00:00 Số lượt truy cập: 3232204

VAC trên 'đất chè' Phổ Yên 

Được đăng : 03/11/2016

Nhiều năm qua, cây trồng chủ lực của người dân huyện Phổ Yên (Thái Nguyên) vẫn là chè. Nhưng hôm nay, bên cạnh những đồi chè xanh ngút mắt, Phổ Yên còn xuất hiện những vườn cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, các mô hình nuôi trồng thuỷ sản cho thu nhập 20 - 35 triệu đồng/ha/năm... Kết qủa đó có sự đóng góp rất lớn của Hội Làm vườn huyện.


Đi lên từ bùn đất

Đơn vị điển hình trong phong trào phát triển kinh tế VAC của huyện Phổ Yên là xã Phúc Thuận. Năm 1997, xã tập trung xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả từ 50 - 70 ha/năm, đồng thời tăng diện tích trồng chè, cây lâm nghiệp, đưa các giống lúa mới vào sản xuất, đẩy mạnh nuôi trồng thuỷ sản... Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp huyện đã hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp ngay tại các thôn, bản của xã, đồng thời tín chấp cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Nhờ đó, số hộ nghèo ở Phúc Thuận giảm từ 20% (năm 2000) xuống còn 1,67% (năm 2006), thấp nhất trong số các xã của huyện Phổ Yên.

Hiện, mỗi xóm ở Phúc Thuận có 1 – 3 mô hình kinh tế vườn đồi cho thu nhập trên 40 triệu đồng/năm trở lên. Trang trại của chị Nguyễn Thị Dím ở xóm Khe Đù có trên 200 gốc vải, 200 gốc nhãn và hồng không hạt, chỉ tính riêng thu nhập từ cây ăn quả đã cho trên 30 triệu đồng/năm. Anh Nguyễn Viết Quỳnh, Trưởng xóm Khe Đù cho biết: “Dân xóm này chủ yếu là người gốc Hưng Yên, di cư lên xây dựng vùng kinh tế từ những năm 1960. Khi lên đây, nhiều người đã mang theo giống vải gốc Hưng Yên lên trồng. Tuy nhiên, phải đến năm 1995, được sự giúp đỡ của HLV huyện, phong trào cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa ở Khe Đù mới phát triển mạnh. Đa số bà con trồng vải thiều, nhãn và hồng không hạt”.

Năm 2003, thuê được 0,5ha đất, chị Nguyễn Thị Hương ở xóm Vàng (xã Tân Hương) xây dựng khu chăn nuôi lợn nái ngoại. Nay, chỉ với 60 đầu nái, gia đình chị có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm. Bà con trong xóm vẫn kháo nhau: “Vợ chồng nhà Điệp – Hương mới đúng là gia đình đi lên từ bùn đất”.

Hướng đến sản xuất hàng hóa

Năm 2000, Phổ Yên chỉ có 175 mô hình VAC, năm 2006 đã có 425 mô hình VAC, trang trại. Diện tích đất canh tác ngày càng được mở rộng, cây ăn quả là 150ha, rừng 500ha, chè 1.600ha. Mục tiêu của Hội Làm vườn (HLV) Phổ Yên từ nay đến năm 2012 là dựa vào thế mạnh sẵn có để giúp nông dân, hội viên xây dựng thêm nhiều trang trại cho hiệu quả kinh tế cao; quy hoạch những vùng trồng cây ăn quả, chăn nuôi sản xuất quy mô lớn, tìm đầu ra cho sản phẩm...

Bà Đinh Thị Viên, Chủ tịch HLV huyện Phổ Yên cho biết: “Hiện số hộ sống bằng nông nghiệp trong huyện vẫn chiếm tỷ lệ cao, trình độ về khoa học kỹ thuật còn hạn chế, đa phần các mô hình kinh tế của bà con còn nhỏ lẻ. Do vậy, để xây dựng các mô hình kinh tế trang trại sản xuất theo hướng hàng hoá, chúng tôi tập trung vào các khâu quan trọng như: giống, chăm sóc, phòng trừ dịch hại, chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Ngoài ra, khâu quy hoạch vùng sản xuất, chọn cây - con thích hợp và thị trường tiêu thụ cũng được đặc biệt quan tâm...”.

Cùng với sự phát triển của các mô hình VAC, HLV Phổ Yên còn lớn mạnh về nhiều mặt. Huyện hiện có 18/18 cơ sở Hội và 123 chi, tổ Hội với gần 2.000 hội viên. Hội đã tổ chức được 346 lớp chuyên sâu về nuôi gà lông màu thả vườn, nuôi lợn, nuôi vịt siêu trứng, nuôi trồng thuỷ sản,... cho hơn 12.000 lượt hội viên và nông dân.

Ông Nguyễn Văn Tám, Phó chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Thái Nguyên bộc bạch: “Phổ Yên là vùng đất có nhiều điều kiện phát triển kinh tế VAC. Hạn chế lớn nhất hiện nay là trình độ khoa học kỹ thuật của nông dân còn yếu. Trong thời gian tới, HLV tỉnh và huyện sẽ phối hợp để giải quyết tốt vấn đề này. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền, vận động bà con tập trung sản xuất các loại cây - con thế mạnh để hình thành các vùng chuyên canh, góp phần xoá đói giảm nghèo”.