00:00 Số lượt truy cập: 3233974

Về Lương Sơn gặp các chủ trang trại 

Được đăng : 03/11/2016
52 ông chủ, 52 trang trại ở Lương Sơn (Hòa Bình) với các loại hình trang trại lâm nghiệp, chăn nuôi, thuỷ sản, tổng hợp. Dù còn những khó khăn về vốn, cơ sở hạ tầng, nhưng họ đang đưa kinh tế trang trại dần đi vào chiều sâu theo hướng đầu tư thâm canh, tạo ra sản phẩm hàng hoá có chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Những ngày này, trang trại của anh Lê Văn Bốn ở xã Tiến Xuân khá đông khách. Anh tâm sự: Năm 1989, anh đấu thầu 5 ha để trồng keo. Đến năm 1993, anh thầu thêm 3 ha trồng cây ăn quả nhãn, vải... Anh lặn lội về tận Hưng Yên, Hải Dương mua giống. Theo anh, trồng trọt và chăn nuôi cùng hỗ trợ nhau phát triển. Anh xác định lợn, bò là hai con chủ lực vừa cho thu nhập vừa cho phân bón cải tạo đất. Anh dốc vốn đầu tư xây chuồng lợn nái, lợn thịt, gà với hệ thống thoát nước, chiếu sáng và sưởi ấm.

Mấy năm trước, cứ 3 tháng một lần, anh xuất một lứa từ 2 – 3 tấn lợn hơi. Đàn gà vườn cũng có đến hơn 1.000 con, chủ yếu là bán vào dịp Tết vì sẽ được giá hơn. Có lần, anh Bốn ra thăm người bạn ở TP Sơn Tây (Hà Tây), thấy bạn bỏ ra gần chục triệu đồng mua cây cảnh về trang trí, anh cứ ngắm nghía mãi. Về nhà, anh lên núi đi tìm cây si, sung, vả… chở về nhà. Miệt mài cắt tỉa, uốn tạo dáng, thế, ươm, ghép cây đã biến cả khu nhà trở thành vườn cây cảnh. Sau khi trừ chi phí, thu nhập bình quân của trang trại được hơn 100 triệu đồng /năm.

Mô hình trang trại anh Bốn đã mở ra hướng làm giàu trên vùng đất còn nhiều khó khăn và tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động tại chỗ, 30 lao động thời vụ. Anh Bốn vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba.

Theo con đường dẫn vào xã Hợp Hoà, chúng tôi đến trang trại gia đình anh Thái Ngô Đức. Rót chén nước chè xanh mời khách trong căn nhà hai tầng được phỏng theo lối nhà sàn Mường, anh trò chuyện: Đây là năm thứ tư anh gắn bó với trang trại. Theo anh thì thu nhập của trang trại ngày càng tăng, trung bình mỗi tháng đạt trên 30 triệu đồng. Có thêm vốn, anh mở rộng quy mô trang trại.

Để chứng minh lời nói của mình, anh dẫn chúng tôi đi thăm khu trang trại rộng 4 ha được quy hoạch khoa học. Anh giới thiệu: Trên cùng là 2 khu chuồng lợn nái ngoại và lợn thịt với thiết kế hiện đại phục vụ chăn nuôi theo phương pháp công nghiệp, có hệ thống xử lý môi trường, lồng sắt chuyên dụng, máng cám tự động. Do tự chủ được con giống và 50% thức ăn nên cách chăn nuôi này chủ động, đàn lợn thịt của trại luôn duy trì từ 500 – 600 con. Bên dưới khu trại lợn là khu chuồng nuôi nhím, bò lai Sind. Phải đa dạng các loại con để đáp ứng và không lao đao khi thị trường biến động nên anh xây thêm 2 khu chuồng nuôi gà. Sắp tới, hơn 2.000 gà con giống Thái Lan đang úm sẽ ra chuồng mới.

Đứng nghỉ chân dưới tán keo bao quanh trang trại, trước mắt chúng tôi là màu xanh của cỏ voi, sắc vàng của hoa hoè và những cây đu đủ không cao quá đầu người nhưng sai trĩu quả. Trò chuyện với anh, chúng tôi biết, anh còn nhiều dự định trong năm mới nhưng chắc chắn rằng xuân này, gia đình anh có một cái Tết đầm ấm.

Không chỉ riêng anh Bốn, anh Đức mà nhiều chủ trang trại khác cũng mạnh dạn tìm tòi, đầu tư sản xuất có giá trị hàng hoá trên 100 triệu đồng như trang trại anh Nguyễn Văn Toán ở xóm Gò Bài, xã Hoà Sơn. Anh đầu tư tới 4.500 triệu đồng xây chuồng trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả, dự định kết hợp du lịch sinh thái. Anh Nguyễn Khắc Công ở xóm Dục, xã Yên Bình; Nguyễn Trọng Tài ở xóm Vai Đào, xã Cao Răm với mô hình trang trại, chăn nuôi, tổng hợp…

Mấy năm gần đây, kinh tế trang trại ở Lương Sơn phát triển mạnh. So với kinh tế hộ, kinh tế trang trại phát triển có quy hoạch, mức đầu tư nhiều hơn, tạo ra giá trị hàng hoá lớn, đẩy mạnh hướng sản xuất hàng hoá ở nông thôn.

Ông Nguyễn Mạnh Hình, Trưởng phòng Kinh tế huyện cho rằng: Đây là cách tích tụ đất, tạo ra vùng sản xuất hàng hoá. ở Lương Sơn xuất hiện những gia đình dồn nơi ruộng trũng cho nhau để chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản, hình thành một số trang trại chăn nuôi tập trung. Huyện đã tạo thuận lợi cho các chủ trang trại về cấp đất; tiếp cận KHKT tiên tiến, cách quản lý thông qua các lớp bồi dưỡng kiến thức; chuyển tải kịp thời những chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế trang trại. Năm 2007, toàn huyện có 52 trang trại trên diện tích 849 ha. Các trang trại đi vào chăm sóc, bảo vệ, đầu tư thâm canh, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Trong 3 năm gần đây, mức đầu tư của các trang trại đạt gần 27 tỉ đồng, giá trị hàng hoá và dịch vụ đạt 3, 6 tỉ đồng, trung bình một trang trại thu nhập 50 – 60 triệu đồng /năm.

Ngoài khai thác tiềm năng, tạo việc làm cho trên 600 lao động địa phương, mô hình trang trại còn thổi một luồng gió mới, tạo khí thế thi đua phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no