00:00 Số lượt truy cập: 2671544

Tỷ phú ba ba, ếch lồng 

Được đăng : 03/11/2016
Từ mô hình 5 ha nhân rộng ra ra 50 tỉnh, thành phố

Ông Đặng Ngọc Lý dẫn khách loanh quanh tại một khu nuôi ba ba, ếch lồng với tay bắt một chú nhóc ba ba dài cỡ 3 cm đưa lên, nói: "Hồi đầu bọn tôi hô nhau bỏ ra gần 5 tỷ đồng xây dựng trang trại nuôi ba ba công nghiệp, cũng lo lắm. Hiệu quả thì tôi nắm rõ, vì 2 năm ở Thái Lan, tôi chỉ chăm chăm tìm việc này nhưng làm thế nào để tiếp nhận và nhân rộng được, phát triển được mới nhức đầu". Và như lời ông Lý, thì chính sự phát triển rất nhanh nghề này đã làm cho ông ngạc nhiên. Hàng trăm đoàn khách đến tham quan, mua giống nuôi thử. Một người dân Đăk Lăk thậm chí sau khi mua ba ba chở bằng ô tô không được đành phải đi xe máy ra tận Hà Tĩnh để mua giống. Chặng đường đi gần 2.000 cây số bằng hon da, ông ta đã không vô ích. Gần 600 con giống sau 1 năm nuôi đã xuất bán, trọng lượng xấp xỉ 1 kg/con. Ông Lý cho biết sau đó vị khách Đăk Lăk này lại gọi điện ra dặn mua thêm khoảng 1.000 con giống nữa.

Đến nay, hầu như tính hiệu quả từ nuôi ba ba công nghiệp đã được khẳng định, với 5 ha mặt nước, doanh thu của Cty Lý - Thanh - Sắc hàng năm đã vượt con số 7 tỷ đồng. Nếu tính nôm na, thì "cánh đồng" trên 1 tỷ đồng/ha đã hiện diện lên trên vùng đất TX Hà Tĩnh liên tục nhiều năm nay. Chỉ có điều, đầu tư nuôi ba ba vẫn rất lớn. Theo tính toán của chị Phạm Thị Hồng, kỹ thuật viên của Cty thì nếu nuôi 1.000 con ba ba, tiền giống chỉ khoảng 6 triệu đồng, nhưng tiền cải tạo ao đầm, thức ăn, thuốc men đến 48 triệu đồng. Tuy nhiên, thu nhập lại rất cao. 1.000 con ba ba cỡ 1 kg giá hiện nay khoảng 170 triệu đồng, lãi gấp đôi và nếu nuôi 1.000 con thì diện tích ao chỉ khoảng 250m2.

Hiện nay Cty TNHH Lý - Thanh - Sắc đã bán giống ba ba ra hơn 50 tỉnh trong cả nước. Chủ tịch tỉnh Bắc Giang đích thân dẫn đoàn công tác vào tham quan học tập.

Mô hình mới: ếch lồng Nhật Bản

Hai năm nay Cty Lý - Thanh - Sắc lại thắng dòn giã bằng mô hình ít ai ngờ: Nuôi ếch ! Ông Lý kể: "Hồi sang Thái Lan học kỹ thuật nuôi ba ba, nhìn những lồng ếch, tôi cứ thích ngẩn ngơ. Đáng lẽ ra tôi đã đưa ếch về Việt Nam từ hồi đó, nhưng vì vốn hẹp quá". Mãi đến đầu năm 2005, Lý - Thanh - Sắc nhập về bốn cặp ếch bố mẹ. Cùng đi với những cặp ếch này là Ma Nats, chuyên gia của một trang trại tại Thái Lan. Chỉ sau hơn một tháng đến Việt Nam, cặp ếch đã cho ra đời 8 nghìn chú ếch con và phát triển rất tốt. Ngay cả Ma Nats cũng phải ngạc nhiên về sự nhanh đẻ này. Anh nói ở Thái Lan quy trình ếch giao phối, đẻ trứng và cho nở phải hơn một tháng, nhưng không hiểu sao ở đây lại chỉ mất có 25 ngày. Có lẽ khí hậu tại đây rất hợp với giống ếch Nhật Bản này.

Theo tính toán của ông thì mỗi lồng ếch 8m2 mặt nước sẽ nuôi được 600 con ếch bố mẹ. 1 ha nuôi khoảng 40 vạn con. Và ếch cho thu nhập nhanh gấp 2 lần ba ba. Chỉ sau 4 tháng, ếch sẽ đạt trọng lượng 4- 5 con/kg, bán với giá 20 - 22 ngàn/kg. Mỗi ha nuôi ếch công nghiệp trừ hao hụt sẽ thu khoảng 40 tấn thịt, tương đương 800 triệu đồng. Tất nhiên, đầu tư cho việc nuôi ếch công nghiệp cũng cao. Muốn có 1 ha ao nuôi hoàn chỉnh cũng phải tốn 500 triệu đồng kể cả thức ăn, giống nuôi. Nhưng 1 ha lãi 300 triệu thì như một giấc mơ rồi.

Một lợi thế rất lớn của nghề nuôi ếch lồng, là con ếch không có bệnh và chăm sóc thì rất dễ dàng. Một công nhân có thể chăm sóc 100 lồng ếch vì chỉ phải cho ăn và làm vệ sinh. Mặt khác, bất cứ mặt nước nào cũng có thể nuôi thành công ếch Nhật Bản. Nhiều nông dân cũng đã học kỹ thuật nuôi và chuẩn bị vốn cho nghề này. Ông Lý đang hy vọng trong năm tới sẽ mở ra được nhiều nghề nuôi ếch lồng trên phạm vi cả nước, giống như việc ông đã làm được với nghề nuôi ba ba.

Cả đàn lợn rừng

Sau khi thực hiện thành công hai mô hình trên, ông Lý thường cắt cử người đi tìm hiểu một số địa phương trong và ngoài tỉnh để nhân rộng mô hình. Chỉ tính trong vòng hơn 2 năm, Cty Lý-Thanh- Sắc đã nhân rộng ra hàng trăm mô hình ở trên 50 tỉnh, thành phố, tất cả đều mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chúng tôi được ông dẫn đi tham quan toàn bộ trang trại. Số ao hồ ở giữa là tập đoàn ba ba sinh sống, tiếp đến là họ nhà ếch, bốn phía xung quanh hàng rào từng đàn lợn rừng thi nhau đào giun xới đất, trông hoang sơ như một cánh rừng. Ông Lý dẫn chúng tôi tới gần đàn lợn rừng mới đẻ 8 con, nói: Trong chuyến đi vào Tuyên Hóa - Quảng Bình chuyển giao công nghệ nuôi ba ba thấy một gia đình đồng bào dân tộc nuôi đàn lợn sọc dưa 6 con trong chuồng, tui hỏi ra mới biết đó là lợn rừng, tui mua về thả thử cho ăn thấy ngày một lớn nhanh và từ đó hễ Cty nghe tin ở đâu dân bắt được lợn rừng là cho người tới mua ngay. Đã hơn hai năm, chúng tôi đã thu gom được gần trăm con lợn bố mẹ và đàn lợn của chúng tôi nay sinh trưởng mỗi năm vài ba trăm con xuất bán cho các nhà hàng làm món ăn đặc sản, nhất là du khách nước ngoài thường thích thưởng thức món thịt lợn rừng quay. Nhớ lại mấy tháng trước tôi cùng anh bạn ở Hà Nội đến tham quan mô hình, anh quyết định nài nỉ ông Lý mua cho bằng được mấy con giống về thả. Cho đến nay có hai con mẹ đã đẻ được 20 con. Theo ông Lý nếu gia đình nào có điều kiện sống ở bìa rừng chỉ cần mua 4 con mẹ đã mang thai về chỉ vài ba tháng nó sẽ sinh trưởng ra cả đàn, ít tốn kém về kinh tế nhưng hiệu quả thu vào lại rất lớn.

Chưa chịu dừng lại ở mức thu này, ông Giám đốc quần đùi áo bà ba này lại mở mang thêm một khu du lịch sinh thái bằng một hệ thống nhà sàn, thu hút hàng trăm lượt khách đến thưởng thức các món ăn đặc sản, ba ba, ếch, cá chình, cua ghẹ và cả thịt heo rừng nữa. Hiện nay ông đang khẩn trương thi công gấp rút hoàn thành hai nhà máy SX đồ dùng mỹ nghệ, mỹ phẩm cao cấp ở khu vực Bắc Cẩm Xuyên và TX Hà Tĩnh . Đi theo ông là 250 lao động có việc làm ổn định thu nhập khá. Ngoài ra ông Lý còn bươn chải sang tận vùng Đông Bắc Thái Lan để mua giống lợn rừng về thả gây giống.