Theo anh Đặng Văn Hùng, Trưởng thôn Lùng Tao, thôn có 65 hộ (373 khẩu), 100% là dân tộc Dao. Đời sống của đồng bào chủ yếu dựa vào cây chè, thảo quả, quế và lúa nước. Lùng Tao hiện có 32ha chè, tăng 3ha so với năm 2006, sản lượng bình quân 152 tấn chè búp tươi/năm. Với giá bán bình quân 5.000 - 7.000 đồng/kg, nhiều hộ có thu nhập 10 - 12 triệu đồng/năm.
Nhờ bảo vệ tốt rừng nguyên sinh nên diện tích trồng thảo quả dưới tán cây ngày càng mở rộng. Hiện thôn có 65ha thảo quả, trong đó 32ha đang cho thu hoạch, năng suất bình quân 1 tấn/ha. Nhiều hộ còn đầu tư trồng quế với tổng diện tích khoảng 6ha. Mặc dù địa hình ở Lùng Tao chỉ có thể cấy được một vụ lúa nhưng để ổn định lương thực, thôn cũng chú trọng việc phát triển diện tích trồng lúa với 35ha, năng suất đạt khoảng 45 tạ /ha; đồng thời, mở rộng diện tích trồng ngô, rau màu ở những nơi không chủ động được nguồn nước. Mặc dù thu nhập bình quân đầu người nơi đây mới đạt 293.000 đồng/người/tháng nhưng số hộ đói nghèo cũng chỉ còn 5 hộ do hầu hết bà con tự túc được lương thực. Đặc biệt, thôn có trên 30 hộ khá, giàu, điển hình như hộ anh Đặng Văn Hùng, thu nhập 40 triệu đồng/năm từ kinh tế VAC; hộ anh Đặng Văn Phúc thu nhập 26 triệu đồng/năm từ trồng thảo quả, chè Shan tuyết, lúa nước, hoa màu và chăn nuôi... Đến nay, 100% số hộ có nhà sàn kiên cố hoặc lợp ngói, 100% số hộ được sử dụng điện, 70 hộ có xe máy, nhiều gia đình sắm được ti vi, đài... Anh Hùng tự hào: “Chính vì kinh tế đảm bảo, nguồn thu nhập ổn định nên bà con có điều kiện quan tâm tới công tác giáo dục, y tế. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường đạt 98%; 100% trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng mở rộng và tiêm phòng bệnh sởi. 5 năm nay, thôn không có trường hợp nào sinh con thứ ba”.
Năm 2002, Lùng Tao được công nhận là Làng văn hoá cấp tỉnh, được UBND tỉnh chọn làm nơi ra mắt Làng du lịch tháng 5/2007. Rời những vườn chè cổ thụ, chúng tôi hy vọng với những con người chăm chỉ, ham làm giàu, trong tương lai gần, Lùng Tao sẽ trở thành vùng đất giàu có.