Những năm qua, diện tích hồ tiêu ở Bình Phước có dấu hiệu giảm. Nguyên nhân là do cây tiêu thường xuyên bị bệnh, dẫn đến chết toàn bộ nọc tiêu. Hiện diện tích trồng mới chỉ tương đương diện tích tiêu bị bệnh chết.
Chị Hồ Thị Cảnh ở ấp 5, xã Đồng Nơ (Hớn Quản) cho biết: “Trước đây, nhà tôi trồng 0,5ha tiêu. Những năm đầu tiêu phát triển mạnh, cho bông dài và hạt chắc, nhưng thu hoạch khoảng 5 - 6 năm thì tiêu chết dần và đến nay không còn một trụ nào”. Không riêng gia đình chị Cảnh mà nhiều vườn tiêu trong ấp cũng lâm vào tình trạng này. “Một số bệnh thông thường như thán thư, màng nhện điều trị một vài lần là khỏi; riêng bệnh chết nhanh thì không thể trị nổi, khiến vườn tiêu ngày càng trơ trụi”, chị Cảnh nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Đình Khánh, Phó trưởng phòng Khuyến nông (Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bình Phước) cho biết: “Khoảng 80% diện tích cây tiêu trên địa bàn chết là do bệnh chết nhanh bởi nấm Phitopthora gây hại. Cây tiêu đang xanh tốt, chỉ vài ngày sau khi bị bệnh là lá chuyển màu vàng rồi rụng, sau đó các đốt thân có màu thâm đen và rụng. Bệnh xảy ra nhanh, chỉ sau một vài tháng là cả nọc tiêu chết khô”.
Theo ông Khánh, nấm Phitopthora tồn tại trong đất, sau đó xâm nhập phá hủy toàn bộ rễ. Người dân nên phòng trừ kết hợp với phương pháp canh tác khoa học. Nghĩa là phun thuốc phòng bệnh ngay từ đầu đến giữa mùa mưa, đồng thời khơi thông rãnh thoát nước, không để nước ứ đọng lâu ở gốc tiêu, cắt bỏ những cành vươn sát gốc để cây thông thoáng.
Trước tình hình bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay thì trồng tiêu sinh học được coi là một hướng mở. Năm 2009, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bình Phước đã xây dựng thành công mô hình này. Lâu nay, nông dân có thói quen bón phân hóa học nhằm đạt hiệu quả cao, nhưng chính cách làm này đã từng ngày hại chết cây tiêu do môi trường đất bị hủy hoại. Nếu chuyển sang bón phân hữu cơ (phân trâu, bò, heo, gà...) thì môi trường đất sẽ được cải tạo, các loại sinh vật có lợi trong đất như giun, nấm/vi khuẩn cũng phát triển. Đặc biệt, trong phân hữu cơ có một số nấm có tác dụng tấn công các nhóm nấm có hại cho cây tiêu, điển hình là nấm Tricođatma chuyên ăn nấm Phitopthora, tác nhân gây bệnh chết nhanh.
Ông Khánh cho biết: “Chúng tôi còn kết hợp trồng cây lạc dại trong vườn tiêu để giữ ẩm cho đất, tiết kiệm được khoảng 30% lượng nước tưới. Ngoài ra, lạc dại còn góp phần khống chế cỏ dại, chống xói mòn đất. Vào cuối mùa khô, cây lạc dại chết, thân cây phân hủy, tạo ra một lớp mùn bổ sung dinh dưỡng cho đất”.
Trung tâm đã xây dựng mô hình này trên diện tích tiêu của gia đình ông Nguyễn Duy Khải ở thôn Phú Thành, xã Phú Riềng (Bù Gia Mập). Đến nay, tiêu sinh học phát triển rất tốt, không bị bệnh, năng suất trung bình 4,5kg hạt khô/nọc. Tới đây, toàn bộ 1.000 nọc tiêu trong vườn của gia đình ông Khải sẽ chuyển sang canh tác theo mô hình này.