00:00 Số lượt truy cập: 3234445

Trồng mây nếp góp phần phát triển kinh tế lâm nghiệp 

Được đăng : 03/11/2016
Kon Chiêng (Mang Yang-Gia Lai) là xã vùng sâu vùng xa, thuộc diện đặc biệt khó khăn. Nơi đây có diện tích rừng tự nhiên rộng lớn, tuy nhiên rừng thuộc loại nghèo và thưa. Do trình độ dân trí thấp nên bà con chưa biết khai thác tiềm năng từ rừng.

Mô hình trồng mây nếp ở đất đồi cạnh rừng.

Trước thực trạng này, ngành chức năng đã khuyến khích bà con phát triển kinh tế lâm nghiệp, với cây trồng chủ lực là mây nếp. Cây mây nếp phù hợp với điều kiện tự nhiên, góp phần tăng cường làm giàu hệ sinh thái thực vật, tăng độ che phủ đất, chống xói mòn.

Cây mây nếp rất thích hợp trồng dưới tán rừng, trồng quanh vườn hộ và trên đất đồi. Sợi mây nếp dùng làm đồ thủ công mỹ nghệ phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Để dự án đạt hiệu quả cao, Phòng Kinh tế huyện Mang Yang đã phối hợp với UBND xã và các đoàn thể vận động nhân dân hưởng ứng tham gia mô hình thí điểm. Dự án chọn được 7 nhóm hộ gồm 98 người tham gia tại làng Đê Tar. Mỗi nhóm hộ trồng 1 ha. Các chuyên viên Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông huyện trực tiếp về tận làng hướng dẫn kỹ thuật trồng mây cho đồng bào.

Sau một năm thực hiện dự án, chúng tôi đến một mô hình nhóm hộ, do anh Bưm phụ trách. Đây là mô hình trồng mây nếp dưới tán rừng. Anh Bưm cho biết, từ khi nhận khoán đến nay, rừng của nhóm hộ anh phụ trách đã xanh trở lại. Được cán bộ huyện về cung cấp giống mây nếp, hướng dẫn kỹ thuật để bà con trồng dưới tán rừng nên bà con mừng lắm, ai cũng hồ hởi tham gia. Hiện, những khóm mây được đồng bào trồng dưới tán rừng đã lên xanh tốt, hứa hẹn mùa thu hoạch hiệu quả, góp phần giúp bà con cải thiện đời sống.

Anh Phạm Ngọc Cơ, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Mang Yang cho chúng tôi biết: Trồng mây nếp cho hiệu quả kinh tế rất cao, nếu trồng dưới tán rừng có đầu tư phân bón, chăm sóc tốt thì chỉ sau 3-4 năm sẽ cho thu hoạch lứa đầu, ước tính đạt 5 triệu đồng/ha, những năm tiếp theo cho giá trị tăng gấp hai lần. Người nông dân chỉ tập trung đầu tư năm đầu, các năm sau chỉ bỏ công chăm sóc là có thể thu hoạch 15-17 năm liền. Nếu trồng thâm canh, sản lượng thu hoạch năm đầu đạt 30-40 tấn/ha, những năm sau thu hoạch 2 đợt/năm, sản lượng 50-75 tấn. Giá mây hiện nay khoảng 10.000 đồng/kg, bình quân mỗi năm thu nhập khoảng 65 triệu đồng/ha. Trồng mây giải quyết việc làm tại chỗ cho nhân dân, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nhanh tỷ lệ đói nghèo, nâng cao nhận thức bảo vệ tài nguyên, sinh thái rừng bền vững. Mô hình đã trang bị kiến thức cho cộng đồng dân cư biết bố trí, sắp xếp lại sản xuất, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để sử dụng hiệu quả đất lâm nghiệp tại địa phương.