Trong ngành chăn nuôi những năm gần đây, một điều không thể phủ nhận đó là các mô hình chăn nuôi động vật bản địa, hoang dã như Nhím, Heo rừng , gà sao, gà ác, baba... đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người chăn nuôi. Khó ai có thể tin nhưng lại là thực tế đó là giá nhím bờm hiện nay là 1-2 triệu đồng/kg nhím hậu bị, 6-12 triệu đồng/ cặp nhím hậu bị, có con nhím chửa giá tới 18 triệu đồng /con. 5-6 triệu đồng/ con heo rừng 3 tháng tuổi nặng 8-10 kg…
Tuy nhiên những mô hình này cũng thường xuyên phải đối mặt với nhiều vấn đề mới như kỹ thuật chăn nuôi, dịch bệnh, kinh doanh, luật pháp…; cũng có thể nói đây cũng là vấn đề rất mới đối với các nhà khoa học, các nhà quản lý và các doanh nghiệp kinh doanh giống vật nuôi này.
"Tập trung phát triển sản phẩm chăn nuôi có lợi thế và khả năng cạnh tranh như lợn, gia cầm, bò; đồng thời phát triển sản phẩm chăn nuôi đặc sản của vùng, địa phương" là một trong bốn định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 đã được thủ tướng chính phủ phê duyệt theo QĐ số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/1/2008.
Nhằm góp phần thực hiện định hướng quan trọng trên, diễn đàn Khuyến nông @ Công nghệ được tổ chức tại Tiền Giang nhằm giải đáp những băn khoăn trăn trở của bà con nông dân khi nuôi vật nuôi bản địa, hoang dã. Mặt khác diễn đàn còn nhằm tạo mối giao lưu, trao đổi giữa 4 nhà về kinh nghiệm chăn nuôi, quản lý, sản xuất, những thông tin, kiến thức khoa học mới về chăn nuôi vật nuôi bản địa; cùng nhau thảo luận, tìm thêm những giải pháp góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi mới mẻ này tại các tỉnh thành phía Nam.
Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi vật nuôi bản địa
Anh Trần Văn Lực (Hai Lực), ấp Bình Ninh, xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết trang trại có trên 3000 con gà sao, cung cấp không đủ giống cho người chăn nuôi trong cả nước; Gà con giá 40.000đ/con; gà hậu bị 90 ngày tuổi già 200.000đ/con; gà thịt giá trung bình 100.000đ/con/kg. Thị trường tiêu thụ hiện nay cung cấp cho khoảng 40 tỉnh thành trong cả nước , có trên 20 vệ tỉnh ở địa bàn trong tỉnh và các tỉnh lân cận, nuôi trên 5000 con gà thịt và hậu bị. Gà sao có giá trị kinh tế hiệu quả cao, hiện nay gà thịt thương phẩm giá từ 100.000-120.000 đ / 1kg; gà hậu bị giống 90 ngày tuổi giá 200.000 đ/ con; gà con giá 40.000 đ/con. Thông qua mô hình nuôi gà sao năm 2007 thu nhập bình quân của gia đình đạt trên 100.000.000đ. Dự kiến năm 2008 thu nhập khoảng 300 000 000đ, cũng chính từ mô hình nầy mang lại đã giúp cho nhiều hộ nông dân trong vùng được thoát nghèo.
Một trong những điển hình về mô hình nuôi gà ác là gia đình ông Nguyễn Văn Ẩn ngụ tại ấp Cầu Xây, thị trấn Thủ Thừa, Long An. Ông cho biết, nếu tính thật đầy đủ thì bình quân mỗi năm ông thu được ít nhất khoảng 50-60 triệu đồng tiền lãi từ nuôi gà. Theo ông, nuôi gà ác hiện thời có thị trường tương đối ổn định và có hiệu quả ; Tuy nhiên, nếu tăng hơn nữa quy mô nuôi thì có thể gặp vấn đề về giá cả và nơi tiêu thụ.
Ông Đặng Minh Mẩn, hiện cư ngụ Ấp Long Hưng xã Long An huyện Châu Thành - Tiền Giang với mô hình nuôi Nhím của mình phấn khởi cho biết cuối năm 2004 qua tìm hiểu sách báo ông được biết có một hộ nuôi nhím ở Củ Chi - Thành Phố Hồ Chí Minh, từ đó ông tìm đến học hỏi kinh nghiệm và quyết định mua 10 cặp về nuôi, giá thời điểm này là 5.000.000 đồng /cặp sau khi đem về nhà ông còn mua thêm 5 con nữa của những hộ xung quanh nuôi kém hiệu quả. Qua ba năm thực hiện đến thời điểm này tổng đàn nhím của gia đình là 100 con. Từ năm 2005 đến đầu năm 2007 Ông nuôi nhím chủ yếu là để tăng đàn. Năm 2007 đến đầu năm 2008 bán được 13 cặp bình quân 6.500.000 đồng/ cặp, lợi nhuận: 37.050.000 đồng. Đầu năm 2008 đến nay bán được 20 cặp * 8.000.000 đ/cặp = 160.000.000 đ, trừ chi phí thức ăn còn lãi 112 triệu đồng.
Ông Đỗ Trọng Kim, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho biết ở các tỉnh phía Nam có khả năng phát triển gây nuôi heo rừng/lai và/hoặc nhím do (1) đã có nhiều mô hình gây nuôi sinh sản thành công và có hiệu quả kinh tế, (2) có nguồn giống trong vùng và có nguồn gốc rõ ràng của con giống để các hộ mua và lập thủ tục đăng ký trại nuôi, (3) có kinh nghiệm của nhiều trại nuôi và tài liệu hướng dẫn kỹ thuật sẵn có (hoặc dễ truy cập để nghiên cứu, học hỏi), (4) kỹ thuật nuôi không khó: chuồng trại đơn giản; thức ăn đa dạng, có thể mua tại địa phương với giá cả thích hợp; thú nuôi sinh sản nhiều và tăng trưởng nhanh; thị trường có nhu cầu tiêu thụ (con giống và thịt), nhờ vậy các chủ trang trại gây nuôi có khả năng thu hồi vốn nhanh. Cũng theo Ông Kim, tính đến tháng 01 năm 2008, trên địa bàn 19 tỉnh ở Đông Nam Bộ và miền Tây (chưa tính Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ), các Chi cục Kiểm lâm đã lập hồ sơ chứng nhận cho 1.962 trại gây nuôi ĐVHD, gồm 243 trại nuôi sinh sản, 1.337 trại nuôi sinh trưởng và 382 trại vừa nuôi sinh sản vừa nuôi sinh trưởng. Trong số động vật nuôi, có hơn 3.700 con nhím (đã được đăng ký gây nuôi ở hầu hết các tỉnh, thành phố nhưng tập trung nhất ở Tp Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương) và gần 3.800 con heo rừng/lai (đã được đăng ký ở 10 tỉnh, thành phố nhưng tập trung nhất ở Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh và Tp Hồ Chí Minh.
Giaỉ pháp góp phần phát triển bền vững chăn nuôi vật nuôi bản địa
Theo TS Võ Văn Sự, Trưởng bộ môn động vật qúi hiếm và đa dạng sinh học, Viện Chăn Nuôi thì để phát triển bền vững nghề chăn nuôi mới mẻ này, cần tập trung vào một số giải pháp đó là (1) Cần công nghiệp hóa trong quản lý, tức là các cá thể cần được phân nhóm theo lứa tuổi, giai đoạn sinh lý để nuôi dưỡng cho đảm bảo yêu cầu về sinh và tiết kiệm thức ăn. Cần phải đánh số và theo dõi năng suất cá thể, áp dụng các phương pháp quản lý hiện đại như thể là phần mềm vi tính. Cần phải xác định các tính trạng quan trọng và phải nghiên cứu chọn lọc... Có thể mới có thể tạo nên những thế hệ sau tốt hơn (2)Tạo nguồn thức ăn tốt, rẻ và ổn định do 70-80% giá thành bắt nguồn từ thức ăn. Hiện nay những cơ sở nuôi các giống quý hiếm lại không để ý tới vấn đề này. Họ chỉ tận dụng phế phụ phẩm, mua của những người nông dân. Cần phải để dành một diện tích để trồng cây, củ quả. ở Long an, có người trồng cây Chè khổng lồ cho nhím, cho lợn rừng ăn (3)Thành lập các nhóm sản xuất, tiêu dùng (4) Kiên trì xây dựng thương hiệu (5) Xúc tiến việc chế biến các sản phẩm chất lượng cao, độc đắc. Các giống vật nuôi qúy hiếm cũng phải tạo nên các sản phẩm như món ăn quý hiếm, được chế biến đặc biệt, độc đáo. Có như thế khách hàng mới đến với các món ăn độc đáo đó và hệ quả là nhà hàng mới đến với các giống vật nuôi qúy hiếm đó (6) Rất cần vai trò của giới khoa học và quản lý nhà nuớc.
Ông Bùi Ngọc Phùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Tiền giang cho rằng (1) Việc phát triển đàn heo rừng cũng cần phải có định hướng, bởi nếu để chăn nuôi một cách ồ ạt sẽ có nguy cơ “bí” đầu ra. (2) Các nhà chăn nuôi cần liên kết với nhau để tìm đầu ra tiêu thụ tốt hơn từ các nhà hàng quán ăn ở các thành phố lớn (3) Đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tạo tiền đề cho ngành chăn nuôi vật nuôi bản địa đi theo hướng công nghiệp (4) Kêu gọi các nhà doanh nghiệp đầu tư và xây dựng cơ sở dịch vụ thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi (5) Các nhà khoa học nghiên cứu chọn lọc các vật nuôi bản địa để tạo điều kiện cho người chăn nuôi áp dụng hiệu quả vào trong điều kiện sản xuất.
ThS Võ Văn Ninh, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM cho biết đối với vật nuôi bản địa thì nhiều vấn đề cần phải được các nhà khoa học nghiên cứu để làm rõ đó là (1) Cần nghiên cứu khả năng chống bệnh của vật nuôi bản địa để có qui trình nuôi hợp lý vì thực tế cho thấy đàn gà sao của Anh Hai Lực tại Tiền giang được nuôi từ năm 2001 đến nay chưa xảy ra dịch bệnh, thí dụ như bệnh đậu gà, và đặc biệt là bệnh cúm gia cầm H5N1 mặc dù đàn gà hòan tòan không được chích vắc xin (2) Khả năng lấy tinh và thụ tinh nhân tạo cho Heo rừng nhằm nhân nhanh giống heo này để đưa vào sản xuất (3) Cách nhận biết chính xác nhím động dục và nhím có bầu...