Ông Lê Văn Sơn, Phó ban Lâm nghiệp xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, dẫn chúng tôi tới trang trại trồng quýt ngọt của anh Quang Văn Tài (Ba Tài), ở xóm 3, thôn Tân Lập, nhìn những cây quýt sum suê nặng trĩu quả vàng ươm, được thưởng thức những trái quýt ngọt lịm, ai nấy đều trầm trồ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Thiêm, Chủ tịch xã Đan Phượng cho biết: Thổ nhưỡng và khí hậu của huyện Lâm Hà nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung rất phù hợp với cây quýt. Chính nhờ thời tiết mát mẻ, sự chênh lệch biên độ nhiệt ngày và đêm lớn tạo nên khí hậu đặc thù thuận lợi cho cây quýt phát triển tốt, quýt có vị ngọt rất riêng so với vùng miền khác.
Anh Tài, chủ trang trại tâm sự: Quê anh ở mãi tỉnh Hậu Giang, trong một lần đi thăm người bà con ở huyện Lâm Hà, thấy đất đai nơi đây còn hoang sơ, theo kinh nghiệm tích luỹ hồi còn ở quê, biết đất ở đây rất phù hợp với cây quýt. Năm 2004 anh gom vốn mua được 5 ha đất và mua giống lên trồng. Hồi mới trồng, ai nhìn thấy cũng lắc đầu, bởi vì từ trước tới giờ ở đây người dân quen trồng cây ngô và cà phê, có ai trồng cam quýt bao giờ đâu. Sự cần mẫn được bù đắp, trang trại quýt ngọt phát triển tốt, quýt bán giá cao từ 12.000 – 20.000đ/kg, thu hoạch không đủ bán cho các siêu thị ở TPHCM.
Ngồi kể về kỷ niệm những ngày đầu gặp khó khăn, anh Tài tâm sự: Sau khi hạ cây giống xong, vốn liếng không còn đồng nào, không biết vay mượn ở đâu. Để lấy ngắn nuôi dài anh đã trồng bắp, đậu phộng, đậu nành, khoai lang… xen dưới tán cây quýt, cũng nhờ vậy mà trang trại mới phát triển tới ngày hôm nay.
Qua việc trồng quýt ngọt, mỗi năm gia đình anh Quang Văn Tài thu trên 1 tỷ đồng, ngoài ra tạo điều kiện cho 7 lao động có công ăn việc làm thường xuyên với mức lương 1.500.000đ/tháng bao ăn ở. Bà con có nhu cầu trồng quýt ngọt, anh sẵn sàng tư vấn miễn phí.
Anh Tài cho hay: Quýt trồng ở Lâm Hà trái chín vỏ mỏng, có nhiều nước, vị ngọt, có mùi thơm rất đặc trưng, bán giá cao, sản phẩm thu hoạch không đủ cung cấp cho thị trường. Qua nhiều năm lăn lộn với nghề trồng quýt đặc biệt giống quýt ghép trên gốc cam cây khoẻ mạnh, chống chịu cao hơn quýt thông thường, tuổi thọ trên 10 năm.
Anh Tài chia sẻ kinh nghiệm như sau: Cây quýt rất thích hợp với các loại đất như: đất sỏi cơm, đất cát pha nhẹ có màu đen, đất đồi, đất phù sa ven sông, đất dưới thung lũng…, độ pH 5,5 – 7, độ dốc không quá lớn. Cây quýt rất ưa nước nhưng không chịu úng, cần chọn những nơi cao ráo, thoát nước.
Trồng quýt cần lên mô cao khoảng 30cm, rộng 40cm. Chuẩn bị cây ghép trước, dùng tay bới một lỗ ở giữa, bỏ một nắm phân chuồng hoai mục, trộn thêm một ít phân lân, sau đó dùng dao sắc rạch bịch bầu, đặt cây giống xuống cho ngay ngắn, lấp đất chặt kín mặt bầu. Dùng 4 cây nhỏ cắm xung quanh, lấy dây nilon buộc định vị cho cây khỏi bị đổ. Mùa khô tưới nước, ngày 2 lần, mùa mưa không cần tưới. Phân bón chủ yếu là DAP và NPK 16 – 16 - 8, phân vi lượng, canxi. Hai tháng bón một lần, lượng phân không đáng kể. Nhằm đảm bảo độ phì cho đất và dinh dưỡng cho cây, lượng phân bón tăng dần theo độ tuổi. Quýt thường hay bị rầy có thể dùng ASMAI 250WP, pha 7 – 10g/bình 10 lít, phun 5 – 6 bình cho 1.000 m2.
Từ khi trồng tới lúc thu hoạch khoảng 18 tháng (thu bói), năm đầu khi trái bằng đầu ngón tay út nên lảy bỏ bớt, mỗi đầu nhánh chỉ để 1 trái, thường xuyên phát cỏ xung quanh gốc, cắt tỉa cành gãy và cành la để cây quang hợp tốt. (Lưu ý: giai đoạn quả đang lớn, trước khi thu hoạch khoảng 1 tháng, cần hái quả ăn thử, nếu vị nhạt thì bón bổ sung thêm kali + canxi để quýt ngọt). Năm thứ 3 thu chính. Thu hoạch: bình thường 15 ngày hái 1 lần, thu rộ nhất là tháng 9 – 10 âm lịch cứ cách 1 ngày hái 1 lần. Hiện nay trang trại của anh Tài đang thu hoạch năm thứ năm, mỗi lần hái đạt 2 tấn, với giá bán từ 12.000 – 20.000đ/kg, nếu so sánh với trồng cà phê trên cùng diện tích thì trồng quýt ngọt hiệu quả cao hơn nhiều.