00:00 Số lượt truy cập: 3233858

Thành lập hợp tác xã (HTX) làm đầu mối tiêu thụ nông sản hàng hóa: Hướng đi mới 

Được đăng : 03/11/2016
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thế mạnh là nông sản hàng hóa. Nhưng việc tiêu thụ nông sản hàng hóa của nông dân vẫn phụ thuộc thương lái nên giá cả bấp bênh. Để tìm đầu ra ổn định cho nông sản hàng hóa, thời gian gần đây, nhiều đã nông dân liên kết với nhau thành lập HTX để làm đầu mối ký kết hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân và bước đầu đã có những hiệu quả nhất định.

Từ những mô hình thành công

Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg “Về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng” được triển khai từ năm 2002 nhưng đến nay việc thực hiện quyết định này tại ĐBSCL vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu nông sản hàng hóa cho nông dân để thu mua lúa, mía, cá, tôm... Nhưng do hợp đồng chưa có điều khoản nào chế tài nên không ít hợp đồng bị “bể” . Đó là khi giá cả lên cao nông dân không bán nông sản hàng hóa cho doanh nghiệp và ngược lại khi giá thấp, doanh nghiệp “bỏ chạy” không mua sản phẩm của nông dân. Nhiều doanh nghiệp chế biến, kinh doanh nông sản ở ĐBSCL cho rằng không thể ký hợp đồng trực tiếp với hàng ngàn nông dân mà chỉ có thể ký hợp đồng với HTX, trang trại...

Thực tế đã chứng minh điều này. Điển hình HTX Thới An (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) liên tục mở rộng diện tích nuôi cá tra xuất khẩu và tăng lợi nhuận nhờ ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp. Cuối năm 2003, HTX Thới An được thành lập với 9 xã viên, góp vốn 500 triệu đồng. Năm 2004, HTX Thới An bắt đầu nuôi vụ cá tra đầu tiên trên diện tích 3.000m2, thu hoạch 100 tấn cá, bán ra thu lãi 300 triệu đồng. “Thừa thắng xông lên”, HTX Thới An chuyển nhượng thêm đất, mở rộng diện tích nuôi cá. Hiện nay, HTX đã có 4,6 ha nuôi cá tra xuất khẩu, với vốn điều lệ 5,6 tỉ đồng. Năm 2007, HTX thu hoạch khoảng 1.800 tấn cá và đạt lợi nhuận hơn 4 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, chủ nhiệm HTX Thới An, cho biết: “HTX Thới An có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu như: Công ty Nam Việt (An Giang), Công ty Hùng Vương (Tiền Giang)... Nhờ đó, đầu ra cá thương phẩm của HTX ổn định, tránh được tình trạng bị ép giá. Tỷ suất lợi nhuận của HTX vì vậy cũng cao hơn so với các hộ nuôi riêng lẻ. Xã viên cũng ngày càng gắn bó với HTX hơn”.

HTX sản xuất meo nấm Hưng Lợi (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) tuy mới thành lập được vài tháng nay nhưng cũng đã thiết lập được đầu mối tiêu thụ các loại nấm cho xã viên. HTX đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp và chợ đầu mối nông sản Bình Điền (TP Hồ Chí Minh) để cung ứng nấm linh chi, bào ngư, nấm mèo... HTX Hưng Lợi cung ứng các loại meo nấm và hướng dẫn kỹ thuật trồng các loại nấm cho xã viên và thu mua lại sản phẩm. Mỗi ngày HTX tiêu thụ cho nông dân cả trăm kg nấm với giá thu mua nấm linh chi từ 70.000-140.000 đồng/kg, nấm bào ngư 8.000-10.000 đồng/kg, nấm mèo 31.000 đồng/kg. HTX Hưng Lợi có gần một trăm hộ nông dân tham gia trồng nấm kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn.

Tỉnh An Giang là một trong những tỉnh dẫn đầu về sản lượng lúa, cá tra ở khu vực ĐBSCL. Ở đây cũng đã có nhiều HTX làm đầu mối tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân. Điển hình như HTX nông nghiệp Vĩnh Thắng ( huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) đã làm đầu mối tiêu thụ lúa, nấm rơm... cho nông dân. Vụ lúa đông xuân 2007, HTX nông nghiệp Vĩnh Thắng đã ký hợp đồng với một công ty lúa Nhật hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa cho xã viên ngay từ đầu vụ với giá cao 4.500-5.000 đồng/kg. HTX nông nghiệp Vĩnh Thắng còn hợp đồng với doanh nghiệp chế biến nấm rơm xuất khẩu tại TP Cần Thơ để cung ứng nấm rơm xuất khẩu. Có được hợp đồng trong tay, HTX nông nghiệp Vĩnh Thắng tổ chức cho nông dân trồng nấm rơm và thu mua lại.

Ông Lê Tấn Còn, xã viên HTX nông nghiệp Vĩnh Thắng, bộc bạch: “ Từ khi có HTX bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp, gia đình tôi yên tâm hơn, không còn sợ thương lái ép giá khi vào vụ thu hoạch lúa đông ken nữa. Ngoài việc trồng lúa, HTX còn phát động cho bà con xã viên chúng tôi trồng nấm rơm và thu mua lại để sơ chế bán lại cho các doanh nghiệp nên gia đình xã viên có thêm thu nhập nhờ tận dụng nguồn rơm phế phẩm”.

Để mô hình được nhân rộng

Hiệu quả của các HTX nông nghiệp làm đầu mối tiêu thụ nông sản hàng hóa đã rõ nhưng không phải HTX nông nghiệp nào ở ĐBSCL cũng đều đạt được như vậy. Hiện nay, ĐBSCL có khoảng 700-800 HTX nông nghiệp nhưng các HTX tổ chức được đầu mối tiêu thụ nông sản hàng hóa cho xã viên và nông dân vẫn chưa nhiều. Nguyên nhân do nhiều HTX còn hạn chế trong cách tổ chức sản xuất và chưa có thông tin về thị trường. Chưa đảm bảo được tốt các tiêu chí về số lượng, chất lượng hàng hóa, kích cỡ, đóng gói bao bì... nên vẫn chưa đáp ứng được điều kiện ký kết hợp đồng với doanh nghiệp. Thực tế đã có một HTX chuyên sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu nhưng khi đưa sản phẩm gạo vào siêu thị tại TP Hồ Chí Minh thì không thành công. Chủ nhiệm HTX này cho biết phải mất đến 6 lần làm việc với siêu thị nhưng vẫn chưa ký được hợp đồng.

Rào cản để nông sản hàng hóa vào siêu thị hiện nay chính là thương hiệu, số lượng, chất lượng và an toàn thực phẩm. Các HTX nông, thủy sản ở khu vực ĐBSCL cho rằng thành lập HTX làm đầu mối tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân là hướng đi tất yếu, nhất là trong tình hình hội nhập kinh tế thế giới hiện nay. Tuy nhiên, hầu hết các HTX nông nghiệp ở ĐBSCL còn thiếu thông tin thị trường, chưa có khả năng tổ chức sản xuất theo đúng yêu cầu của các doanh nghiệp, siêu thị. Các HTX nông nghiệp cần được tập huấn về kỹ năng nghiên cứu thị trường, các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, đóng gói bao bì, thương hiệu... để tổ chức sản xuất hợp lý. Từ đó, HTX sẽ dễ dàng ký hợp đồng cung ứng hàng hóa cho các doanh nghiệp, siêu thị.