00:00 Số lượt truy cập: 2677435

Tiền Giang phát triển vườn cây ăn quả 

Được đăng : 03/11/2016

Ðể tổ chức lại sản xuất phù hợp nhu cầu thị trường, Tiền Giang đang tập trung nghiên cứu, quy hoạch lại diện tích vườn cây ăn quả theo hướng an toàn, chất lượng cao và số lượng lớn nhằm phát huy thế mạnh một cách bền vững, góp phần tăng thu nhập cho nông dân...


Mũi nhọn phát triển kinh tế

Tiền Giang là một trong những địa phương phát triển diện tích trồng cây ăn quả (CAQ) nhanh và lớn nhất trong cả nước. Năm 1990, tỉnh có 24.500 ha, thì đến nay đã có gần 70 nghìn ha, hằng năm cho sản lượng gần một triệu tấn quả các loại. Những năm qua, CAQ của Tiền Giang phát triển theo hướng tăng diện tích và phát triển mạnh các giống cây đặc sản, bước đầu đã tạo nên những vườn chuyên canh tập trung. Ðạt được kết quả trên là do Tiền Giang đã biết kết hợp và vận dụng một cách hài hòa, sáng tạo trong việc tận dụng các điều kiện ưu đãi của tự nhiên và cơ chế, chính sách phù hợp, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế vườn theo hướng chọn lọc loại cây có giá trị kinh tế cao.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang Nguyễn Văn Khang cho biết, điều kiện tự nhiên, môi trường ở Tiền Giang rất thích hợp cho việc phát triển các vùng chuyên canh CAQ. Các huyện phía tây của tỉnh phù sa màu mỡ, quanh năm nước ngọt, thích hợp cho các loại CAQ nhiệt đới, nhất là các loại cây có múi như: cam sành, bưởi lông Cổ Cò ở huyện Cái Bè, sầu riêng ở Cai Lậy, vú sữa Lò Rèn ở huyện Châu Thành...; Vùng đất nhiễm phèn nặng thuộc khu vực Ðồng Tháp Mười, huyện Tân Phước thì lại thích hợp cho cây khóm (dứa). Các huyện phía đông của tỉnh thuộc hệ đất đai bị nhiễm mặn, lợ nổi tiếng với đặc sản sơ ri, dưa hấu và thanh long thuộc huyện Chợ Gạo,... đáp ứng yêu cầu nguyên liệu cho nhà máy chế biến rau quả và sơ chế, tiêu thụ trái cây tươi.

Nghị quyết Ðảng bộ tỉnh Tiền Giang khóa 7 xác định mục tiêu Tổ chức lại sản xuất kinh tế vườn, cải tạo đổi mới giống cây trồng bảo đảm yêu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến trái cây chất lượng cao, giai đoạn 2001-2005 và Chương trình phát triển kinh tế vườn trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Từ sự quan tâm này, thời gian qua, tỉnh đã không ngừng hỗ trợ nhà vườn thông qua các chương trình như tăng cường công tác khuyến nông, quản lý chặt chẽ giống cây trồng, đồng thời kết hợp với ngân hàng tạo điều kiện cho nhà vườn vay vốn đầu tư vào việc phát triển vườn CAQ có giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất chuyên canh tập trung với quy mô lớn.

Hiệu quả mà kinh tế vườn mang lại rất lớn, góp phần đáng kể thay đổi bộ mặt nông thôn. Cụ thể, giai đoạn 2001- 2005, diện tích vườn cây ăn trái của tỉnh tăng 6,8%/năm, trong đó, diện tích vườn chuyên canh hiện có 60.877 ha, chiếm 93,18% diện tích vườn toàn tỉnh, đạt giá trị sản lượng hơn 2 nghìn 480 tỷ đồng, tăng 8,82% so với năm 2001. Và hiện nay toàn tỉnh có hơn 69 nghìn ha vườn CAQ, tăng 7.300 ha so năm 2005; sản lượng năm 2007 đạt hơn 900 nghìn tấn.

Bên cạnh tăng diện tích vườn chuyên canh, vấn đề chất lượng hiện nay cũng được nhà vườn Tiền Giang đặc biệt quan tâm. Hầu hết nhà vườn đã áp dụng triệt để các tiến bộ kỹ thuật như: kỹ thuật bón phân cân đối, kỹ thuật để cỏ trong vườn chống bốc, thoát hơi nước, tạo sự cân bằng sinh thái cho vườn cây, kỹ thuật tạo cành, tỉa tán, bao trái...; đồng thời mạnh dạn thay giống xoài bưởi bằng giống xoài cát Hòa Lộc; những giống sầu riêng hạt lép: Ri 6, Mon Thong, Chín Hóa đã thay giống sầu riêng khổ qua xanh chất lượng kém... đã giúp cho nhà vườn có thu nhập bình quân từ 50 đến 70 triệu đồng/ ha, cá biệt có hộ thu nhập từ 80 triệu đến 300 triệu đồng/ ha đối với những vùng trồng sầu riêng và cây có múi. Ðiều đáng mừng là những năm qua, nông dân mạnh dạn thay đổi cách làm từ số lượng sang chất lượng, từ đó giá trị trái cây được nâng lên rõ rệt, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Tuy nhiên, tình hình phát triển CAQ mấy năm gần đây ở tỉnh cũng đã bộc lộ một số tồn tại, yếu kém, như: Cây giống chưa được quản lý chặt chẽ và còn nhiều bất cập, diện tích CAQ tăng nhanh, nhưng do quy mô nông hộ nhỏ và trồng nhiều chủng loại. Việc quy hoạch, định hướng phát triển và xây dựng vùng chuyên canh CAQ chưa được đầu tư lớn, việc xây dựng tổ hợp tác hoặc HTX sản xuất và doanh nghiệp về CAQ chậm và ít, việc sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn an toàn (G.A.P) chưa được chú trọng, các nhà vườn thiếu sự liên kết, công nghệ sau thu hoạch còn rất kém, bao bì lạc hậu. Cơ sở hạ tầng phục vụ đầu ra chưa đáp ứng được nhu cầu, thiếu thông tin về thị trường, hệ thống phân phối chưa tốt...

Tập trung đầu tư cho bảy loại cây chủ lực

Nói về quy hoạch phát triển CAQ trên địa bàn tỉnh hiện nay, đồng chí Nguyễn Văn Khang cho biết: Tiền Giang ưu tiên quy hoạch vùng sản xuất CAQ tập trung trên cơ sở quy hoạch kiểm soát lũ để định hình ba vùng chuyên canh (vùng đất nhiễm phèn, vùng mặn, lợ và vùng nước ngọt) nhằm tăng nhanh khối lượng sản phẩm hàng hóa, từng bước sản xuất theo đơn đặt hàng của thị trường.

Hiện nay, tỉnh đã xác định và lập dự án để tập trung đầu tư phát triển bảy loại CAQ có giá trị, đó là: xoài, bưởi, sầu riêng, vú sữa Lò Rèn, thanh long, sơ ri, khóm, phấn đấu ổn định quy mô vườn theo hướng bền vững, đạt giá trị kinh tế cao đến năm 2010 là 90 nghìn ha, đạt sản lượng 900 nghìn tấn, đến năm 2020 là 100 nghìn ha, đạt sản lượng hơn một triệu tấn.

Ðể góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của sản xuất CAQ dần đi vào ổn định, phát triển các loại cây đặc sản của địa phương thành những vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa, UBND tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ Tiền Giang đảm trách nhiệm vụ thực hiện các chương trình hỗ trợ và phát triển toàn diện bốn loại cây ăn trái đặc sản có kết hợp với du lịch sinh thái gồm: Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, sơ ri Gò Công, xoài cát Hòa Lộc vùng Hòa Hưng và khóm vùng Tân Phước.

Qua một năm thực hiện bốn chương trình hỗ trợ phát triển các loại trái cây đặc sản nói trên, đáng chú ý là những mô hình sản xuất theo phương pháp sạch, bền vững (GAP) bước đầu được Nhà nước và nông dân nhiệt tình hưởng ứng. Trong đó, cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã chính thức được công nhận Global GAP (sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu).

Ngoài ra, các chương trình hỗ trợ đã giới thiệu cho nông dân mô hình sản xuất tiên tiến, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, có khả năng cạnh tranh trên các thị trường cao cấp, cung cấp kiến thức cho một số nông dân, cán bộ kỹ thuật địa phương khái niệm GAP và phương pháp thực hành GAP, ứng dụng lý thuyết thực hành GAP trong thực tế sản xuất.

Tuy nhiên, với mô hình GAP, sau khi học hỏi, nông dân cần có diện tích đất lớn để tổ chức thực hiện, nên nhiều nông dân cần liên kết lại thành một nhóm, những nhóm nông dân sẵn có là các HTX sản xuất nông nghiệp, câu lạc bộ khuyến nông và gần đây một số tổ hợp tác sản xuất đang được hình thành,... Ðây có thể là những đơn vị nòng cốt đi đầu trong việc tự nguyện kết nối sản xuất trái cây GAP. Nếu được hướng dẫn tổ chức thực hiện sản xuất theo GAP, loại hình tổ hợp tác sản xuất này hứa hẹn là nhóm nông dân tiên phong trong việc tự nguyện kết nối sản xuất trái cây GAP, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm trái cây có chất lượng cao và độ an toàn được bảo đảm, mang đến cơ hội cho trái cây Tiền Giang xâm nhập vào thị trường các nước láng giềng, châu Á, châu Âu, hay châu Mỹ.

Ngoài ra, trên cơ sở quy hoạch phát triển CAQ có lợi thế cạnh tranh cao, cần tiến hành một cách đồng bộ, chặt chẽ để tạo bước đột phá mới trong việc phát triển kinh tế vườn theo hướng bền vững. Ðó là, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế vườn; Bảo quản chế biến vận chuyển và tổ chức chợ bán buôn sản phẩm. Trong đó, đặc biệt chú trọng dự báo thị trường, bởi thực tế hiện nay tỉnh có nhiều chủng loại trái cây xuất khẩu dưới dạng tươi và chế biến rất phong phú, để có khối lượng nông sản xuất khẩu lớn cần quy hoạch sản xuất thành vùng chuyên canh có năng suất cao, giá thành hạ, chất lượng đồng đều, phòng trừ sâu bệnh tốt, đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó, chất lượng sản phẩm và giá thành hạ là hai yếu tố quyết định tạo thế trong cạnh tranh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Theo đó, để hỗ trợ cho công tác quy hoạch CAQ trong thời gian tới mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng mức sống cho bà con nông dân tỉnh, cần có chính sách ưu đãi về thuế cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh trái cây như miễn thuế VAT cho các HTX tiêu thụ trái cây. Ðồng thời khuyến khích thành lập các HTX chế biến, tiêu thụ trái cây và phát triển loại hình kinh tế trang trại. Khuyến khích người nông dân tích tụ ruộng đất, phát triển một cách ổn định và lâu dài việc sản xuất CAQ trên quy mô lớn, theo hướng GAP, nhằm bảo đảm một môi trường sản xuất an toàn, thực phẩm bảo đảm không chứa các tác nhân gây bệnh để đáp ứng yêu cầu thị trường. Song song đó, cũng cần tăng vốn đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công tác giống, gồm nâng cấp trạm, trại và chọn tạo những giống mới, các công nghệ tiên tiến bảo quản trái cây, ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, bảo quản...