00:00 Số lượt truy cập: 3234572

Thành quả từ những lớp học đặc biệt 

Được đăng : 03/11/2016

Nổi tiếng với những vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản như bưởi Năm Roi, cam sành Tam Bình hay những trang trại đẹp như tranh vẽ, nhà vườn Vĩnh Long ngày càng có điều kiện quảng bá thương hiệu nông sản, góp phần tăng thu nhập và làm giàu.


Tuy nhiên, để đảm bảo phát triển bền vững, các ban ngành và Hội Làm vườn (HLV) Vĩnh Long chọn giải pháp tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân và hội viên.

Người người đi học

Mô hình VAC được các cấp, ban ngành ở Vĩnh Long đánh giá là mô hình kinh tế tổng hợp mang lại hiệu quả cao, phù hợp với đặc điểm sinh thái địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến bất thường, giá cả nông sản không ổn định, chi phí sản xuất cao khiến thu nhập và đời sống của nhiều hội viên giảm sút. Nhiều mô hình thời gian đầu hoạt động hiệu quả nhưng do tác động của các yếu tố khách quan đã dẫn đến thất bại.

Trước tình hình này, các cấp Hội đã bàn bạc và thống nhất đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức cho cán bộ Hội theo chiều sâu thông qua những lớp học đặc biệt, từ đó truyền đạt lại cho hội viên của 103 chi Hội ở 8 huyện Hội; đồng thời nhanh chóng có phương án hỗ trợ hội viên duy trì và đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn.

Gọi là những lớp học đặc biệt bởi tại đây, hàng trăm cán bộ Hội được tập huấn sản xuất theo quy trình sản xuất an toàn (GAP) với những bài học về cách bảo quản trái cây sau thu hoạch, sản xuất trái cây chất lượng cao; sử dụng hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật, dầu khoáng, thuốc thú y,... Bên cạnh đó, học viên còn được tìm hiểu về thị trường trái cây và các loại nông sản để có hướng sản xuất phù hợp. Giáo viên là những cán bộ Hội giàu kinh nghiệm, nhà khoa học của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, kỹ sư thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh... Ngoài ra, cán bộ Hội còn được tìm hiểu về quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp tỉnh, định hướng vùng sản xuất chuyên canh, các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến sản xuất nông nghiệp.

Từ những lớp học này, hội viên được tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, cách làm hay. Riêng quý III /2008, tỉnh Hội tổ chức được 311 buổi tập huấn, hội thảo, tham quan cho 9.783 lượt hội viên, 7 lớp tập huấn cho 467 cán bộ Hội, cải tạo 157ha vườn tạp. Từ lớp học này, ông Lê Văn Việt ở xã cù lao Thanh Bình (Vũng Liêm) đã tự tin thả nuôi 20.000 con cá quả. Sau 4 tháng nuôi, trọng lượng cá đạt 0,3kg/con trở lên, ước tính thu được khoảng 6 tấn. Với giá bán như hiện nay, ông có thu nhập 200 triệu đồng. Hay ông Phan Văn Dây ở xã Trà Côn (Trà Ôn), nhờ tham gia các lớp tập huấn, đã thành thạo kỹ thuật “bắt” cam sành ra trái nghịch mùa, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với 3ha cam, gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Điều đáng nói là trong khi nhiều vườn cam ở Trà Ôn, Tam Bình bị bệnh vàng lá phải chặt bỏ thì vườn nhà ông Dây vẫn sai trái. Năm 2007, nhờ xử lý thành công cho ra trái mùa nghịch, ông thu 70 tấn quả.

Những nhiệm vụ mới

Bà Bùi Thị Đào, Phó chủ tịch HLV tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong định hướng quy hoạch phát triển đến năm 2010, ngành nông nghiệp tỉnh xác định kinh tế trang trại là mũi nhọn với mục tiêu phát triển mới 150 - 200 trang trại/năm, giá trị sản xuất bình quân đạt 50 triệu đồng/ha. Vì thế, những năm gần đây, bên cạnh việc xây dựng mô hình VAC theo hướng an toàn, hiệu quả, tỉnh Hội còn vận động hội viên phát triển kinh tế theo mô hình trang trại để nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích.

Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 500 hộ sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản đạt tiêu chí trang trại của Bộ NN - PTNT. Trong đó có 245 trang trại trồng cây ăn trái, 150 trang trại thuỷ sản, 48 trang trại chăn nuôi... Số trang trại tăng gấp 2 - 3 lần so với năm 2001, tập trung nhiều ở thị xã Vĩnh Long và các huyện Vũng Liêm, Long Hồ, Bình Minh... Những trang trại này góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng của địa phương, nâng cao trình độ, thay đổi tư duy và tập quán sản xuất của nông dân; đồng thời tác động tích cực đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi phù hợp với quy hoạch sản xuất.

Bên cạnh đó, tỉnh Hội tiếp tục xây dựng quỹ Hội, vận động hộ khá, giàu giúp hộ còn khó khăn bằng cách hỗ trợ cây - con giống, kỹ thuật, ngày công lao động... Mặc dù quỹ Hội không nhiều nhưng những tháng đầu năm, hội viên đã hỗ trợ nhau 222 cây giống, 203kg cá giống, 52 heo giống, 6 dê non... với tổng giá trị gần 60 triệu đồng cho gần 100 hộ nghèo. Việc làm tưởng như rất nhỏ, nhưng cũng nhờ đó mà số lượng hội viên tăng lên nhanh chóng. Trong quý III, các cấp Hội cơ sở đã phát triển được 1.367 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 33.338 người.

“Nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi từ nay đến cuối năm là nâng cao công tác tuyên truyền, củng cố tổ chức Hội, chú trọng phát triển mô hình kinh tế VAC theo chiều sâu. Bên cạnh đó, tỉnh Hội cũng tận dụng các nguồn vốn vay để triển khai dự án; xây dựng quỹ Hội để có điều kiện giúp đỡ những hội viên thiếu vốn sản xuất”, bà Đào cho biết