00:00 Số lượt truy cập: 2672667

Tăng cường kiểm tra, giám sát quy hoạch vùng nuôi đối với cá tra 

Được đăng : 03/11/2016
Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2011, mặc dù gặp nhiều khó khăn chung của nền kinh tế, đối với cá tra còn là khó khăn từ các rào cản của thị trường nhập khẩu, giá thức ăn tăng, liên kết giữa sản xuất nguyên liệu và chế biến xuất khẩu đã có bước tiến mới, nhưng vẫn tiềm ẩn thiếu bền vững.

Nhưng nhờ có sự thống nhất chỉ đạo từ đầu năm về ổn định diện tích và sản lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, xuất khẩu cá tra đạt sản lượng 319.359 tấn, giá trị đạt 828,6 triệu USD tăng 4,9% về sản lượng và 27% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 5 năm 2011 đến nay giá thu mua cá nguyên liệu đột ngột giảm và gái bán thức ăn duy trì ở mức cao, hiện tượng không thực hiện đúng hợp đồng đã ký; thống kê và thông tin về cá tra quá lứa không chính xác và thiếu minh bạch đã làm cho tình hình trở nên phức tạp không đáng có. Để khắc phục tình trạng trên và thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ cá tra phát triển ổn định đạt mục tiêu hoàn thành kế hoạch năm 2011, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện một số việc như sau:

1. Về sản xuất 

- Tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc: cá tra là sản phẩm chiến lược, mặt hàng xuất khẩu chủ lực nên phải sản xuất theo quy hoạch; sản xuất có điều kiện, hộ nuôi phải có hợp đồng tiêu thụ nguyên liệu với nhà máy chế biến trước khi sản xuất. Nhà máy chế biến phải chủ động nguyên liệu sản xuất thông qua tự nuôi hoặc liên kết sản xuất với người nuôi thông qua hợp đồng.
- Cần phải có đủ giống tốt phục vụ cho nhu cầu thả nuôi từ nay đến cuối năm.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng, giá cả các loại vật tư đầu vào, trong đó tập trung kiểm tra giám sát chất lượng và giá thức ăn công nghiệp. Chỉ được sử dụng thức ăn công nghiệp trong nuôi cá tra phục vụ xuất khẩu.
- Các địa phương cần phải tổ chức rà soát, tháo gỡ khó khăn về vay vốn của các hộ nuôi và doanh nghiệp, đề xuất với Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn trong sản xuất và tiêu thụ cá tra. Bên cạnh đó, người nuôi cần tổ chức lại mô hình tổ đội hợp tác, Hợp tác xã hoặc liên kết theo hình thức nuôi gia công.

2. Về tiêu thụ

- Ủy ban Nhân dân các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra việc không thực hiện cam kết trong hợp đồng và xử lý nghiêm đối với trường hợp cố tình vi phạm.
- Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam hướng dẫn doanh nghiệp và quy định rõ về cỡ cá tra thu mua trong hợp đồng tiêu thụ với người nuôi.
- Tiếp thu ý kiến về quy định giá sàn cá nguyên liệu để đảm bảo người nuôi không bị lỗ, đề xuất hoàn thuế VAT đối với hộ nuôi và Hợp tác xã.

3. Công tác chỉ đạo

- Các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát trong quản lý quy hoạch vùng nuôi, chế biến, chất lượng giống và thức ăn; giám sát dịch bệnh và môi trường.
- Đổi mới phương pháp thống kê dự báo; thông tin, dự báo về tình hình sản xuất và tiêu thụ chính xác, minh bạch; đáp ứng kịp thời cho chỉ đạo điều hành và đảm bảo lợi ích của các bên.
- Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thống kê nhu cầu vốn và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn hiện nay về vốn trong nuôi và chế biến cá tra.
- Đẩy mạnh việc soạn thảo và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các bộ tiêu chuẩn quy chuẩn. Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm ban hành Thông tư về kiểm tra, chứng nhận các chứng chỉ trong nuôi trồng thủy sản.

- Công tác thông tin tuyên truyền cần phải chính xác, kịp thời, khách quan và thận trọng, tránh tạo ra bức xúc không đáng có gây tổn hại đến sản xuất và uy tín của cá tra Việt Nam.