00:00 Số lượt truy cập: 3228987

Triển vọng từ mô hình nuôi nhím 

Được đăng : 03/11/2016

Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện miền núi Thường Xuân (Thanh Hóa) xuất hiện nhiều mô hình nuôi nhím cho giá trị kinh tế cao, nhiều gia đình đã thoát nghèo và trở nên giàu có.


Mô hình nuôi nhím của gia đình anh Châu ở thôn Quyết Tiến.

Được biết, mô hình nuôi nhím tại Thường Xuân phát triển, công đầu là do lực lượng kiểm lâm huyện khởi xướng và giới thiệu cho bà con. Anh Trịnh Minh Châu ở thôn Quyết Tiến (xã Ngọc Phụng) cho biết: "Mấy năm trước, được cán bộ kiểm lâm giới thiệu mô hình nuôi nhím, cộng với tìm hiểu kỹ thuật nuôi kỹ lưỡng, tôi đã nuôi thử một đôi. Thời gian sau, đôi nhím sinh sản được 2 con, cứ thế đàn nhím nhân lên, sau đó tôi quyết định đầu tư chuồng trại, mở rộng chăn nuôi theo hướng trang trại, thu lãi 250-300 triệu đồng/năm. Qua quá trình nuôi, tôi thấy nuôi nhím không khó bởi không mất nhiều thời gian chăm sóc và nhân công, trong khi hiệu quả kinh tế mang lại khá cao".

Gia đình chị Quách Thị Thương ở thôn Quyết Tiến cũng đã nuôi nhím được 7 năm. Lúc đầu, gia đình chị vay vốn mua được 1 đôi. Thấy bán nhím có lãi cao, giờ chị đã nhân lên 30 đôi nhím, trừ chi phí, bình quân gia đình thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm.

Theo chị Thương, nuôi nhím khá đơn giản bởi không cần nhiều vốn đầu tư cho chuồng trại, không mất nhiều đất đai, không ô nhiễm môi trường, chỉ cần trồng 1 sào sắn là đủ thức ăn cho khoảng 40 đôi nhím và chỉ 1 lao động là có thể đảm trách được việc chăm sóc nhím, trong khi đầu ra của nhím giống lẫn nhím thương phẩm đều rất rộng mở.

Ông Nguyễn Viết Việt, Chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng cho biết: "Mô hình nuôi nhím khá phù hợp với địa phương bởi diện tích đất đai còn rộng, nguồn thức ăn phong phú, rẻ, vì thế chính quyền xã khuyến khích bà con mở rộng nuôi nhím để làm giàu".

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân, toàn huyện hiện có gần 20 hộ được cấp phép chăn nuôi nhím. Ông Bùi Phú Vẻ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân cho biết: "Chúng tôi rất tâm đắc với mô hình nuôi nhím và hướng dẫn các hộ gia đình đầu tư chăn nuôi, làm thủ tục đăng ký giấy phép theo quy định. Đây không những là mô hình giúp bà con làm giàu mà còn góp phần bảo tồn loài động vật hoang dã quý hiếm này".