“Tổ nuôi tôm cộng đồng” mô hình thúc đẩy vùng nuôi trồng thuỷ sản phát triển ở Ninh Bình
Được đăng : 03/11/2016
Liên kết, bàn nhau cách làm ăn, giúp, hỗ trợ về vốn, kinh nghiệm nuôi, cách vệ sinh ao đầm, bảo vệ tài sản chung, sẵn sàng chia sẽ những rủi ro, cùng nhau phát triển sản xuất nuôi trồng là một mô hình mới đang được triển khai tại xã Kim Trung, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) bắt đầu từ năm 2010.
Ông Đinh Công Thanh, Phó Chủ tịch xã Kim Trung cho biết: “Tổ nuôi tôm cộng đồng” là mô hình gần như “Tổ hợp tác sản xuất”, các hộ nuôi tôm tự nguyện liên kết với nhau. Theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp, huyện và xã, cũng như nhu cầu của các hộ nuôi, sắp tới sẽ nhân rộng mô hình này trên toàn địa bàn. Ban đầu mới tổ chức nuôi tại 4 tổ, mỗi tổ 10 hộ nuôi với tổng diện tích gần 20 hécta.
Theo ghi nhận của cán bộ Chi cục thuỷ sản và các hộ nuôi, liên kết trong nuôi trồng, có nhiều mặt tích cực, như tạo ra sự đồng bộ, chủ động về thời gian nuôi thả, nguồn giống, yếu tố trách nhiệm trong việc phát hiện, phòng chống các loại bệnh cho con nuôi cũng được nâng cao... Ông Trịnh Văn Chính, một hộ trong “Tổ nuôi tôm cộng đồng” ở xóm 3, xã Kim Trung cho biết: “Các hộ trong Tổ, cùng lấy con giống một trại, thả cùng thời gian, nên chủ động trong việc lên kế hoạch đưa nước vào thau rửa ao đầm, đảm bảo thời gian mùa vụ, thuận tiện trong kiểm tra phát hiện bệnh trên con nuôi. Ví như khi một hộ phát hiện có dịch bệnh phải báo ngay cho cả Tổ để tìm biện pháp xử lý, nhờ vậy đã khai thác hiệu quả tiềm năng của địa phương, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho các hộ”.
Với lợi thế có hơn 15km bờ biển, ngoài ra còn có vùng “Cồn nổi” hàng năm được bồi đắp hàng trăm mét. Trong những năm qua, bên cạnh những con nuôi truyền thống, như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, cá rô phi. Ninh Bình cũng đã đưa nhiều đối tượng con nuôi mới, như cá bống bớp vào nuôi thử nghiệm đạt kết qủa tốt; nhiều mô hình liên kết sản xuất cho hiệu quả cao, tạo ra nhiều hướng đi mới trong phát triển kinh tế vùng ven biển của tỉnh.