Minh Châu là xã đảo của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) với diện tích tự nhiên 8.177 ha, trong đó phần lớn là diện tích mặt nước và bãi triều có nhiều loại hải sản cho giá trị kinh tế cao như: Cá song, cá hồng, cà ghim, hải sâm, ngán, cua, ghẹ, trai ngọc, bào ngư, sá sùng...
Đặc biệt nghề khai thác sá sùng đã mang lại cho người dân nơi đây nguồn lợi hàng tỷ đồng. Nhiều gia đình đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ nguồn lợi thuỷ sản này. Với sản lượng 4 - 5 tấn khô/năm, con sá sùng mỗi ngày một ít đi và kích cỡ khai thác cũng nhỏ dần do khai thác quanh năm. Nhằm giúp nhân dân xã Minh Châu khai thác một cách hợp lý nguồn lợi thuỷ sản này, Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (GEF SGP) phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh và chính quyền địa phương đã triển khai Dự án khai thác và phát triển bền vững nguồn lợi sá sùng.
Nhằm hướng người dân địa phương có nhận thức đúng đắn trong việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi sá sùng đồng thời từng bước đưa nghề mới, những cách làm kinh tế hay vào địa phương, Dự án triển khai thực hiện đã tạo sự chuyển biến mới trong việc phát triển kinh tế của người dân Minh Châu trong việc sử dụng hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của địa phương. Ban điều hành dự án đã đưa các mô hình nuôi ốc hương, tu hài, ngao, nuôi bò, lợn, trồng cây trám ghép cho 64 hộ dân tham gia. Để Dự án được thực hiện hiệu quả, các chuyên gia của Dự án đã tổ chức 15 lớp tập huấn về kỹ thuật cho các hộ dân thực hiện các mô hình kinh tế như kỹ thuật chọn giống, chăm sóc ốc hương, tu hài; cách trồng và chăm sóc cây trám ghép; kỹ thuật nuôi và phòng chống dịch bệnh cho đàn lợn; các biện pháp phòng trừ dịch bệnh, kỹ thuật tạo nguồn thức ăn thô, xanh cho đàn bò. Tham gia dự án, người dân được vay, hỗ trợ về nguồn vốn để đầu tư ô lồng, con giống cho việc nuôi thả. Các hộ tham gia mô hình nuôi tu hài tại các thôn Tiền Hải, Nam Hải, Ninh Hải và Quang Trung đã chia thành các nhóm để thuận lợi cho việc trao đổi thông tin, kỹ thuật... Với hơn 100.000 con giống nuôi thả trong 3.000 ô lồng, sau 12 tháng đã cho thu hoạch với tổng sản lượng tu hài thương phẩm đạt trên 4 tấn. Một cán bộ dự án cho biết: Mô hình nuôi ốc hương được người dân thực hiện rất hiệu quả, lãi trên 30%, tăng thu nhập mỗi vụ từ 20 - 30 triệu đồng. 9 hộ nuôi ốc hương thuộc dự án đã thả 150.000 ốc hương giống, sau 10 tháng sản lượng thu hoạch đạt 1,2 tấn, cho doanh thu 170 triệu đồng. Nhận thấy những hiệu quả rõ rệt từ nuôi trồng thuỷ sản nên người dân đã tích cực đầu tư ô lồng phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản, nuôi nhuyễn thể. Đến nay, toàn xã đã có trên 40 hộ dân đầu tư ô lồng phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản, cải tạo bãi triều nuôi nhuyễn thể. Như vậy, sau khi dự án triển khai thực hiện, bên cạnh nghề khai thác, đánh bắt hải sản thì người dân Minh Châu đã từng bước hình thành và phát triển nghề nuôi thuỷ sản, mở ra một triển vọng mới cho kinh tế địa phương. Cùng với việc đẩy mạnh khai thác, nuôi trồng thuỷ sản mô hình kinh tế kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp với chăn nuôi gia súc, gia cầm; bảo vệ, phát triển trồng rừng (cây trám ghép) cũng mang lại hiệu quả cao.
Dự án khai thác và phát triển bền vững nguồn lợi sá sùng tại xã Minh Châu đã từng bước thay đổi nhận thức của người dân về việc khai thác một cách hợp lý nguồn lợi thuỷ sản tại địa phương, giảm thiểu tình trạng khai thác thuỷ sản bằng xung điện, chất nổ và các loại hoá chất khác. Theo người dân thì những mô hình kinh tế thuộc dự án đã bước đầu mang lại hiệu quả về kinh tế cho nhiều hộ dân, mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho nhiều hộ dân địa phương. Nếu được chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện về diện tích bãi triều, mặt nước để mở rộng quy mô nuôi thả sẽ mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho nhiều hộ dân trên địa bàn. Đặc biệt, dự án được triển khai thực hiện, các hoạt động tuyên truyền đã có tác động tích cực làm thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể địa phương trong việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản nói chung, nguồn lợi sá sùng nói riêng. UBND xã Minh Châu đã thành lập được đội tuần tra bảo vệ bãi sá sùng; phối hợp với Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long tổ chức thường xuyên các hoạt động tuần tra, kiểm soát việc khai thác tại các bãi sá sùng để ngăn chặn những hoạt động khai thác sai quy định, sử dụng phương tiện đánh bắt mang tính huỷ diệt, ảnh hưởng đến môi trường.
Với những kết quả, thành công bước đầu của dự án, hiện nay Hội Nông dân tỉnh đang tiếp tục khảo sát, lập dự án để Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (GEF SGP) triển khai tiếp giai đoạn 2 Dự án khai thác và phát triển bền vững nguồn lợi sá sùng.