00:00 Số lượt truy cập: 2677706

Tăng thu nhập từ mô hình đa canh 

Được đăng : 03/11/2016

Đối với người dân, việc kết hợp nhiều hình thức sản xuất nông nghiệp trên cùng đơn vị diện tích để cải thiện thu nhập cho gia đình là chuyện không mấy xa lạ. Nhưng để việc sản xuất đạt kết quả cao như gia đình ông Võ Việt Bá, ở ấp Long Trường B, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) thì chưa thực sự phổ biến.


Giàn mướp của ông Bá đang vào thời điểm thu hoạch.

Đối với người dân, việc kết hợp nhiều hình thức sản xuất nông nghiệp trên cùng đơn vị diện tích để cải thiện thu nhập cho gia đình là chuyện không mấy xa lạ. Nhưng để việc sản xuất đạt kết quả cao như gia đình ông Võ Việt Bá, ở ấp Long Trường B, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) thì chưa thực sự phổ biến.

Bắt đầu xây dựng cơ nghiệp cách đây khoảng 20 năm, ngày đó cả gia đình ông Bá chỉ sống nhờ vào mảnh ruộng khoảng 2.000m2. Do đất ít, lại thêm con nhỏ nên cuộc sống rất khó khăn. Là lao động chính trong gia đình, ông phải làm mọi công việc, ngoài tập trung chăm sóc mảnh ruộng của gia đình vào ban ngày, đêm đến thì đi giăng lưới, giăng câu… để kiếm thêm thu nhập. Nhờ cần cù, chịu khó làm ăn nên sau nhiều năm tích góp, hiện giờ tổng diện tích đất canh tác của ông đã lên đến 1,8ha.

Để tận dụng tối đa diện tích đất vốn có, ông Bá đã linh hoạt kết hợp rất nhiều mô hình sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích để tăng thu nhập. Ngoài 1ha đất trồng lúa đang chờ thu hoạch, nguồn thu hiện tại của gia đình là bờ rẫy dây mượt mà trồng trên bờ bao cộng với hàng đu đủ đang trĩu quả. Với kinh nghiệm bản thân đúc kết từ nhiều năm, ông Bá nhận thấy, nếu chỉ tập trung sản xuất lúa thì nguồn thu sẽ bị gián đoạn. Mà gia đình phải nuôi 3 người con ăn học (2 người học đại học, một người vừa học xong trung cấp). Vì vậy phải có hướng sản xuất hợp lý mới có thể trang trải cuộc sống hàng ngày. Tận dụng bờ bao khép kín quanh ruộng, ông trồng các loại hoa màu thân leo như: mướp, dưa leo, bí… theo 2 bên mé bờ, khoảng giữa thì kết hợp trồng đu đủ. Trung bình mỗi ngày, ông thu về từ 200.000-300.000 đồng nhờ vào nguồn thu hoạch hoa màu. Từ bờ bao khép kín, ông thả bọng cho cá đồng vào ruộng theo con nước và tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên có sẵn trong ruộng để cá lớn. Trung bình mỗi năm thu hoạch cá, gia đình ông thu về từ 8-10 triệu đồng, mà không mất một khoản chi phí nào.

Do chỉ sản xuất được 2 vụ lúa, thời gian còn lại sau khi thu hoạch xong vụ Hè thu thì ông Bá lại nuôi vịt đẻ lấy trứng. Ông Bá cho biết: “Để tận dụng nguồn thức ăn có sẵn từ lúa chét, lúa rơi vãi trên ruộng, mỗi năm tôi mua về khoảng 50 con vịt đẻ để nuôi lấy trứng, tính ra nguồn thu cũng cả chục triệu đồng. Do vịt đã được người khác nuôi sẵn chỉ cần mua về là thu hoạch trứng ngay, đến khi bắt đầu vụ lúa mới thì bán vịt để thu hồi vốn ban đầu, còn trứng bán ra thì hưởng trọn”. Ngoài ra, vợ chồng ông còn tận dụng khoảng đất trống quanh nhà để lên liếp trồng gừng kết hợp trồng cải khi gừng còn nhỏ. Theo kinh nghiệm của ông Bá, việc kết hợp sản xuất theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài” sẽ nhẹ chi phí, nguồn thu từ cây ngắn ngày sẽ đủ để bù cho khoản chi phí chăm sóc cây dài ngày hơn. Việc kết hợp này sẽ phù hợp với nhiều người có vốn sản xuất ít.

Do chịu khó và có nhiều sáng kiến làm ăn nên đời sống gia đình ông Bá ngày càng cải thiện rõ. Hiện tại, mức thu nhập bình quân của gia đình ông khoảng 90 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Không những chăm chỉ làm ăn, ông còn chịu khó tìm hiểu, học cách làm mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ông Bá cho biết thêm: “Ngày trước do ít điều kiện, chỉ sản xuất theo kinh nghiệm là chủ yếu nên hiệu quả không cao. Vài năm trở lại đây, được tham gia nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt nên tích lũy cho mình vốn kiến thức đủ để áp dụng vào thực tế. Nhờ đó, hàng năm năng suất và sản lượng lúa cũng như hoa màu của gia đình đều tăng”. Ông Bá còn cùng với một số hộ khác trong ấp thành lập tổ nhân giống lúa và bắt đầu trồng thử nghiệm trên diện tích khoảng trên 3ha. Hiện tại, ruộng lúa đang phát triển rất tốt, theo ước tính năng suất lúa đạt từ 6 tấn/ha.

Ông Lê Hoàng Mến, Chủ tịch UBND xã Long Thạnh, cho biết: Những năm qua, nhờ sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng bộ và chính quyền nên đời sống người dân trong xã dần được nâng lên về mọi mặt. Địa phương luôn khuyến khích người dân tham gia các phong trào sản xuất giỏi, nhờ đó ngày càng có nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, xã luôn chỉ đạo các hội, đoàn thể tăng cường hướng dẫn hội viên cũng như người dân tận dụng nguồn vốn hỗ trợ để làm ăn, góp phần cải thiện kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập…