00:00 Số lượt truy cập: 2678921

Về Thượng Bằng La mùa quả chín 

Được đăng : 03/11/2016
Chúng tôi trở lại xã Thượng Bằng La đúng vào mùa cam chín. Dọc theo con đường trải nhựa phẳng lì dẫn vào trung tâm xã, thấp thoáng những vườn quả vàng tươi trong nắng. Tuy chưa phải là xã có diện tích cây ăn quả được xếp vào hàng nhiều nhất của huyện Văn Chấn (Yên Bái), nhưng mùa quả này được xem là mùa bội thu của nhiều nhà vườn ở Thượng Bằng La.


Trò chuyện với chúng tôi, anh Hà Trung Đông - Phó chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La cho biết, thế mạnh của địa phương không phải là cây ăn quả mà là cây chè, cây lúa. Đây cũng là nguồn thu nhập chủ yếu của bà con. Cây cam cây quýt chỉ thực sự được trồng nhiều và trở thành hàng hoá chỉ ít năm gần đây. Hiện nay Thượng Bằng La đã phát triển được trên 130 ha cây ăn quả, tập trung chủ yếu ở 6 thôn dọc theo chân các dãy núi đá vôi.

Thôn 5, thôn có diện tích cây ăn quả tập trung lớn của xã với gần 20 ha. Cả một dải đất bằng phẳng và mầu mỡ dưới chân núi Tè vàng ối một màu quả chín của cam Đường Canh, cam sen, quýt chua. Đất này trước đây là của Nông trường Trần Phú, sau này cắt lại cho Thượng Bằng La. Người dân trong thôn phần nhiều là người miền xuôi lên lập nghiệp. Cũng chính bởi cái gốc gác đó mà người làm vườn ở thôn này rất giỏi. Người có thu nhập lớn từ cây ăn quả ở Thượng Bằng La những năm gần đây phải kể đến hộ ông Nguyễn Văn Tỉnh, thôn 5. Với diện tích gần 3 ha, vụ cam này gia đình ông ước tính cho thu trên 100 triệu đồng. Những hộ có thu nhập lớn như ông Tỉnh ở Thượng Bằng La tuy chưa nhiều nhưng mức thu bốn năm chục triệu đồng/năm từ cây ăn quả ở đây kể đã có vài ba chục hộ. Năm 2005, giá trị từ cây ăn quả cũng đem lại cho nhân dân địa phương gần 1 tỷ đồng.


Những chủ vườn ở Thượng Bằng La tâm sự rằng, từ ngày Nhà nước đầu tư nâng cấp đường quốc lộ 32 chạy qua xã, đặc biệt phong trào làm đường giao thông nông thôn phát triển đến từng thôn, xóm thì các hoạt động thông thương, giao lưu buôn bán của nhân dân trong và ngoài vùng được mở rộng. Mùa quả chín thương lái các nơi tới tận nhà vườn đặt hàng. Ông Nguyễn Ngọc Việt - một chủ vườn lớn thôn Thắm tâm sự rằng: “Không sợ ế hàng, chỉ có điều là giá cả đắt rẻ thế nào thôi! Thuận cái năm nay thời tiết tuy có khô nhưng sâu bệnh ít nên cam, quýt rất sai trái, giá lại ổn định”. Được biết vụ quả năm trước ông Việt đã phải bỏ ra gần chục triệu đồng để bồi hoàn việc phá vỡ hợp đồng đặt hàng trước tết của khách buôn Hà Nội, nhưng bù lại ông thu lời tới gần 40 triệu đồng khi giá quả áp tết tăng vùn vụt.

Cái khó với người làm vườn chính là khâu kỹ thuật. Đây cũng là cái thiếu của nhiều hộ làm vườn ở Thượng bằng La. Ông Hoàng Công Thức - Chủ tịch UBND xã cho hay, bà con dân tộc ở địa phương trước nay vẫn trồng cấy theo kinh nghiệm dân gian. Cây lúa cây chè mấy năm nay mới biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, năng suất đã tăng hơn trước gấp nhiều lần. Riêng cây ăn quả khâu áp dụng tiến bộ KHKT còn hạn chế, sản xuất manh mún, quy mô nhỏ lẻ, chưa hình thành được vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Chính bởi lẽ đó mà trong chiến lược phát triển kinh tế những năm tới, Đảng bộ Thượng Bằng La tập trung chỉ đạo nhân dân mạnh dạn phá bỏ vườn tạp hiệu quả kinh thấp chuyển sang trồng cây ăn quả có múi, chủ yếu là cam, quýt; chú trọng đưa giống mới có giá trị kinh tế cao vào trồng như giống cam Đường Canh, cam Valenxia; trong đó quy hoạch phát triển vùng cam Valexia tập trung từ 10 đến 20 ha.

Đường giao thông thuận lợi và kinh tế hàng hoá phát triển, mà cây ăn quả là một lợi thế sẽ mở ra cho đồng bào Tày, Thái ở Thượng Bằng La những cơ hội xoá nghèo, tiến tới làm giàu chính đáng.