Tại Khánh Hoà, mô hình “tàu mẹ - tàu con”, một cách thức mới trong khai thác và tiêu thụ hải sản trên biển đã mang lại hiệu quả thiết thực. Lễ ra quân đầu năm nay, một “tàu mẹ” 640 tấn và 30 “tàu con” xuất phát ra Trường Sa, hứa hẹn vụ biển thắng lợi.
Ông Võ Thiên Lăng, Phó chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hoà, tác giả mô hình “tàu mẹ - tàu con”, cho biết: “Trong điều kiện hiện nay, liên kết khai thác và tiêu thụ hải sản trên biển là phương thức tổ chức sản xuất tiết kiệm nhất bởi 70% thời gian, công sức cũng như phí tổn của các tàu cá tiêu tan theo hành trình ra khơi, vào bờ”. Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hoà chủ trương dựa vào quan hệ thân thiết, ruột thịt trong gia đình, dòng tộc, tình làng nghĩa xóm giữa các chủ tàu để tạo dựng liên kết nhóm. “Tàu mẹ” của Công ty cổ phần Thuỷ sản Hải Vương có tên gọi Hải Vương 68, công suất 1.200CV, tổng dung tích 640 tấn; 6 ngư đội gồm 30 chiếc “tàu con” chuyên hành nghề câu cá ngừ đại dương được ưu tiên trang bị máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa, có tích hợp thiết bị vệ tinh (GPS). Anh Nguyễn Văn Thanh, ngư dân dày dạn kinh nghiệm ở phường Vĩnh Thọ (TP. Nha Trang) chia sẻ: “Thay vì làm ăn đơn lẻ, giờ đây ngư dân của phường đồng loạt ra khơi từ 3- 5 đôi tàu. Trong quá trình đánh bắt, chúng tôi thường xuyên liên lạc với nhau bằng bộ đàm, đến khi các thuyền đánh bắt được nhiều tôm, cá thì tập trung lại. Đội sẽ cử 1 - 2 phương tiện cùng thuyền viên thay phiên nhau vận chuyển cá, tôm vào bờ phân phối, mua sắm nguyên liệu rồi quay trở lại ngư trường. Cách làm này không những tiết giảm chi phí nhiên liệu ra vào bờ từ 2- 3 triệu đồng/tàu/chuyến mà còn giảm được chi phí tiền nước đá ướp tôm, cá…”. Ngoài ngư dân Khánh Hòa, ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận… cũng đang thành lập các tổ, đội đánh bắt trên biển để giảm bớt chi phí, hạn chế rủi ro cho mỗi chuyến biển. Theo mô hình lai dắt tàu mẹ - tàu con, mỗi ngư đội bầu ra 1 nhóm trưởng đại diện giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ trước pháp luật. Do địa bàn hoạt động gắn liền với vùng biển Trường Sa, vì vậy tên gọi của các ngư đội cũng là những địa danh trong quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc như: Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Đá Tây, Sinh Tồn, Đá Lát, Đá Nam. Mỗi ngư đội gồm 5 - 7 thành viên là hội viên Hiệp hội Câu cá ngừ đại dương. Hai bên (ngư đội và doanh nghiệp) hoàn toàn tự chủ về tài chính, tự trang trải các chi phí hoạt động và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của chính mình. Quy trình tổ chức khai thác, thu mua trên biển theo hướng khép kín, “tàu con” chuyên khai thác và chuyển cá đến “tàu mẹ”; “tàu mẹ” đảm nhiệm công việc thu mua, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm và tiếp tế nhiên liệu, nước ngọt, nhu yếu phẩm... cho “tàu con”. Ông Lê Kế Thương, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ đại dương Khánh Hòa cho biết: “Nhờ áp dụng mô hình này mà trong chuyến biển đầu năm, 8 tàu con của ngư dân trong Hiệp hội đã bán được chuyến hàng đầu tiên thành công, mỗi tàu thu lãi từ 40 triệu đồng trở lên. Hai ngư đội này vẫn tiếp tục đánh bắt cá trên vùng biển Trường Sa, thực hiện cam kết bám biển 9- 10 tháng/năm”. |