00:00 Số lượt truy cập: 2667400

Trung tâm Giống cây trồng Bình Định góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng 

Được đăng : 03/11/2016
Trung bình hàng năm sản xuất ngành trồng trọt (tỉnh cả trồng rừng) của tỉnh cần khoảng từ 10-12 nghìn tấn thóc giống, 180-200 tấn ngô giống, 15 nghìn tấn hom mỳ giống, 30-40 nghìn tấn hom mía giống, 2-3 nghìn tấn giống đậu đỗ các loại, hàng triệu cây giống cây lâm nghiệp và cây ăn quả các loại. Trung tâm giống cây trồng của tỉnh là một trong những lực lượng nòng cốt đáp ứng nhu cầu này.


Giống cây trồng luôn luôn được lãnh đạo tỉnh và ngành nông nghiệp tỉnh xác định là vấn đề then chốt trong sản xuất nông nghiệp, được quan tâm đầu tư tương đối thoả đáng trong cơ cấu đầu tư cho nông nghiệp hàng năm với những bước đi thích hợp. Chương trình giống cây trồng của tỉnh được khởi phát từ chương trình giống cây trồng quốc gia do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề xướng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, được triển khai thực hiện từ năm 2000. Trọng tâm của chương trình là củng cố, xây dựng và phát triển hệ thống quản lý giống 3 cấp: giống siêu nguyên chủng - giống nguyên chủng - giống cấp 1 (hay giống xác nhận 1) đối với giống lúa; giống đầu dòng-giống gốc-giống xác nhận đối với cây ăn quả, cây lâm nghiệp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giống cây trồng đưa vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sản lượng cây trồng. Là trung tâm đầu mối quản lý và triển khai chương trình giống cây trồng trong màng lưới giống cây trồng của tỉnh, thời gian qua Trung tâm giống cây trồng Bình định đã nỗ lực vượt khó đi lên, năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần đáng kể vào thực hiện thành công và hiệu quả bước đầu chương trình giống cây trồng của tỉnh.

Trước hết là công tác khảo nghiệm, sản xuất thử những giống cây trồng mới; đánh giá, lựa chọn những giống thích nghi với đất đai, khí hậu, sinh thái trong tỉnh có năng suất cao, chất lượng tốt; chọn lọc, phục tráng những giống tốt đã bị thoái hoá đưa vào cơ cấu giống sản xuất chủ lực của tỉnh; tập trung và đáng kể nhất là các giống cây: giống lúa ĐV 108, ĐB 6, ĐB 5, ĐB 1, BM 2002, BM 9962, OM 2717, OM 2718, KD 18, Aỉ 32; các giống ngô lai: ĐK 888, ĐK 989, ĐK 171; giống mỳ: KM 94; các giống lạc: L 14, MD 7, Q 1; đề xuất ba bộ giống mía: giống chín sớm, giống chín trung bình và giống chín muộn; một số giống hoa mới có triển vọng như hoa Đa lộc, hoa Sứ Thái lan...

Song song với khảo nghiệm và kiểm nghiệm giống cây trồng Trung tâm rất chú trọng và thực hiện khá tốt nhiệm vụ sản xuất và cung ứng giống cây trồng cho sản xuất, trước hết và trọng tâm là giống lúa nguyên chủng để các địa phương sản xuất giống cấp 1 cho nông dân gieo trồng. Với lượng lúa giống nguyên chủng được nhân và cung ứng tăng dần hàng năm và đạt khoảng 300 tấn vào năm 2004 đã nâng tổng lượng lúa giống cấp 1 sản xuất trong tỉnh tăng dần qua các năm, từ mức 7.610 tấn năm 2000 lên 12.700 tấn năm 2005 kéo theo tỷ lệ diện tích lúa gieo sạ bằng giống cấp 1 tăng dần hàng năm từ mức 50-60% năm 2001 lên khoảng 90% năm 2005. Đi đôi với cấp 1 hoá giống lúa Trung tâm đã tích cực nhập giống lúa lai, liên kết sản xuất giống lúa lai F1 Bồi Tạp Sơn Thanh, Nhị ưu 838 cung ứng cho sản xuất, góp phần đưa diện tích gieo trồng lúa lai trong tỉnh tăng dần từ 150 ha năm 2001 lên 1.500 ha năm 2006. Kết quả sản xuất mấy năm qua cho thấy năng suất lúa lai cao hơn năng suất lúa thuần từ 1,5-2,5 tấn/ha tuỳ theo vụ, chân ruộng và kỹ thuật canh tác của người trồng, cá biệt có một số diện tích đạt năng suất trên 14 tấn/ha/vụ. Kết quả trên đây đã góp phần quan trọng đưa năng suất lúa bình quân của tỉnh từ mức đạt 42,4 tạ/ha năm 2001 lên 47,2 tạ/ha năm 2005. Bên cạnh đó Trung tâm đã thua mua và cung ứng cho các địa phương trong tỉnh hơn 500 tấn hom mỳ KM 94 làm nguồn giống để nhân và tăng diện tích trồng mỳ giống mới góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sản lượng mỳ trong tỉnh đáp ứng nhu cầu nguyên liệu mỳ chế biến công nghiệp; sản xuất, thu mua cung ứng hàng trăm tấn giống các loại cây trồng cạn; hàng triệu cây giống lâm nghiệp và cây ăn quả mỗi năm. Ngoài ra Trung tâm còn thực hiện lồng ghép chương trình trợ cước trợ giá của tỉnh với chương trình giống cây trồng để cung ứng giống lúa cấp 1, giống lúa lai, giống cây trồng cạn tốt cho đồng bào dân tộc ít người vùng sâu vùng xa sản xuất, tập huấn, huấn luyện chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng trọt giúp đồng bào nâng cao trình độ canh tác; qua đó nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, thiết thực góp phần cải thiện thu nhập và đời sống của đồng bào.

Qua mấy năm triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao Trung tâm giống cây trồng Bình định đã có những đóng góp đáng kể vào thành công và hiệu quả bước đầu của chương trình giống cây trồng; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sản lượng cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế ngành trồng trọt, cải thiện thu nhập và đời sống của nông dân, đảm bảo an ninh lương thực ở tầm vĩ mô làm cơ sở để chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và cơ cấu cây trồng một cách hiệu quả, góp phần thực hiện công nghiệp hoá-hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn của tỉnh./.