00:00 Số lượt truy cập: 2677416

Thuần hoá vùng đất "bất trị" 

Được đăng : 03/11/2016
"Mới đầu nhìn đồi trọc toàn cát với sỏi, trồng cây gì cũng không sống được, tôi đã định bỏ về nhà làm ruộng. Nhưng nghĩ đến những đứa con nheo nhóc, tôi nghiến răng: Có chết cũng phải "thuần hoá" cho được vùng đất "bất trị" này"- ông Nguyễn Công Ân, chủ trang trại vườn rừng ở xã Hưng Yên (Nghệ An) tâm sự về những ngày khởi nghiệp đầy khó khăn.


Từng là kế toán HTX nông nghiệp, nhưng đồng lương ba cọc, ba đồng không đủ nuôi vợ con, ông Ân đã xin nghỉ để chạy chợ. Buôn thúng bán mẹt không phải "sở trường" của ông nên nhiều phen, ông mất cả vốn lẫn lãi. Ngồi nhà buồn chân, buồn tay, ông nảy ra ý định xin đấu thầu khu đồi trọc, nằm ở vùng cao nhất của xã, nơi đất đai quanh năm khô cằn và đầy sỏi đá. Nhiều cán bộ xã khi nhận đơn khuyên ông không nên phí sức vào đó. Nhưng ông nhất quyết: "Chưa làm thì đâu biết được thất bại, hay thành công. Nếu thất bại, tôi cũng chẳng thể nghèo hơn. Còn thành công, vợ con tôi có thêm bát cơm no, tấm áo lành". Ông vác cuốc, vác búa lên đồi. Không có tiền thuê người làm, mình ông hì hục dọn sỏi, đục đá xây giếng nước. Con trai thương bố vất vả cũng lặn lội lên làm cùng. Ngày đêm, bố con ông dọn vườn, phát luống trồng hoa màu. Để có... bạn, ông nhờ vợ vay vốn mua đàn gà, vài con chó, con mèo. Ông cũng bí mật đem sổ đỏ đi cắm để mua cây giống và 2 con bò. Ông nhớ lại: "Thời gian đầu, tôi cắm cây nào, chết cây ấy. Đôi lúc nản quá định bỏ. Nhưng nghĩ đến cảnh vợ con nheo nhóc, tôi lại cắn răng để làm".

Rút kinh nghiệm, ông Ân về thị xã mua đủ các loại sách hướng dẫn về canh tác đồi trọc, cải tạo vùng đất khô cằn. Ông xây các bể nhỏ quanh đồi rồi bơm nước lên dự trữ. Ông cũng chọn những loại cây chịu hạn tốt và thay đổi cách bón phân cho cây. Trước, ông bón phân chủ yếu tập trung vào gốc, nay ông bón rộng theo tán cây. Ông bảo, rễ cây thường phát triển theo tán lá. Bón phân như vậy sẽ cung cấp đủ nước, chất dinh dưỡng cho cây sinh trưởng.

Mất 2 năm thất bại và 3 năm thấp thỏm theo dõi chu kỳ phát triển của cây, ông Ân đã làm chủ một trang trại cây ăn quả, cây rừng đẹp nhất nhì xã Hưng Yên. Năm 2004, ông thu lứa quả đầu tiên, trừ chi phí, lãi hàng chục triệu đồng. Năm thứ 2, thứ 3, số tiền ông thu về tăng gấp đôi, gấp ba. Ông tiết lộ: Nếu thời tiết thuận lợi, cuối năm 2006 này, ông sẽ thu trên 50 triệu đồng và bán thêm đôi bò cũng được hơn 10 triệu đồng. Số tiền này, ông sẽ tái đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi quy mô lớn nhất nhì ở xã Hưng Yên.