Từ một hướng đi mới
Năm 2003, chồng chị Hà Thị Liêm sau khi xuất ngũ tại miền nam trở về mang theo hai cành thanh long ruột trắng đưa cho vợ trồng thử tại vườn. Một năm sau, mỗi cây thanh long đơm hoa kết trái tới vài chục quả, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao so các loại cây trồng khác. Từ đó, chị Liêm lần mò tự học về quy trình trồng thanh long. Năm 2007, khi Viện Nghiên cứu rau quả T.Ư phổ biến áp dụng trồng thử nghiệm giống thanh long lõi đỏ tại các tỉnh miền bắc. Thấy cây thanh long phù hợp thổ nhưỡng của quê hương, chị Liêm quyết định vay vốn ngân hàng mua giống, rồi mua xi-măng, sắt thép về đúc cọc bê-tông cho thanh long leo. Ðến nay, sau nhiều lần về Viện Nghiên cứu ra quả T.Ư mua giống, vườn thanh long lõi đỏ của chị đã có khoảng 700 khóm, trồng kín năm sào Bắc Bộ.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Liêm cho biết, lúc đầu mang thanh long về trồng, người dân trong làng ai cũng bàn tán, sợ không mang lại hiệu quả kinh tế. Hơn nữa, trồng thanh long phải đầu tư lớn, mỗi cây phải có một trụ bê-tông (với thời giá hồi đó khoảng 50 nghìn đồng/trụ) và lo lắng hơn cả là sợ không có nguồn tiêu thụ. Nhưng với lòng quyết tâm phải tìm bằng được một cây xóa đói, giảm nghèo cho vùng đất này, chị vừa chăm bón vừa tìm hiểu qua sách vở, tài liệu học tập cách trồng. Vụ đầu tiên, chị chỉ dám tỉa vài kg mang ra chợ bán. Và thật bất ngờ, ngày càng đông người mua về ăn. Ðến bây giờ, người dân trong xã đều đến nhà chị đặt mua.
Trở thành cây làm giàu
Ngay từ năm đầu nhân giống, vườn thanh long lõi đỏ nhà chị Liêm đã cho lợi nhuận hơn 60 triệu đồng/400 trụ. Ðến năm 2010, khi vườn thanh long đã mở rộng lên 700 trụ, sau khi trừ các khoản chi phí, thu hơn 100 triệu đồng, là mức thu nhập cao nhất trên vùng đất đồi nơi đây trên cùng một đơn vị diện tích. Một điều đáng nói là cây thanh long lõi đỏ dễ phát triển, sau mỗi năm những khóm thanh long lớn, chỉ cần cắt tỉa từng hom nhân giống là có thể nhân rộng được diện tích vườn. Ðến nay, giống thanh long của chị Liêm đã được nhân rộng trong toàn xã Vân Trục và nhiều xã chung quanh. Cứ đến vụ, người bán, người mua thanh long ra vào tấp nập, nhiều người trong tỉnh đi 30 km cũng tìm về để mua. Giờ đây, niềm vui về cây thanh long lõi đỏ không chỉ có trong gia đình chị Liêm mà đã trở thành niềm vui của bà con trong toàn xã Vân Trục. Nhờ có cây thanh long lõi đỏ mà bà con trong xã đã thoát nghèo, nhà nào nhà nấy đều khang trang, ti-vi, tủ lạnh, xe máy... gia đình nào cũng có. Cây thanh long lõi đỏ đã trở thành loại cây trồng để phát triển kinh tế cho nhiều hộ gia đình không chỉ trong xã, trong tỉnh mà đang phát triển ra nhiều tỉnh, thành phố khác như Sơn La, Phú Thọ, Hà Giang, Thanh Hóa cùng tìm đến mua giống ở Vân Trục về trồng.
Chia sẻ với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Vân Trục Nguyễn Hữa Trí cho biết: Hiện toàn xã có 35 ha thanh long lõi đỏ. Nhận thấy loại cây này không chỉ xóa nghèo mà còn là cây làm giàu cho bà con nơi đây, chúng tôi xác định, là cây sản xuất hàng hóa và đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ thành lập hợp tác xã để sản xuất. Năm 2011, xã đã lập dự án đề nghị tỉnh cấp kinh phí để hỗ trợ các gia đình trồng thanh long trong xã.
Ðể giúp người dân huyện Lập Thạch mở rộng cây thanh long lõi đỏ, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng đề án nhân rộng mô hình cho các xã. Ðề án với tổng vốn đầu tư 100 ha, trong đó mỗi ha người dân được hỗ trợ 300 triệu đồng. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Quý cho biết: Việc nhân rộng trồng cây thanh long lõi đỏ tại các xã trọng tâm của huyện Lập Thạch đã được Hội xây dựng quy hoạch trên diện tích 25 ha tại ba xã Vân Trục, Ngọc Mỹ và Xuân Hòa. Dự án này người dân sẽ được hỗ trợ 100% giống và 50% kinh phí cho trụ bê-tông. Ngoài ra, bà con còn được hỗ trợ bảy triệu đồng tiền phân bón/ha... Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh và Hội Nông dân huyện Lập Thạch cũng đang nghiên cứu về thị trường tiêu thụ đầu ra cho quả thanh long tại các siêu thị lớn của miền bắc và tìm hướng để xuất khẩu.
Với những kết quả đạt được, cây thanh long lõi đỏ do chị Liêm áp dụng trồng thành công, trở thành loại cây chiến lược phát triển kinh tế của nhiều hộ nông dân tỉnh Vĩnh Phúc. Nó thật sự đã trở thành cây thoát nghèo và làm giàu cho nhiều hộ gia đình và đã được tỉnh áp dụng mô hình để nhân rộng.
Bài và ảnh: HẢO NGỌC