Khởi nghiệp Sinh năm 1952 tại vùng quê chiêm trũng, ông Chiều luôn khát khao làm giàu trên mảnh đất quanh năm ngập nước này. Thế nhưng dự định của ông dường như không thể thực hiện bởi sức khoẻ yếu, vì thế cuộc sống của gia đình luôn trong cảnh túng bấn. Năm 2000, tỉnh Hà Nam thực hiện dồn điền đổi thửa, một số vùng ngập nước, chua phèn, trồng lúa năng suất thấp được kêu gọi đấu thầu để phát triển kinh tế VAC. Theo phong trào, ông thuê 2ha nhưng phân vân không biết nuôi con gì, trồng cây gì để đem lại hiệu quả kinh tế. “Nhìn thửa ruộng ngập nước với cỏ dại mà tôi ngao ngán”, ông kể. Thoạt đầu ông định trả lại vì sợ không kham nổi chứ chưa nói đến việc cải tạo đất, lập mô hình và làm kinh tế. Thế nhưng, ông tặc lưỡi: “Cứ liều một phen”. Ông bắt tay vào làm trang trại nhưng không biết áp dụng mô hình nào. Được bạn bè chỉ bảo, ông vào Hà Tĩnh tham khảo cách làm kinh tế. Tại đây, ông phát hiện mô hình nuôi ba ba thương phẩm vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao lại phù hợp với địa thế vùng đất mà ông đang có. Trong tay chỉ có hơn chục triệu đồng, số tiền nhỏ nhoi ấy chưa đủ thuê nhân công vét đất, đào mương dẫn nước. ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng và bạn bè được hơn 300 triệu đồng. Có tiền, ông đầu tư xây dựng 10 ao nuôi ba ba thương phẩm, 2 ao nuôi ba ba giống và hồ lớn dùng để nuôi cá thịt. Sau khi trang trại hoàn thành, ông khăn gói vào Hà Tĩnh mua 1.000 con giống với giá 30 triệu đồng. Nhưng chưa bắt đầu thì rủi ro đã ập đến, ba ba giống chết gần hết do rét đậm kéo dài. “Đó là năm 2003, tôi tưởng sẽ không gượng dậy được vì tổn thất quá lớn”, ông Chiều tâm sự. Sau thất bại ấy, một lần nữa ông mạo hiểm mua về 2.000 con giống cỡ nhỏ và 1.000 giống cỡ trung bình. Giá mỗi con từ 15.000 - 18.000 đồng, tổng chi phí mua giống lần này lên tới 50 triệu đồng. Niềm hy vọng và nỗi lo cứ thế đan xen trên 2ha trang trại đang phôi thai của ông. Thành quả đầu tiên Sau 2 năm vừa nuôi vừa học hỏi, ông Chiều cho xuất lứa ba ba thương phẩm đầu tiên. Khi ấy mỗi con nặng tới 1,2kg, lại được giá (khoảng 340.000 đồng/kg), trừ chi phí ông Chiều thu về 150 triệu đồng. “Vụ đầu như vậy là thành công ngoài sức tưởng tượng, tôi nghĩ mình phải đầu tư mạnh hơn nữa để phát triển trang trại”, ông Chiều cho biết. Sau thắng lợi ấy, ông trích một khoản tiền lớn mua giống và thực hiện cách nuôi mới theo phương pháp hiện đại. Ba ba giống được thả vào các ao lớn theo ngăn và được kiểm tra định kỳ. Tiếp đó, ông cho xây dựng hệ thống thông nước liên tục để ao luôn đảm bảo vệ sinh. Đồng thời các quạt tiếp ôxy cũng được lắp đặt hài hoà với hệ thống phên ăn trên mặt nước. Chưa hết, ông còn tạo nguồn thức ăn mới cho ba ba bằng cách trộn lẫn cá bột với cám công nghiệp và cơm xay nhuyễn. Làm như vậy, ba ba sẽ đủ nguồn dinh dưỡng cần thiết để phát triển mà chi phí thức ăn lại giảm đáng kể. Cũng từ lứa nuôi thứ hai, ông Chiều học được cách ấp trứng ba ba. ông cho xây dựng hệ thống ấp trứng trong phòng kín nên chỉ trong một thời gian ngắn, trang trại của ông đã trở thành đại lý cung cấp giống ba ba lớn nhất các tỉnh phía Bắc. Năm 2007, ông cho xuất lứa ba ba thương phẩm thứ hai. Tuy lần này giá bán thấp hơn nhưng ông cũng thu về gần 150 triệu đồng. Giữa tháng 6 vừa qua, ông cho xuất ao lứa thứ ba, thu về gần 180 triệu đồng và trên 50 triệu đồng từ bán ba ba giống. Ông Chiều cho biết, hiện trang trại đang được đầu tư nâng cấp nhằm mở rộng thị trường bán con giống cho các trang trại ngoại tỉnh như Hà Nội, Hoà Bình, Nam Định... Tuy nhiên, để làm được điều này, ông phải kết hợp chặt chẽ với hợp tác xã nuôi trồng thuỷ sản của các địa phương. Ngoài việc nâng cấp, mở rộng trang trại theo hướng phát triển bền vững, ông Chiều đang thiết kế một hệ thống nuôi ba ba liên hoàn. Nghĩa là kết hợp giữa ba ba với cá và cây ăn quả; đồng thời tự giải quyết nguồn thức ăn cho ba ba, tăng sản lượng thịt và hạn chế chi phí không cần thiết. |