Ít ai ngờ một xã vùng xa như Lực Hành (Yên Sơn) lại là xã giỏi thâm canh cây lúa và có nhiều mặt hàng nông sản như na, hồng Nhân Hậu, bột dong giềng và lợn thịt.
Từ năm 2002 trở lại đây, mỗi năm giá trị hàng hoá của Lực Hành bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh đạt trên dưới 10 tỷ đồng.
Chị Đỗ thị Ngát, cán bộ khuyến nông xã cho biết, bên cạnh yếu tố về đất đai, bà con sử dụng giống lúa lai có năng suất chất lượng cao. Năm 2007, 11/12 thôn (trừ thôn Minh Khai không cấy lúa), 85 đến 90% diện tích được cấy giống lúa lai, năng suất lúa bình quân đạt từ 58 đến 62 tạ/ha/vụ, bình quân lương thực của 3.000 người (618 hộ) trong xã đạt 500 kg/người/năm.
Anh Hoàng Minh Châu, Chủ tịch UBND xã khẳng định, những năm gần đây Lực Hành không còn lo thiếu lương thực. Bà con trong xã đã khai thác tiềm năng đất đai, tìm cây trồng, vật nuôi phù hợp tạo ra nhiều nông sản hàng hóa, và bắt đầu nghĩ đến ăn ngon mặc đẹp. Hiện xã có 3 loại sản phẩm hàng hóa với khối lượng tương đối lớn là na, bột dong giềng và lợn thịt.
Toàn xã hiện có 100 ha na, chủ yếu ở thôn Minh Khai, trong đó 96 ha kinh doanh, mỗi năm thu 2,9 tỷ đồng. Dong giềng được bà con trồng nhiều ở 7 thôn: Đồng Mán, Làng Ngoài, Đồng Vàng, Đồng Nghiêm, Khuôn Lù, Đồng Trò và Đồng Rôm, mỗi năm chế biến được 255 tấn tinh bột. Với giá thị trường hiện nay 4 triệu đồng/tấn tinh bột, cả xã thu trên 1 tỷ đồng. Về chăn nuôi lợn, mỗi năm xã cung cấp cho thị trường không dưới 400 tấn lợn hơi, bình quân 12.000 đồng/kg, thu 5,2 tỷ đồng. Đấy là chưa kể các mặt hàng tre nứa, nguyên liệu giấy sợi, các loại nông, lâm, thổ sản khác.
Minh Khai là thôn có nhiều cây ăn quả na, hồng. Nhiều nhất là cây na. Na trồng quanh nhà, na trên diện tích đất màu đồi và leo lên tận đỉnh núi đá. Anh Nguyễn Danh Quế, Phó thôn Minh Khai cho biết, thôn có 120 ha đất canh tác (kể cả diện tích đất trên núi đá), 70% trong số đó được trồng na. Cả thôn có 70 hộ, 300 nhân khẩu đều là người quê gốc Hà Tây. Định cư ở vùng đất khó khăn về nguồn nước, cả thôn không có nổi một sào ruộng cấy lúa. Năm 1998, bà con về quê đưa cây na lên trồng. Cây hợp đất, phát triển tốt nên bà con đã có cuộc sống ổn định như ngày hôm nay.
Chỉ lên núi, anh Quế bảo, đất núi đá bà con đã trồng thử nhiều loại cây nhưng duy có cây na trụ lại được. Anh Quế tính, trung bình mỗi sào có 28 cây, mỗi cây cho 10 kg quả, bán bình quân 4.000 đồng/kg. Những năm gặp mưa thuận gió hòa, bình quân mỗi sào đạt giá trị canh tác 1.120.000 đồng (31 triệu đồng/ha/năm).
Gia đình anh Hoàng Kim Lâm có 800 gốc na, những vụ trước thu từ 8 đến 10 tấn quả. Theo anh Lâm, cây na ngoài yếu tố thời tiết, còn phụ thuộc rất nhiều vào cách thức chăm sóc của từng gia đình. Gia đình chị Nguyễn Thị Nga có 700 gốc na, năm nay thu được 12 tấn quả, thu về gần 50 triệu đồng. Cùng thôn, gia đình ông Nguyễn Chí Mân có 2 ha na, đạt sản lượng 15 tấn quả, thu 60 triệu đồng…