00:00 Số lượt truy cập: 3231994

Tuyên Quang xây dựng vùng chuyên canh tập trung 

Được đăng : 03/11/2016

Cam Hàm Yên, mía Sơn Dương, lạc Chiêm Hoá... mỗi cây ứng với mỗi tên miền đất cụ thể. Tuyên Quang đang có những bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế vững chắc, nhiều vùng chuyên canh cây, con bước đầu được hình thành, tạo ra diện mạo mới cho nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.


Huyện Chuyên Hoá nay đã có tới gần 1.700 ha đất trồng lạc. Vụ thu hoạch hồi đầu năm, nông dân Chiêm Hoá vừa được mùa vừa được giá, tư thương mua với giá bình quân 8.800 đồng/kg, quy đổi giá trị ra thóc thì 1 kg lạc bằng 2,5 kg thóc, 1 sào lạc cho thu nhập hơn 1,3 triệu đồng và tính giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác đạt tới 36 triệu đồng/ha/vụ. Các thôn bản của 2 xã Minh Quang và Phúc Sơn, nông dân đã thành lập các tổ, đội dịch vụ vận chuyển, thu gom sản phẩm với số lượng lớn phục vụ cho các xe ô tô tải vận chuyển lạc trong ngày. Riêng xã Minh Quang, vụ lạc vừa qua nông dân trong xã thu được trên 11 tỷ đồng. Tất cả 17 thôn trong xã trồng được 440 ha, trong đó hơn 300 ha lạc trồng trên đất ruộng, trong đó có 165 ha ruộng 2 vụ được bà con chuyển sang trồng lạc đạt năng suất bình quân 3,4 tấn/ha, sản lượng 1.500 tấn.

Vùng nguyên liệu mía Sơn Dương thì trù phú hơn hẳn, hiện đang trở thành một vùng kinh tế năng động nhất của tỉnh hiện nay. Sơn Dương có trên 4.200 ha mía tại 28/33 xã với trên 12.000 hộ dân tham gia trồng mía. Bằng chính sách đổi giống mới, thực hiện thâm canh, đầu tư hỗ trợ nông dân khai hoang phục hóa mở rộng diện tích trồng mía, vùng nguyên liệu mía đã tăng lên qua từng năm. Năm 2004, vùng mía nguyên liệu chỉ có trên 2.700 ha, đến năm 2006 đã tăng lên trên 3.400 ha và hiện nay đã tạo lập được vùng nguyên liệu trên 4.200 ha. Vụ xuân 2007, các xã trong vùng nguyên liệu đã tổ chức trồng lại gần 700 ha; trồng mới trên 810 ha. Diện tích mía tăng nhanh do phía doanh nghiệp thu mua nguyên liệu có cơ chế khuyến khích người trồng mía từ khâu trồng, chăm sóc, thu gom sản phẩm. Trong vụ ép mía vừa qua, mỗi xã trong huyện cũng cho doanh thu ít thì được 2 đến 3 tỷ đồng, nhiều thì từ 6 đến 7 tỷ đồng. Đối với hộ dân thì hộ thu cao nhất được hơn 100 triệu đồng, hộ thấp nhất cũng được 30 triệu đồng.

Đất cam Hàm Yên có gần 2.560 ha. Cam ở vùng này đạt năng suất 70 đến 90 tạ/ha. Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Phù Lưu cho biết: ở đây đang nổi lên những triệu phú đất cam như gia đình Chúng A Sính ở thôn Thọ, bà Phạm Thị Giang ở thôn Phù Yên hay gia đình ông Lê Văn Sáu, Vũ Văn Thập... đều có quy mô trang trại từ 2 đến 7 ha cam. Gia đình anh Chúng A Sính có bốn vườn cam rộng trên 7ha với gần 3.000 gốc cam sành. Anh Sính cho biết: chỉ riêng vụ vừa qua, gia đình đã thu hoạch được trên 80 tấn quả bán với giá 5.000đồng/kg, thu được hơn 400 triệu đồng, trừ chi phí cũng lãi 300 triệu đồng. Gia đình bà Phạm Thị Giang, ở thôn Khuôn Bồng, xã Trung Hà, có 1.250 gốc cam, vụ này ước đạt 40 tấn quả, thu gần 200 triệu đồng...

Ở thị xã Tuyên Quang thì lấy việc trồng hoa, rau chất lượng cao làm hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế nông nghiệp của mình. Từ hiệu quả của mô hình gần 20 ha chuyên canh trồng hoa và rau màu của xã Ỷ La cho doanh thu trên một ha canh tác từ 70 đến 130 triệu đồng/năm, nông dân thị xã Tuyên Quang đã mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu chất lượng cao đem lại hiệu quả kinh tế lớn. Nông dân ở xã Hưng Thành ngày nay đã làm chủ được khoa học kỹ thuật, mạnh dạn áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp. Các hộ nông dân như ông Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Văn Trọng ở xóm Ngọc Kim đã trồng được rau trái vụ đạt thu nhập trên 120 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí còn lãi từ 30 đến 40 triệu đồng/ha/năm.

Để có được những cánh đồng thu nhập 50 triệu trở lên đó, thị xã Tuyên Quang đã xác định khoa học kỹ thuật và cơ chế chính sách phải thực hiện song hành mới tạo sự hào hứng nhập cuộc của người nông dân. Thị xã đã xây dựng và triển khai chính sách ưu đãi với các dự án chuyển đổi như: hỗ trợ 1 triệu đồng/sào hoa hồng; 10 triệu đồng/km mương xây; 2 triệu đồng/giếng nước... Chỉ trong 5 năm qua, thị xã đã hỗ trợ trên 100 triệu đồng cho nông dân 4 xã Ỷ La, Hưng Thành, Tràng Đà, Nông Tiến xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê, hiện thị xã Tuyên Quang có hơn 50 ha canh tác đạt giá trị từ 50 triệu đồng/ha trở lên, trong đó chủ yếu là những cánh đồng trồng rau sạch đạt doanh thu từ 70 triệu đồng/ha/năm trở lên (thu lãi từ 35 triệu đến 40 triệu đồng) và mô hình chuyên canh hoa, thu nhập từ 90 đến 130 triệu đồng/ha (thu lãi 45 triệu đến 50 triệu đồng/ha/năm).

Hướng chuyên canh đã rõ nhưng cách thức sản xuất chuyên canh hàng hóa của Tuyên Quang chưa thực sự rõ ràng. Hiện tỉnh mới có 2 vùng chuyên canh gắn với nhà máy chế biến, đó là cây chè và mía, tính công nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ khá cao. Các vùng chuyên canh cam, lạc, rau và hoa tuy sản phẩm đã được đưa ra thị trường, nhưng chưa nâng cao được giá trị, sản xuất còn mang tính thủ công nên không có sức cạnh tranh. Nên việc xây dựng vùng chuyên canh tập trung cây nông nghiệp vẫn đòi hỏi sự quan tâm đầu tư nhiều mặt hơn nữa của chính quyền địa phương./.