00:00 Số lượt truy cập: 3229096

Thu mua đỉa và ốc bươu vàng: Hậu họa khó lường 

Được đăng : 03/11/2016

"Xét về góc độ nào đó, ốc bươu vàng có thể chế biến làm thức ăn chăn nuôi, nhưng đối với con đỉa, tôi không biết họ thu mua để làm gì. Ngoài việc dùng để điều chế, phối hợp với nhiều vị thuốc khác trong điều trị thông máu, làm tan vết sưng, bầm thì đỉa là loài rất khó tiêu diệt và sinh sôi nảy nở trong mọi điều kiện…", lương y Trần Văn Quảng, Hội Đông y Việt Nam cho biết.


Cơn sốt đỉa, ốc bươu vàng

Nhiều tháng qua, nông dân từ Bắc chí Nam đổ xô đi bắt đỉa bán cho thương lái để xuất sang Trung Quốc. Có thời điểm, đỉa được mua với giá 10.000 đồng/con, riêng đỉa phơi, sấy khô lên tới 1,2-1,5 triệu đồng/kg… Điều này đã tạo nên cơn sốt đỉa, khiến nhiều người đã tính đến chuyện đào ao nuôi loài động vật chuyên hút máu này.

Chúng tôi đến xã Tân Xuân (Hóc Môn - TP. Hồ Chí Minh), khu vực có đỉa xuất hiện ngày càng nhiều, đang gây hoang mang cho người dân và được biết, đỉa tràn ra môi trường xung quanh và sinh sôi nảy nở là do có hộ gia đình chuyên thu mua đỉa. Không chỉ thu gom đỉa tại địa phương, gia đình này còn thu mua ở nhiều nơi khác.

Dẫn chúng tôi ra thửa ruộng trồng rau muống gần nhà, chị Nguyễn Thị Bé ở ấp Tân Xuân 1 bức xúc nói: "Trước đây, khu vực này làm gì có đỉa, nhưng từ khi xuất hiện một gia đình thu gom đỉa, mọi người không dám lội xuống ruộng hái rau nữa. Chỉ cần ném một hòn đá xuống, thấy nước động là đỉa nổi lên rất nhiều".

Ông Nguyễn Sĩ Phước, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Hóc Môn cho biết: "UBND xã đã làm việc với gia đình này và họ đã dừng việc thu mua đỉa. Hiện chúng tôi đang chỉ đạo phối hợp với xã tổ chức rải vôi lên đất để diệt đỉa, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế bởi những con đĩa bám trong ngóc ngách, vôi rải không trúng thì nó vẫn tiếp tục sinh sôi, phát triển".

Trước thực trạng trên, ngày 2/12, Tổng cục Thủy sản đã có văn bản về việc cấm nuôi đỉa cũng như ốc bươu vàng (OBV), đồng thời yêu cầu thanh tra sở nông nghiệp và PTNT, chi cục thủy sản các địa phương tuyên truyền, vận động người dân biết về tác hại của việc nuôi đỉa, OBV trên đồng ruộng, ao hồ cũng như tổ chức kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời người dân nuôi hai loại sinh vật này.

Chỉ cần thả cây gậy xuống nước là người dân xã Tân Xuân bắt được rất nhiều đỉa.


Ông Nguyễn Huy Điền, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, hiện Tổng cục đang giao cho các chi cục địa phương thống kê, nắm rõ tình hình người nuôi đỉa, OBV để có biện pháp xử lý và có văn bản gửi các địa phương yêu cầu cấm nhập khẩu đỉa từ Campuchia về Việt Nam, nghiêm cấm thu gom, nuôi đỉa trên phạm vi cả nước để xuất đi nước ngoài.

Hệ lụy khó lường

Theo ông Nguyễn Huy Điền, Bộ Nông nghiệp và PTNT chưa thống kê được cụ thể những địa phương nào đang nuôi đỉa và ốc bươu vàng, số lượng bao nhiêu.

Theo Hội Động vật học Việt Nam, đỉa là loài rất nguy hiểm do dễ sinh sôi nảy nở trong mọi điều kiện, đặc biệt ở những vùng đồng ruộng chiêm trũng. Trong khi đó tiêu diệt đỉa rất khó, ngay cả nếu đốt cháy không hết, còn sót lại một vài tế bào, khi gặp điều kiện thuận lợi cũng có thể phát triển thành một con đỉa bình thường. Vì thế, nếu người dân đua nhau nuôi đỉa sẽ dẫn đến không thể kiểm soát được, đỉa tràn ra môi trường, trở thành tai họa giống như việc nuôi OBV, chuột hải ly, rùa tai đỏ…

Trước thực trạng một số hộ nông dân nuôi đỉa để bán, TS. Bùi Quang Tề, nguyên Viện trưởng Viện Nuôi trồng thủy sản 1 cảnh báo: Đỉa là vật chủ trung gian gây bệnh tiêm mao trùng, bệnh khá nguy hiểm cho động vật và con người. Không những thế, tốc độ sinh sản và phát triển của nó rất nhanh do trứng của đỉa vừa là hữu tính, vừa là vô tính. Đỉa phát triển trong tự nhiên thì không sao, nhưng nếu nuôi nhiều và không kiểm soát được chúng sẽ phát triển ồ ạt và tấn công các loài động vật dưới nước.

Cũng theo TS. Tề, đã có những đợt dịch trên các vật nuôi do đỉa sinh sôi quá mức trong một khu vực nhất định gây ra như cá rô phi tại Quảng Ninh, cá bống bớp tại Nam Định, cá he ở miền Nam…, khiến cá chết hàng loạt. Thậm chí ở Khánh Hòa, đỉa còn tấn công và giết chết cả cá sấu. Ngoài ra, đỉa sinh sôi quá mức sẽ gây mất cân bằng sinh thái. Trong khi để tiêu diệt đỉa phải bắt trực tiếp hoặc dùng hóa chất, nhưng dùng hóa chất thì sẽ ảnh hưởng tới môi trường thủy sinh và các loài động vật dưới nước khác. Do vậy, cách tốt nhất là bắt đỉa, sau đó đào hố chôn, rắc vôi sống lên.

Trước những hiểm họa khôn lường của đỉa, PGS-TS. Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) khuyến cáo: Đối với con đỉa, muốn tiêu hủy phải ngâm cồn rồi đốt thì chúng mới chết hẳn. Nông dân mà dùng các phương pháp như băm, chặt chỉ càng khiến loài này sinh sản nhanh hơn và khi chúng tràn ra môi trường tự nhiên sẽ gây ra hậu họa khôn lường".