Ông Phạm Hữu Hiện, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ nhãn An Hòa (xã An Nhơn) cho biết, thuận lợi nhất trong quá trình sản xuất là bà con rất nhạy bén trong việc tiếp thu và áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Chả thế mà nơi đây được chọn là địa điểm đầu tiên trên địa bàn huyện Châu Thành thực hiện quy trình sản xuất GlobalGAP trên cây nhãn với diện tích 30ha, chủ yếu là giống Út Hiện. Ngay sau khi tiếp cận với quy trình sản xuất mới, bà con không ngại khó, ngại khổ, từng bước thay đổi tập quán sản xuất để cung cấp cho thị trường nông sản sạch, an toàn. Năm 2010, Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ nhãn An Hòa được thành lập với 30 hội viên để cùng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Từng theo học ngành nông nghiệp, sẵn có lòng đam mê nghề vườn, ông Hiện đã lai tạo, thuần hóa thành công một giống nhãn ngoại nhập phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, giống nhãn đó được đặt tên là Út Hiện với những ưu điểm nổi bật như cơm dày, hạt nhỏ, vị thơm ngọt, không rụng cành. Thậm chí, khi những vườn nhãn da bò ở Đồng bằng sông Cửu Long điêu đứng vì bệnh “chổi rồng” thì nhãn Út Hiện vẫn “bình yên vô sự”. Điều đáng ghi nhận là, ông đã thành công trong việc “bắt” nhãn ra quả theo ý muốn ở bất cứ thời điểm nào trong năm. Ông Hiện hồ hởi khoe: “Giờ thì tất cả các thành viên trong Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ nhãn An Hòa đều đã thành thục kỹ thuật này sau một thời gian tôi đích thân hướng dẫn, chuyển giao”.
Chiến lược kinh doanh của tổ hợp tác này cũng rất sáng tạo và độc đáo, sao cho lợi nhuận thu được luôn ở mức cao nhất. Thông thường, các vườn nhãn ở khu vực phía Bắc chỉ có thể cung cấp sản phẩm đến Rằm tháng Tám. Để bù vào chỗ khuyết của thị trường, tổ hợp An Hòa chủ trương cho nhãn thu hoạch từ thời điểm đó đến tháng 5 âm lịch năm sau. “Chính vì vậy mà chúng tôi không bao giờ rơi vào cảnh ế ẩm. Mỗi ngày chúng tôi cung cấp cho thị trường 1-3 tấn hàng, chủ yếu là các tỉnh phía Bắc và xuất sang Trung Quốc. Giá bán luôn ổn định ở mức cao vì lúc đó không có ai cạnh tranh với mình”, ông Hiện cho biết thêm.
Vụ nhãn 2011, ông Hiện và các thành viên trong tổ hợp tác thắng lớn vì “bắt” nhãn cho thu hoạch đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, nhãn loại 1 có thể đạt 40.000 đồng/kg, nhà vườn thu lãi từ 500 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng/ha. Ông và các thành viên còn mạnh dạn dán nhãn hiệu “nhãn Út Hiện” nên người tiêu dùng rất yên tâm. Sự bài bản trong sản xuất, chiến lược kinh doanh đã giúp nhà vườn liên tục gặt hái những mùa quả ngọt.
Sự chuyên nghiệp hóa trong hoạt động của tổ hợp tác này còn thể hiện ở chỗ, ngoài việc xây dựng vùng chuyên canh nhãn theo tiêu chuẩn GlobalGAP, cung cấp giống nhãn đảm bảo chất lượng, tổ còn nhận tư vấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho nông dân trong xã và các vùng lân cận. Hiện, tổ hợp tạo việc làm cho trên 30 lao động, với mức thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người/tháng, trở thành đơn vị điển hình của Hội Làm vườn Đồng Tháp.
Bây giờ về An Nhơn, đến đâu cũng thấy những vườn nhãn xanh bạt ngàn, nhãn đã làm thay đổi diện mạo vùng quê nghèo, thay đổi cuộc sống của người dân, biến những nông dân chân lấm tay bùn ngày nào trở thành triệu phú, tỷ phú. Bản thân ông Hiện cũng là một người như thế, với hơn 3ha trồng nhãn, mỗi năm ông có thu cả tỷ đồng, chưa kể tiền cung ứng cây giống với số lượng khoảng 10.000 cây/năm.
Theo thống kê của UBND xã An Nhơn, diện tích chuyên canh nhãn của xã hiện đạt khoảng 300ha, sản lượng cung cấp cho thị trường khoảng 600 tấn/năm. Nhờ trồng nhãn, nhiều gia đình đã có của ăn của để. Gia đình ông Nguyễn Văn Hiệp (ấp Tân Thạnh) trồng 5 công (1 công = 1.000m2) nhãn, vụ vừa rồi sau khi trừ chi phí thu lời 8 - 10 triệu đồng/công. Hộ anh Tưởng Nhật Thuận (ấp An Thạnh) cũng có hơn 6 công nhãn, mỗi mùa anh thu hoạch khoảng 1.700kg, thương lái đến tận vườn mua, thu lời khoảng 48 triệu đồng.
Không những tạo thu nhập ổn định cho người trồng, vùng chuyên canh nhãn còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ với những công việc như nhặt, hái nhãn. Ông Hiện cho biết, thời gian tới, ông và các nhà vườn ở đây sẽ tiếp tục áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng nhãn, đồng thời mở rộng diện tích cũng như tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho trái nhãn.
Các đơn vị, cá nhân có nhu cầu được tư vấn kỹ thuật về trồng mới, xử lý ra hoa các loại nhãn; mua giống nhãn Út Hiện và một số giống cây ăn tráikhác, có thể liên hệ theo địa chỉ: ông Phạm Hữu Hiện, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ nhãn An Hòa, xã An Nhơn, Châu Thành, Đồng Tháp.
ĐT: 067.2747.700.
DĐ: 0918.402.235.