00:00 Số lượt truy cập: 3230571

Tạo mũi đột phá vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung ở Cà Mau 

Được đăng : 03/11/2016

Đầm Dơi có tổng diện tích hơn 62.000 ha đất sản xuất nuôi trồng thủy sản. Trong đó đã có gần 1.000 ha diện tích nuôi tôm công nghiệp, đứng đầu toàn tỉnh Cà Mau.


Nếu như năm 2000, chỉ có một vài hộ nuôi thí điểm, thì đến nay có gần 600 hộ nuôi ở khắp huyện, tập trung nhiều nhất ở xã Tân Duyệt, Tân Thuận, Trần Phán, Quách Phẩm Bắc và thị trấn Đầm Dơi... Điều quan trọng là trình độ, năng lực và phương thức sản xuất của người nuôi tôm công nghiệp đã có bước tiến đáng kể. Từ phương thức sản xuất đơn lẻ đã từng bước nâng lên thành tổ hợp tác và hợp tác xã.

Nhiều mô hình mới hiệu quả

Điển hình như Tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp Nhị Nguyệt, xã Trần Phán; Tân Long, xã Tân Duyệt; Hòa Đức, xã Tân Đức. Mỗi nơi có quy mô, hình thức liên doanh, liên kết khác nhau, nhưng đều có điểm chung là hiệu quả sản xuất của từng thành viên tổ hợp tác, và hợp tác xã ngày một ăn nên làm ra, rủi ro, thất bát giảm hẳn.

Cuối năm 2009 và đầu vụ năm 2010 nhiều mô hình sản xuất mới, cho năng suất và thu nhập cao ra đời. Đó là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng quy trình công nghệ sinh học tiên tiến: ao nuôi được trải thảm đáy bằng chất liệu mới, cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài.

Ông Quách Xìa, ấp Chà Là, thành viên Tổ hợp tác Nhị Nguyệt, xã Trần Phán, cho biết: Đầu tư trải thảm cho đáy ao và áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, năng suất tôm thẻ chân trắng tăng lên 10 tấn/ha/vụ. Cái lợi của việc trải thảm là không chỉ tăng năng suất lên gấp đôi, mà còn tăng mùa vụ. Mỗi vụ chỉ hơn 80 ngày. Chi phí đầu tư, công chăm sóc cũng giảm hơn so với nuôi tôm sú, nhưng lợi nhuận cao hơn. Các thành viên trong Tổ hợp tác Nhị Nguyệt đang triển khai nhân rộng mô hình này.

Tháng 4/2010, Tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp ấp Hòa Đức, xã Tân Đức được thành lập ban đầu có 42 thành viên. Tổ liên kết cùng Công ty Đại Dương, thành viên trong tổ được đầu tư hỗ trợ vốn, kỹ thuật, hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Điều quan trọng hơn là khi hình thành tổ chức sản xuất khu vực tập trung sẽ được Nhà nước có kế hoạch ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng điện, đường, thủy lợi để phục vụ sản xuất. Đến nay, qua hơn 4 tháng, tôm nuôi của hơn 70% số thành viên trong tổ đang phát triển khá tốt, dự kiến sẽ cho thu hoạch thành công.

Tạo mũi đột phá

Xác định nuôi tôm công nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, huyện đề ra mục tiêu mỗi năm phát triển 1.000 ha, phấn đấu đến năm 2015 đạt 5.000 ha. Tháng 9/2010, huyện Đầm Dơi phối hợp Phân viện Nghiên cứu thủy sản Minh Hải tiến hành quy hoạch dự án vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung tại 2 ấp: Trung Cang và Thành Vọng, xã Tân Trung. Dự kiến vùng dự án có tổng diện tích hơn 650 ha.

Hiện trong khu vực này có 432 hộ sinh sống chủ yếu là nuôi tôm quảng canh tự nhiên. Đây là vùng đất gò cao, lâu nay sản xuất kém hiệu quả, thu nhập bình quân khoảng 12 triệu đồng/ha/năm, thấp hơn rất nhiều so với các vùng khác trong xã. Sản xuất lạc hậu, đất đai phân tán nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng thấp kém, đời sống vật chất, tinh thần của bà con còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao.

Để dự án điểm đạt kết quả như mong muốn, Phân viện Nghiên cứu thủy sản Minh Hải là đơn vị được giao làm tư vấn thiết kế lập dự án. Trên cơ sở điều tra, khảo sát đánh giá khoa học những yếu tố tự nhiên và xã hội trình hội đồng khoa học thẩm định, nếu bảo đảm yêu cầu sẽ tiến hành triển khai thực hiện vào đầu năm 2015.

Cùng với quy hoạch tổng thể, trước mắt đơn vị tư vấn sẽ lập quy hoạch vùng nuôi khoảng 70 - 100 ha, tạo điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật như: điện, đường, thủy lợi. Tiếp theo là mời gọi các công ty, doanh nghiệp xúc tiến hợp tác với bà con nông dân thực hiện mô hình nuôi tôm công nghiệp tập trung ngay trong những tháng cuối năm 2010.

Hiện nay các nhà máy chế biến thủy sản ở Cà Mau đang thiếu nguồn nguyên liệu khá lớn. Nhu cầu hợp tác để mở vùng nuôi tôm công nghiệp nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định là một trong những chiến lược đầu tư phát triển của các công ty, doanh nghiệp Cà Mau.

Mặt khác, giá cả thị trường đầu ra cho con tôm ổn định ở mức cao. Trình độ năng lực ứng dụng khoa học - kỹ thuật nuôi tôm, xử lý công nghệ sinh học vào các khâu sản xuất, xử lý môi trường đã có bước tiến bộ.

Đó chính là các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để nông dân Đầm Dơi nói chung, người dân trong vùng dự án 2 ấp Trung Cang, Thành Vọng, xã Tân Trung nói riêng nắm lấy thời cơ mở hướng làm ăn mới chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ nuôi quảng canh truyền thống sang vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung, là hướng đi tích cực.

Từ đó sẽ phát huy tiềm năng của đất, nguồn lực lao động để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn./.