Chúng ta cần phải tiết kiệm nước, bởi nước là tiền. Nông nghiệp dùng đến 70-80% lượng nước nên là ngành đi đầu trong việc tính toán lại giá trị nông sản dựa trên lượng nước sử dụng, và từ đó chọn lựa nên trồng cây gì, nuôi con gì, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nào cho thích hợp. Để có 1kg thịt heo cần 4.800 lít nước, 1kg thịt gà 3.900 lít, 1kg thịt dê 4.000 lít, 1kg thịt cừu 6.100 lít. Nhưng để có 1kg thịt bò cần 15.500 lít nước bởi lẽ bò nuôi suốt 3 năm mới cho 200kg thịt. Trong thời gian này, chúng tiêu tốn 1.300kg hạt ngũ cốc, 7.200kg cỏ, 24m3 nước cho việc ăn uống và 7m3 nước cho việc tắm rửa, vệ sinh chuồng trại. Một con heo nuôi trong 10 tháng sẽ cho 90kg thịt, khoảng 5kg mỡ và 2,5kg da, tiêu tốn hết 385kg ngũ cốc, 11m3 nước để ăn uống, tắm rửa và khoảng 10m3 nước cho việc vệ sinh, giết mổ. Trong nông nghiệp thì sản xuất lúa gạo tiêu tốn lượng nước lớn nhất, tiếp đến là lúa mì, bắp, đậu nành, bông vải, mía đường, càphê... Hai khuynh hướng tạo nên áp lực thiếu nước trong các thập kỷ tới là dân số thế giới tăng thêm và biến đổi khí hậu. Trong 50 năm qua, dân số thế giới gia tăng từ 3 tỷ lên 6,5 tỷ người, và 25 năm sau, chúng ta sẽ có thêm 2 tỷ nhân khẩu. Nhưng vấn đề không chỉ dân số tăng lên mà cách sống và chế độ thực phẩm ở mỗi nơi, mỗi thời làm cho nhu cầu nước tăng cao đột biến. Để sản xuất 1kg gạo, chúng ta tiêu tốn 3.400 lít nước, nhưng để có 1kg thịt bò phải dùng đến hơn 15.000 lít nước. Vì vậy việc dùng nước sao cho hiệu quả sẽ là giải pháp chủ lực để tránh tình trạng khủng hoảng nguồn nước. Việc lựa chọn những giống cây trồng mới có khả năng chịu hạn hay áp dụng biện pháp tưới nhỏ giọt là cách tiết kiệm nước hiệu quả. |