất dễ gặp sự cố do nguồn nước khan hiếm, môi trường thường bị ô nhiễm và thiếu oxy… nhưng bù lại là tiết kiệm được lượng thức ăn cho tôm. Đầu tư khoảng 3kg thức ăn sẽ thu về 1kg tôm càng xanh thương phẩm, đầu ra của tôm lại ổn định, giá bán cao. Nhờ thường xuyên bảo vệ vuông tôm, chăm sóc chu đáo nên sau hơn 4 tháng nuôi, anh Điển thu hoạch hơn 3,7 tấn tôm càng xanh. Trong đó, có gần 1 tấn tôm nhỏ bán 70.000 đồng/kg; còn hơn 2,7 tấn tôm lớn, giá 103.000 đồng/kg. Tổng thu trên 310 triệu đồng. Anh Điển cho biết: “Muốn nuôi tôm thành công cần đảm bảo các yếu tố sau: thứ nhất là phải chọn con giống tốt, khỏe, đồng đều… Thứ hai là phải xử lý nguồn nước tốt; trước khi thả nuôi mình phải kiểm tra mặt nước, giữ độ pH thích hợp để tôm phát triển. Thứ ba, khi chăm sóc và cho ăn phải quản lý thức ăn chặt chẽ, không nên để thức ăn thừa khiến nguồn nước bị ô nhiễm”.