00:00 Số lượt truy cập: 3234433

''Tam nông'' ở Thái Bình 

Được đăng : 03/11/2016
Tỉnh Thái Bình có hơn 80% số dân sống ở nông thôn, kinh tế nông nghiệp hiện nay còn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế địa phương. Trong nhiều năm qua, tỉnh tập trung sức thực hiện chính sách "tam nông", nhằm không ngừng phát triển nông nghiệp, nông thôn và chăm lo đời sống nông dân.

Chưa bao giờ những người sản xuất nông nghiệp ở Thái Bình lại gặp một trận rét đậm, rét hại như vụ xuân năm nay, làm cho 70% diện tích lúa đã cấy và gần 30% diện tích mạ xuân muộn bị chết, gây thiệt hại và làm chậm tiến độ gieo cấy của địa phương. Ai cũng tưởng vụ xuân này sẽ mất mùa, nhưng được các cấp, các ngành và các địa phương chỉ đạo sát sao, quyết liệt, hỗ trợ giá, bảo đảm cung cấp đủ giống lúa, khắc phục kịp thời hậu quả do sâu bệnh và thời tiết gây ra, cho nên diện tích lúa xuân đạt 84.189 ha, tăng 2.483 ha (hơn 3%) so với vụ trước.

Ðặc biệt, năng suất lúa vụ xuân của toàn tỉnh đạt cao nhất từ trước đến nay với bình quân hơn 70 tạ/ha, tăng 8,99 tạ/ha (bằng 589 nghìn tấn thóc) so với vụ xuân năm 2007. Trong đó, diện tích lúa có chất lượng cao đạt hơn 25%, tăng 4% so với vụ trước.

Kinh nghiệm thâm canh nhiều năm ở Thái Bình cho thấy: đối với một vụ xuân rét thì thường là được mùa và bao giờ cũng dễ xử lý hơn vụ xuân ấm. Nhưng nếu địa phương không quan tâm và có những chính sách, biện pháp kịp thời thì không phải là không có khó khăn.

Hơn ai hết, các cấp lãnh đạo ở Thái Bình đều hiểu rằng "phi nông bất ổn", cho nên mọi chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của địa phương, bao giờ nông nghiệp cũng được coi trọng hàng đầu.

Toàn tỉnh Thái Bình hiện có 85 nghìn ha canh tác, mỗi năm gieo trồng hai vụ lúa xuân, mùa. Mọi nhu cầu của cuộc sống người nông dân đều trông vào hạt thóc. Vì thế mấy chục năm qua, đồng ruộng của Thái Bình luôn luôn được cải tạo.

Năm 1966, toàn tỉnh lần đầu đạt năng suất lúa năm tấn thóc/ha, cao nhất miền bắc. Tám năm sau (1974), Thái Bình đã đưa năng suất lúa lên hơn bảy tấn/ha.

Bây giờ, những con số ấy đã lùi vào quá khứ, nhường chỗ cho năng suất ổn định hằng năm là từ 12 đến 13 tấn/ha, bảo đảm mỗi ha đạt giá trị 40 triệu đồng.

Sau hơn 20 năm đổi mới, đồng ruộng và nông thôn Thái Bình đã có nhiều biến đổi nhờ có sự quan tâm chỉ đạo của Ðảng và Nhà nước đối với sản xuất nông nghiệp. Từ một vùng độc canh cây lúa với phương thức canh tác lạc hậu, nông nghiệp Thái Bình đã đi vào sản xuất hàng hóa, có nhiều sản phẩm với sản lượng lớn và chất lượng cao.

Ði trên đồng ruộng, chúng tôi thấy rõ nét sự trù phú với những thảm rau màu xanh tươi và lúa vàng trĩu hạt. Những công trình thủy lợi với những kênh mương dọc ngang, 1.600 trạm bơm điện, bơm dầu lớn nhỏ và 54 cống lấy nước phù sa, phủ khắp trên địa bàn làm nhiệm vụ tưới tiêu, thau chua rửa mặn, góp phần làm nên những mùa vàng bội thu.

Bình quân mỗi năm Thái Bình đầu tư cho sản xuất nông nghiệp 125 tỷ đồng, trong đó chi cho thủy lợi là 100 tỷ đồng, thủy sản năm tỷ đồng và trồng trọt, chăn nuôi là 20 tỷ đồng. Chỉ trong sáu năm (2001 - 2007), toàn tỉnh đầu tư 120 tỷ đồng xây dựng 160 km kênh mương kiên cố, thực hiện tưới nước có hiệu quả.

Nhờ đó, hệ thống thủy lợi của tỉnh hiện nay có thể tiêu hết nước không để chết lúa với lượng mưa 300 mm; các tuyến đê sông, đê biển của địa phương có thể chống chọi với cường độ của gió bão cấp 10 và bảo đảm độ an toàn bằng mức lũ năm 1971.

Từ năm 1996 đến nay, Thái Bình thực hiện phương châm ổn định sản lượng một triệu tấn lương thực/năm, rút ra một phần diện tích để xây dựng các khu công nghiệp và phát triển trang trại.

Cơ cấu giống lúa chất lượng cao được mở rộng theo từng vụ, từng năm. Năm 2007, diện tích lúa chất lượng cao của tỉnh chiếm hơn 21% (tăng hơn 7% năm 2006), đến năm 2008 đã tăng lên hơn 25%.

Ðến hết năm 2008, Thái Bình sẽ thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hơn 8.000 ha, chiếm 10% diện tích canh tác, đồng thời xây dựng bảy khu chăn nuôi tập trung và 16 vùng nuôi trồng thủy, hải sản với hơn 80 ha ở tất cả tám huyện, thành phố trong tỉnh. Những cánh đồng cho thu nhập 50 - 60 triệu đồng/ha xuất hiện ngày càng nhiều ở khắp các địa phương trong tỉnh.

Thái Bình giữ vững bình quân lương thực đầu người hằng năm ở mức gần 600 kg, từng bước thực hiện phân công lại lao động nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng trồng trọt từ 68,5% (năm 2005) xuống còn 65,7% (năm 2007), đồng thời tăng tỷ trọng chăn nuôi từ 28% lên 33%, thủy sản từ 9% lên 11% và dịch vụ từ hơn 2% lên hơn 3%.

Trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung với hiệu quả kinh tế ngày càng nâng cao. Những giống lúa ngắn ngày có giá trị kinh tế cao đang thay thế dần những giống lúa dài ngày hiệu quả thấp.

Thái Bình là tỉnh đầu tiên trong cả nước đi đầu thực hiện công nghiệp hóa sản xuất giống cây trồng. Hằng năm, Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình cung ứng ra thị trường từ 2.000 đến 3.000 tấn giống lúa TBR-1 nguyên chủng và từ 6.000 đến 7.000 tấn giống các loại. Do đó, giống lúa TBR-1 của Thái Bình đã được địa phương các tỉnh từ nam trung bộ đến đồng bằng sông Hồng và miền núi, trung du phía bắc đánh giá là giống lúa lý tưởng.

Cùng với việc phát triển nông nghiệp, Thái Bình đã tiến hành xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới, sản xuất hàng hóa tập trung phát triển theo hướng CNH, HÐH, có cơ sở hạ tầng sản xuất, hạ tầng văn hóa - xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong cộng đồng được cải thiện và nâng cao; các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh, phát huy dân chủ trong nhân dân.

Hiện nay, tất cả các địa phương trong tỉnh đã thực hiện xong các chương trình điện, đường, trường, trạm, thông tin và nước sạch. Hơn 1.700 km đường giao thông nông thôn được trải nhựa hoặc bê-tông hóa. 100% số hộ nông dân được sử dụng điện cho sản xuất và sinh hoạt, nhiều vùng đã sử dụng đèn chiếu sáng các tuyến đường nông thôn. Tất cả các trạm y tế xã được chuẩn hóa và có bác sĩ là người địa phương.

Hầu hết các trường học ở cả ba cấp được xây hai, ba tầng, bảo đảm nơi nào cũng có trường lớp khang trang và an toàn. Tất cả trẻ em trong tỉnh đều được đến trường đúng độ tuổi và tỷ lệ tốt nghiệp THPT (trong độ tuổi) đạt 100%.

Mức sống của người dân không còn bị đói và đang vươn lên "ăn ngon, mặc đẹp".

Trước đây, mỗi năm Thái Bình thường xuyên dành từ 25 đến 30 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân. Hiện nay, tỉnh dùng số tiền nói trên tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm phát triển nông nghiệp tập trung.

Ngoài ra, hằng năm nếu được Nhà nước cho vay vốn ưu đãi, tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng kênh mương vùng sản xuất tập trung cây màu, cây vụ đông để mua vật tư, thiết bị, kinh phí khảo sát thiết kế và quản lý xây dựng công trình.

Ở những vùng phát triển cây vụ đông thì tỉnh đầu tư lắp đặt các kho lạnh bảo quản giống khoai tây và nông sản phục vụ tiêu dùng với mức hỗ trợ 50% giá thiết bị.

Cùng với sự quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, Thái Bình còn là địa phương thực hiện tốt chương trình xóa đói, giảm nghèo. Chính sách đối với gia đình người có công với cách mạng, người tham gia hoạt động kháng chiến, gia đình thương binh, liệt sĩ, thanh niên xung phong, nạn nhân chất độc da cam, người cao tuổi, người nghèo được thực hiện có hiệu quả. Vì vậy, số hộ nghèo của địa phương hiện nay chỉ còn hơn 10%.

Từ năm 2001 đến nay, tỉnh đã tặng 9.000 ngôi nhà cho các hộ chính sách và hộ nghèo (mỗi nhà bình quân 10 triệu đồng), hỗ trợ thanh toán sửa chữa 225 ngôi nhà của hộ chính sách với số tiền là 918 triệu đồng.

Hầu hết các thôn, làng của nông thôn Thái Bình hiện nay đều có nhà văn hóa phục vụ cho các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng, các buổi phổ biến ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật của việc gieo trồng và chăn nuôi các loại giống cây, con mới.

Tỉnh có cơ chế hỗ trợ nâng cao thể chế quản lý, cơ chế tự quản như xây dựng và thực hiện các hương ước, quy định về việc cưới, việc tang, lễ hội..., phát huy vai trò của trưởng thôn làng, trưởng dòng họ và các tổ chức tôn giáo tại địa phương, nhằm xây dựng các thôn làng có đời sống văn hóa.

Trong những năm tới, Thái Bình thực hiện quy hoạch lại các khu dân cư nông thôn, không ngừng cải thiện điều kiện sinh hoạt của khu dân cư với việc xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông, hệ thống thoát nước thải, xử lý rác thải và thực hiện việc cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh...

Hiện nay trên địa bàn Thái Bình đã hình thành bảy khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 940 ha. Ở tất cả tám huyện, thành phố trong tỉnh đã hoàn thành quy hoạch 15 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 588 ha và 18 điểm công nghiệp làng nghề với diện tích hơn 171 ha. Nghề và làng nghề ở Thái Bình vẫn không ngừng ổn định và phát triển với 210 làng nghề đủ tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, khi quan tâm những vấn đề của nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Thái Bình còn rất nhiều việc phải giải quyết trong thời gian trước mắt như vấn đề việc làm của nông dân vùng có nhiều khu công nghiệp; môi trường ngày càng bị ô nhiễm ở cả thành thị và nông thôn; việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Năm 2008 tỉnh phấn đấu đạt tổng sản phẩm GDP hơn 4.800 tỷ đồng, tăng 14,82%. Trong đó, tổng mức đầu tư toàn xã hội là hơn 2.230 tỷ đồng,  giải quyết việc làm mới cho 15.880 lao động, giảm tỷ lệ đói nghèo (theo chuẩn mới) xuống còn 10%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn 21,5% và tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch là 70%.

Nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả của nông nghiệp, trước mắt, tỉnh tiến hành xây dựng điểm ba mô hình vùng sản xuất hàng hóa tập trung lúa chất lượng cao, cây màu, cây vụ đông gắn với xây dựng nông thôn mới. Ðồng thời tiếp tục hỗ trợ nông dân đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng, bảo quản giống và sản phẩm sau thu hoạch, công tác phòng, chống dịch bệnh... Ðể sản xuất nông nghiệp càng ổn định và cuộc sống của người dân không ngừng được nâng cao.