Từ một hướng thoát nghèo
Tìm về “xứ sở” lan Đông La, đi tới đâu cũng thấy mọi người nói về vườn lan Huyền Chân của chị Tạ Thị Chân, một phụ nữ với nghị lực phi thường, đã vượt qua nghèo khó. Từng thi đỗ vào Trường Đại học Nông nghiệp I (Hà Nội) nhưng gia đình khó khăn, chị đành gác lại ước mơ. Rồi một ngày, người ta thấy chị rong ruổi trên khắp con phố với những nhánh lan để mưu sinh bởi gánh nặng gia đình dồn trên vai chị. Muốn con nên người, chị mất bao ngày đêm suy nghĩ, tìm cách kiếm tiền nuôi con ăn học.
Và rồi những chuyến ngược Hoà Bình, xuôi Ninh Bình để tìm lan đã vun đắp cho chị tình yêu với loài hoa vương giả. Cũng từ đó, chị có thêm kinh nghiệm chọn, trồng và bảo quản các loài hoa lan. Thời gian dần trôi, từ chỗ để mưu sinh, giờ chị đã trở thành “chuyên gia” về hoa lan. Vườn lan mang tên Huyền Chân rộng gần 3.000m2 với hàng ngàn dò và trên 200 loài đã giúp gia đình chị có “của ăn, của để”. Các con chị vào đại học cũng nhờ những dò hoa của mẹ. Không chỉ có vậy, chị Chân còn trợ giúp kỹ thuật cấy ghép cho nhiều hộ trồng hoa trong xã, giúp các anh Phan Đăng Quang, Tạ Công Thực, … làm giàu từ hoa lan. Nhiều vườn lan ở Đông La cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm như Trường Uyên, Thực Hà…
Đến thương hiệu riêng
Hiệu quả kinh tế của hoa lan đã nhãn tiền, vì thế, từ vài hộ ban đầu, giờ đây toàn xã có gần 30 hộ trồng và nhân giống lan với tổng diện tích khoảng 5ha. Nhận thấy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại cho bà con thu nhập cao gấp nhiều lần cây lúa, hàng năm, xã đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tham quan, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thu hút hàng trăm lượt người tham gia. Ngoài ra, xã còn tạo điều kiện để bà con được vay vốn, phát triển kinh tế hộ. Lan ở Đông La có nhiều loại như: lan Đại Châu, Thanh Ngọc, Thanh Trường, Cẩm Tú, Vẩy Rồng... Giá cả tuỳ thuộc vào dò to hay nhỏ hoặc loài thông dụng hay quý hiếm. Nếu là lan rừng, giá dao động từ 50.000 đồng/dò đến vài triệu đồng/dò. Theo chủ vườn lan Nguyễn Thị Hà, khó nhất trong trồng lan là phải biết bệnh của chúng vì lan rất dễ bị nấm. Nghề này đòi hỏi nhiều thời gian, người chăm sóc phải có tính tỉ mỉ, sáng tạo.
Theo lời một cụ già trong làng, nhờ áp dụng kỹ thuật trong chăm sóc, nuôi trồng, nhiều vườn lan ở đây đã trồng được những loài lan quý như Đại Châu, Phi Diệp đỏ, đuôi sóc Lào, dạ hương, … giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng/dò. Chả thế mà, cứ mỗi dịp tết đến xuân về, làng Đông La nhộn nhịp hẳn lên bởi những chuyến xe chở lan từ đây lại hành trình ngược xuôi khắp trong Nam, ngoài Bắc. Nói không ngoa, tự bao giờ lan đã trở thành đề tài “nóng” trong những cuộc trà dư tửu hậu của người dân nơi đây.
Chia tay những ông, bà chủ đầy tâm huyết với phong trào trồng lan nơi đây, tôi thấy vững tin vào câu nói đầy vẻ tự hào của cụ già kia: “Không bao lâu nữa, lan của Đông La sẽ có thương hiệu trên thị trường…”.