00:00 Số lượt truy cập: 2672839

Thanh Hóa: Nhiều chủ trang trại khó tiếp cận vốn 

Được đăng : 03/11/2016

Những năm gần đây, kinh tế trang trại (TT) ở Thanh Hóa phát triển khá quy mô, mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, có một bất cập là nhiều chủ TT vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định 41 về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, do vậy việc đầu tư sản xuất còn nhiều hạn chế.


Trang trại của gia đình ông Thực đang dở dang vì thiếu vốn.

Đầu tư lớn, vốn vay ít

Xã Quý Lộc là địa phương có số lượng TT lớn nhất huyện Yên Định với 169 TT (87 TT đạt tiêu chí), trong đó có 23 TT nuôi lợn ngoại, 69 TT nuôi trâu - bò, 23 TT nuôi trồng thủy sản, 50 TT tổng hợp. Tuy nhiên, nhiều TT vẫn đang thiếu vốn trầm trọng.

Ông Trịnh Văn Thực ở thôn 6 cho biết: "Tôi đã đầu tư gần 1 tỷ đồng làm chuồng trại, mua con giống làm TT cách đây 2 năm. Ngoài vốn sẵn có, tôi có làm thủ tục vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh huyện Yên Định 100 triệu đồng nhưng chỉ vay được 30 triệu đồng. Thấy vay vốn khó khăn, nhiều thủ tục rườm rà nên từ đó đến nay tôi không vay nữa".

Tương tự, bà Trịnh Thị Tuyết ở thôn 2 cũng phải thế chấp 2 trích lục đất mới vay được 100 triệu đồng. Bà Tuyết cho rằng, 2 trích lục đó thế chấp bên ngoài ít nhất cũng được 300 triệu đồng nhưng ngân hàng chỉ giải quyết cho vay có vậy, trong khi đó TT của gia đình đang cần khoảng 500 triệu đồng để mở rộng quy mô và sản xuất ổn định.

TT của ông Trịnh Đình Ban, thôn Oanh Kiều, xã Thiệu Công (Thiệu Hóa) cũng gặp khó khăn như trên. Ông đã đầu tư hàng tỷ đồng vào khu đầm lầy để phát triển TT nhưng chỉ vay được 30 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT. Ông Ban phân vân: "Tôi làm trang trại 10 năm nay mà không vay được bất kỳ nguồn vốn nào để phát triển kinh tế".

Còn ông Nguyễn Văn Quế ở thôn Nhân My do có bìa đỏ nên vay được 300 triệu đồng của Agribank Thiệu Hóa, nhưng cũng chẳng thấp tháp gì so với vốn đầu tư cho khu TT rộng 23ha này.

Cần làm dịu cơn khát

Ông Hoàng Hữu Hùng, Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Thiệu Hoá cho biết: "Toàn huyện có gần 400 TT, các TT phát triển tương đối ổn định và có doanh thu khá cao do được ngân hàng cho vay theo Nghị định 41. Tuy nhiên, một số TT chưa được vay vốn do thủ tục chưa hoàn chỉnh, chưa được cấp giấy chứng nhận TT (cấp huyện trở lên), và theo quy định, TT trồng trọt phải có quy mô từ 2ha trở lên mới đủ tiêu chí vay vốn".

Bà Đặng Thị Hiền, Giám đốc Agribank Chi nhánh Yên Định cho rằng, một số chủ TT ở xã Quý Lộc chỉ được vay vốn tương đương so với tài sản giá trị của trích lục đất, nghĩa là số tiền vay đủ với số tiền trích lục đất ở, còn các hộ thuê đất làm TT và sinh sống ổn định trên đất thuê (không có trích lục đất), thì không đủ điều kiện vay vốn theo Nghị định 41.

Còn theo ông Lê Xuân Nhiên, Giám đốc Agribank Chi nhánh Thường Xuân, hầu hết các chủ TT trong địa bàn huyện không muốn vay vốn mặc dù ngân hàng đã tham mưu cho huyện triển khai xuống tận xã, thôn. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nguyên do người dân nơi đây chưa làm thủ tục vay vốn vì trông chờ vào nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước chứ vay vốn từ ngân hàng thì lãi suất cao.

Ngày 12/4/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Để triển khai hiệu quả, ngày 28/7/2010, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND yêu cầu các ngành chức năng thực hiện nghiêm túc Nghị định 41. Tuy nhiên, nhiều chủ TT vẫn khó tiếp cận nguồn vốn, nhiều người dân còn mù mờ chưa hiểu Nghị định 41.

Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Doanh nghiệp Tiến Nông, Chủ tịch Câu lạc bộ TT Thanh Hóa cho biết, hiện hội viên CLB đang cần vốn để phát triển chăn nuôi ổn định và bền vững, trong khi vay vốn lại rất khó. Mong rằng Nhà nước, Chính phủ có biện pháp hỗ trợ, giải quyết những bất cập để chủ TT có thể tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng.