Kể từ khi quay đầu giảm giá vào giữa tháng 11/2011, thị trường lúa gạo trong nước đến nay vẫn chưa có tín hiệu phục hồi. Thương lái khá thờ ơ với hoạt động thu mua trong bối cảnh nhu cầu thế giới không cao, áp lực cạnh tranh lớn và vụ thu hoạch lúa đông xuân bắt đầu khởi động.
Giảm giá Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá lúa khô ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) loại thường dao động ở mức 5.600-5.750 đồng/kg, lúa dài 5.750-5.900 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm khoảng 7.450-7.600 đồng/kg, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm 7.650-7.500 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn khoảng 8.750-8.900 đồng/kg, gạo 15% tấm 8.250-8.400 đồng/kg và gạo 25% khoảng 7.900-8.050 đồng/kg. Như vậy, so với mức giá hồi nửa đầu tháng 11/2011, giá lúa hiện đang thấp hơn khoảng 1.500 đồng/kg, gạo thấp hơn 2.000-2.500 đồng/kg (tùy loại), trong khi các yếu tố đầu vào cao hơn khá nhiều. Do vậy, lợi nhuận của nông dân trong vụ đông xuân năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái. Thậm chí, nếu thời gian tới, giá vẫn ở xu hướng giảm thì nông dân dễ có nguy cơ lỗ nếu không có sự can thiệp kịp thời của Chính phủ và VFA. Đầu ra của gạo Việt Nam hiện tại không lớn. Theo VFA, trong quý I, các DN chỉ mới ký được lượng hợp đồng 1 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (quý I/2011 là 1,8 triệu tấn). Hơn thế nữa, thời gian giao hàng cho lượng gạo này kéo dài đến tháng 8 thay vì chỉ giao trong quý I như năm 2011. Trong 2 tháng đầu năm 2012, lượng gạo xuất khẩu ước đạt 756 nghìn tấn, giảm 26,6%, kim ngạch đạt 437 triệu USD, giảm 16,1% so cùng kỳ năm trước. Indonesia vẫn đứng vị trí hàng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, nhưng khối lượng và giá trị xuất khẩu sang thị trường này chỉ bằng 2/3 cùng kỳ năm ngoái. Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo, việc nhu cầu thế giới không cao cộng với áp lực cạnh tranh lớn từ các nước xuất khẩu trên thế giới, đặc biệt là các nguồn gạo giá rẻ, hoạt động kinh doanh sau Tết đang xuất hiện tình trạng các nhà nhập khẩu ép giá gạo Việt Nam. Giá được các nhà nhập khẩu chấp nhận trả để mua thấp hơn khá nhiều so với mức giá sàn mà VFA đang áp dụng. Các nhà nhập khẩu tỏ ra chưa mấy sốt sắng để mua gạo. Họ bước vào thị trường với trạng thái thăm dò giá cả là chủ yếu. Sức ép cạnh tranh Theo dự báo, nhu cầu nhập khẩu gạo thế giới năm 2012 có thể sẽ đi xuống do sản lượng sản xuất tại các nước nhập khẩu tăng. Trong khi đó, nguồn cung từ các nước xuất khẩu, đặc biệt là từ Ấn Độ, nước vừa trở lại thị trường vào cuối năm ngoái, tiếp tục đổ ra ngày một nhiều. Trong báo cáo vừa công bố, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) nhận định, kế hoạch giảm nhập khẩu gạo của Philippines (từng là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới) và Bangladesh sẽ có tác động trực tiếp kéo lượng mậu dịch gạo toàn cầu năm 2012 giảm khá mạnh so với năm ngoái. Cuối năm 2011, Philippines đưa ra mục tiêu sẽ hạn chế nhập khẩu gạo trong năm 2012 ở mức 500.000 tấn gạo nhập khẩu trong năm 2011 và bằng gần 1/5 so với mức nhập khẩu kỷ lục năm 2010 là 2,45 triệu tấn. Tuy nhiên, với dự báo sản lượng gạo Philippines sẽ tăng 2,7% trong nửa đầu năm do mở rộng diện tích trồng lúa và cả năm sẽ tăng gần 11%, đạt mức 18,46 triệu tấn, Chính phủ nước này dự kiến sẽ cân nhắc lại kế hoạch nhập khẩu gạo năm 2012. Bên cạnh những khó khăn về thị trường, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các thị trường lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar… Về phía nguồn cung xuất khẩu, nhờ sản lượng tăng cao, Ấn Độ sẽ cho phép xuất khẩu bổ sung gạo non-basmati để đảm bảo hỗ trợ giá tối thiểu cho nông dân. Trước đó, Ấn Độ đã hoàn thành xuất khẩu 2,2 triệu tấn gạo non-basmati. Trong vụ 2011-2012, quốc gia này kỳ vọng sẽ sản xuất 102 triệu tấn gạo và tính đến ngày 2/2, lượng gạo thu mua của các đơn vị khác nhau tại Ấn Độ đã lên tới 21,83 triệu tấn. Trong khi đó, Hiệp hội Lúa gạo Myanmar (MRIA) cho biết, xuất khẩu gạo từ nước này sẽ tăng gấp hơn 2 lần, lên 1,5 triệu tấn trong năm nay, sau đó là 2 triệu tấn vào năm 2013 và 3 triệu tấn vào năm 2015, so với 700.000 tấn của năm 2011. |