Cách đây vài năm, xã Hợp Thành vẫn còn là vùng quê nghèo của huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Có đến 90% bà con sống chủ yếu dựa vào đồng ruộng. Cuộc sống của người dân muôn phần vất vả vì tỷ lệ đồi núi chiếm phần lớn nên ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp. Không cam chịu với cái nghèo đeo đẳng, bà con tự tìm tòi giống cây trồng mới phù hợp với điều kiện tự nhiên. Nhiều giống cây được mang ra thử nghiệm và cũng thu được kết quả song vẫn không thể cạnh tranh được với cây chè giống PH1. Cuộc sống của họ cũng dần thay da đổi thịt, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn chiếm 15,8%.
Anh Phan Quốc Toản, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, chè Hợp Thành mới chỉ khiêm tốn có hơn 100 ha và năng suất bình quân mới đạt 6,8 tấn/ ha, nhưng người dân vẫn ngày ngày lo chăm bẵm... Đến Sơn Dương, hỏi thăm đến cây chè, bất cứ người dân nào sống ở đây cũng chỉ vào đất Hợp Thành. Chè Hợp Thành tuy không nhiều nhưng nó đã trở thành "bá chủ" của vùng đất Sơn Dương vì luôn giữ vị trí quán quân về chất lượng. Từ khắp các ngả dẫn vào Hợp Thành đều xanh mướt nương chè. Và nổi bật nhất có lẽ là bạt ngàn chè nhiều năm tuổi, phủ kín bản làng. Vào mùa thu hoạch, từ tháng 3 đến tháng 10, Hợp Thành đặc quánh hương chè. Gia đình anh Nguyễn Quang Trường, thôn Đồng Khuôn là gia đình tiêu biểu làm giàu từ cây chè. Năm 2002, anh bỏ ra số vốn 10 triệu đồng mua vườn chè rộng 1,5 ha. Mỗi tháng nhà anh thu 2 tạ chè khô, thu nhập trung bình từ 5 triệu đến 6 triệu đồng/tháng. Từ hai bàn tay trắng, hiện tại gia đình anh đã có ngôi nhà trị giá hơn 200 triệu đồng. Bà con không chỉ học hỏi kỹ thuật mà còn trực tiếp thực hành, ứng dụng kỹ thuật vào thực tế, biết phòng ngừa sâu bệnh, bón phân theo định kỳ, cắt tỉa hàng năm, biết phun thuốc kích thích để tạo búp nên năng suất cao hơn trước nhiều; có gia đình thu hoạch gần 7 tấn/ha. Bà Nguyễn Thị Thà, thôn Đồng Diễn, người có thâm niên buôn chè hồ hởi nói: "Ai mua chè Hợp Thành cũng khen ngon. Có hôm tôi pha 2 ấm chè (chè Hợp Thành và chè Thái Nguyên) cho khách hàng uống thử. Tất cả đều khen rất ngon và không ai phát hiện ra họ đang uống hai loại chè khác nhau. Thậm chí, người chuyên thu mua cũng không hề phát hiện ra. Đấy, chè mình đâu có thua kém về chất lượng, chỉ tiếc rằng số lượng không đủ cung cấp cho thị trường thôi".
Hiện tại, cây chè Hợp Thành chủ yếu phát triển mang tính tự phát. Xã cũng chưa có cơ sở chế biến hay cơ sở chuyên thu mua chè nên bà con phải tự mình tìm đầu ra cho sản phẩm. Giá chè lại không ổn định nên ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của bà con, đó còn chưa kể điều kiện khí hậu thất thường, ảnh hưởng đến năng suất chè. Anh Lương Đình Khải, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện tại xã vẫn chưa có kế hoạch xây dựng thương hiệu chè Hợp Thành bởi diện tích trồng chè ở đây mới chỉ khiêm tốn có 112,93 ha, so với các xã khác thì quả thật chưa đáng là bao. Sản xuất chè ở đây vẫn dừng ở mức nhỏ lẻ, manh mún. Xây dựng thương hiệu mà không đủ cung cấp cho thị trường thì thương hiệu cũng rất khó bảo đảm. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng tìm ra hướng phát triển phù hợp để chè Hợp Thành thực sự có thương hiệu và cạnh tranh mạnh trên thị trường. Hy vọng tương lai chè Hợp Thành sẽ có được thương hiệu như chè Tân Cương (Thái Nguyên), chè Shan (Hà Giang).