Sớm thành lập Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam và ngư dân – doanh nghiệp - nhà quản lý cần liên kết chặt chẽ với nhau là hai vấn đề đặt ra trong việc xây dựng thương hiệu cá ngừ đại dương, hướng nghề này phát triển bền vững.
Nghề câu cá ngừ đại dương xuất hiện ở Việt Nam khoảng 15 năm qua đã mang lại nguồn lợi xuất khẩu ngày càng tăng, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho ngư dân vùng Nam Trung Bộ, đặc biệt là ở 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Hiệp hội Cá ngừ đại dương cũng đã được thành lập ở 3 địa phương này với mong muốn tạo liên kết giữa ngư dân, doanh nghiệp mua, xuất khẩu và nhà quản lý để cùng chia sẻ lợi ích, khắc phục khó khăn trong nghề.
HY VỌNG MỚI TỪ CÁC HIỆP HỘI CÁ NGỪ
Ông Biện Minh Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên khẳng định: Việc ra đời của Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam là việc tất yếu. Bởi lẽ đây sẽ là tổ chức có đủ tư cách pháp lý gắn kết các hội viên nghề cá ngừ đại dương trong toàn quốc, cùng chia sẻ lợi ích và cả rủi ro. Cá ngừ đại dương là đối tượng chịu sự chi phối, điều chỉnh của Hiệp định đàn cá di cư quốc tế, nằm dưới Công ước quốc tế Luật biển. Theo hiệp định này, mỗi vùng biển trên thế giới đều được phân chia và quản lý theo vùng. Cá ngừ là loài di cư, đến vùng biển Việt Nam là chịu sự điều hành của Ủy ban Nghề cá Đông Tây Thái Bình Dương. Tổ chức này chịu trách nhiệm cấp hạn ngạch khai thác, xuất khẩu cá ngừ hàng năm cho các nước trong khu vực. Hiện Việt Nam chưa tham gia tổ chức này. Nếu trong thời gian tới, Việt Nam không có Hiệp hội Cá ngừ để gia nhập tổ chức này thì sẽ không có hạn ngạch khai thác, và đương nhiên việc xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sẽ gặp rào cản thương mại. Hiệp hội Cá ngừ Phú Yên vừa được thành lập đầu tháng 3/2009, thời gian tới, Hiệp hội sẽ liên kết với Hiệp hội Cá ngừ tỉnh Bình Định, Khánh Hòa để từng bước thành lập Hội Cá ngừ Việt Nam và tham gia Ủy ban Nghề cá Đông Tây Thái Bình Dương. Đây là một bước đi dài nhưng chúng ta phải làm để hướng tới sự phát triển bền vững và bình đẳng, đúng tiêu chuẩn với các nước bạn.
Các hiệp hội cá ngừ đại dương địa phương hỗ trợ ngư dân từng bước hiện đại hóa phương tiện đánh bắt, hình thành các tập đoàn đánh bắt xa bờ có hiệu quả; nâng cao trình độ khai thác, kỹ thuật và phương pháp bảo quản cá, đảm bảo tiêu chuẩn kích cỡ, chất lượng cá xuất khẩu, bảo vệ và quản lý có hiệu quả nguồn lợi cá ngừ, bảo vệ môi trường, tạo mối quan hệ quốc tế để xúc tiến thương mại… Từng địa phương xây dựng, đảm bảo thương hiệu cá ngừ đại dương của tỉnh mình, sau đó là thương hiệu cá ngừ Việt Nam. Hiện nay, đội tàu đánh bắt cá ngừ đại dương của cả nước khoảng hơn 1.500 chiếc, tập trung chủ yếu ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, tuy vậy cũng mới chỉ có khoảng 50 tàu chuyên dụng đánh cá ngừ, còn lại là tàu của ngư dân. Cá ngừ đại dương chủ yếu dành cho xuất khẩu, ít tiêu thụ tại thị trường nội địa do giá đắt hơn so với các loại cá khác. Năm 2008, cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc xuất khẩu cá ngừ Việt Nam. Tuy vậy, Việt Nam vẫn thu được hơn 188 triệu USD, tăng hơn 25% so với năm 2007 mặc dù số lượng xuất khẩu tương đương hơn 52.000 tấn. Hiện cá ngừ Việt Nam đã có mặt tại nhiều khu vực trên thế giới, đứng đầu là thị trường Tây Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản.
Từ đầu năm 2009 tới nay, ngư dân Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đều trúng đậm cá ngừ đại dương do thời tiết thuận lợi. Mức giá mua cũng tương đối cao so với cùng kỳ năm 2008, ở Khánh Hòa cá loại 1 lên tới 140.000 đồng/kg, ở Bình Định là 115.000 đồng/kg, còn ở Phú Yên là khoảng 85.000-90.000 đồng/kg…
LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Ngư dân Phan Thuẫn, ở khu phố 6, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, người có kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề câu cá ngừ đại dương chia sẻ: Phú Yên là địa phương đầu tiên khởi xướng nghề câu cá ngừ đại dương do có ngư trường thuận lợi. Mỗi năm, nếu thời tiết thuận lợi ngư dân có thể đi được 5 chuyến để câu cá ngừ, chi phí mỗi chuyến đi dao động từ 80-90 triệu đồng, thời điểm giá xăng dầu lên cao là 110 triệu đồng/chuyến. Mỗi chuyến đi thường kéo dài 20 ngày, có thuyền đi cả tháng trời ngoài biển, rất ít tàu đi 10 ngày. Phương pháp bảo quản cá trên tàu chỉ đơn thuần là dùng nước đá để giữ cá. Cá của tàu đi 10 ngày cũng bằng với cá của tàu 20 ngày, 30 ngày nên bà con ngư dân thường coi trọng đánh bắt số lượng càng nhiều càng tốt. Chất lượng cá tốt hay xấu là do doanh nghiệp mua định đoạt chủ yếu bằng cảm quan chứ chưa có tiêu chuẩn đánh giá nào… Những năm trước, giá cá ngừ đại dương ở Phú Yên cao hơn hẳn so với hai tỉnh bạn là Bình Định, Khánh Hòa nhưng đến nay giá cá lại thấp hơn từ 20-30.000 đồng/kg. Năm 2008 là năm đầy khó khăn cho cả ngư dân đặc biệt là thời điểm giá xăng dầu, giá tiêu dùng tăng cao. Hầu hết thuyền cá của bà con ngư dân ra khơi vào thời điểm cuối năm 2008 phải bỏ chi phí cao, giá bán cá lại thấp nên phải chịu cảnh lỗ vốn. Nhiều ngư dân đã bỏ hẳn nghề câu cá ngừ hoặc chuyển sang câu các loại cá khác…
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, chủ doanh nghiệp mua cá ngừ Thanh Sơn của tỉnh Phú Yên: Giá cá ở Khánh Hòa, Bình Định cao hơn so với Phú Yên là do chất lượng cá tốt hơn. Ngư dân tỉnh bạn Khánh Hòa ra khơi ngắn ngày, bảo quản cá tốt hơn hẳn so với Phú Yên nên giá bán cá cao hơn là đương nhiên. Khánh Hòa câu cá ở mực nước sâu, cá đã có sẵn độ lạnh nên khi ướp cá thuận tiện hơn. Chất lượng đá ướp tốt, độ lạnh đảm bảo tiêu chuẩn, nên khi lên bờ con cá vẫn giữ nguyên màu sắc, không bị vàng vì nước đá phèn như ở Phú Yên. Hơn nữa, Khánh Hòa chú trọng vào loại cá ngừ mắt to có giá trị xuất khẩu sang Nhật Bản cao hơn hẳn so với loại cá ngừ vây vàng mà Phú Yên thường đánh bắt.
Trước khi có Hiệp hội Cá ngừ Phú Yên ra đời, ngư dân, doanh nghiệp thu mua, doanh nghiệp xuất khẩu là các bộ phận riêng biệt, hầu như không có sự chia sẻ hay liên kết, mạnh ai nấy làm, lợi nhuận tự hưởng và rủi ro tự chịu. Do đó, trong thời gian dài có tình trạng ngư dân và doanh nghiệp không hiểu nhau, ngư dân cho là bị doanh nghiệp “ép” giá , trong khi doanh nghiệp lại tỏ ra không hài lòng khi ngư dân đi biển quá lâu để lấy số lượng mà không chú ý tới chất lượng cá xuất khẩu… Đây cũng là tình trạng chung của Bình Định, Khánh Hòa trước khi có hiệp hội.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên Biện Minh Tâm: Việc đánh giá chất lượng cá ngừ sau các chuyến đi biển của ngư dân do doanh nghiệp thu mua đánh giá hoàn toàn bằng cảm quan và kinh nghiệm lâu năm trong nghề thu mua cá đạt chất lượng xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế. Hiện tại chưa có tiêu chuẩn nào cụ thể đặt ra để đánh giá chất lượng cá. Do đó, nếu bà con muốn bán cá được giá cao, còn doanh nghiệp mua được cá chất lượng tốt phục vụ xuất khẩu thì phải liên kết với nhau chặt chẽ để đảm bảo lợi ích cả đôi bên. Về lâu về dài vẫn cần có tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá chất lượng cá ngừ để đảm bảo lợi ích cho bà con, doanh nghiệp cũng thu mua được sản phẩm tốt. Hiệp hội các địa phương đều có chương trình riêng, hướng các hội viên bao gồm cả ngư dân, doanh nghiệp hướng tới cùng nhau chia sẻ lợi ích. Điều này không chỉ đảm bảo lợi ích kinh tế mà còn góp phần hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai cho nghề câu cá ngừ ở nước ta.