00:00 Số lượt truy cập: 2676332

Vĩnh Châu thành công bước đầu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế 

Được đăng : 03/11/2016
Huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) có bờ biển dài 43 km, diện tích tự nhiên 33.000 ha với trên 153.000 nhân khẩu sinh sống trong đó đồng bào Khmer chiếm đến 52%. Trong số 9 huyện, thị của Sóc Trăng, huyện Vĩnh Châu lâu nay được mệnh danh là miền đất đặc biệt khó khăn, thiên nhiên khắc nghiệt, thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, đất đai nhiễm phèn, mặn, cuộc sống người dân rất bấp bênh. Vậy mà chỉ sau 5 năm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Vĩnh Châu lập được kỳ tích ngoạn mục.

Hiệu quả đa cây đa con

Trong 5 năm qua (2001-2006), Vĩnh Châu đã nâng được mức thu nhập bình quân đầu người từ 383 USD (năm 2001) lên 583 USD thời điểm hiện nay, tăng gấp 2,12 lần so với chỉ tiêu đề ra. Đây cũng là địa phương đạt ngưỡng thu nhập 50 triệu đồng/ha trên qui mô toàn huyện và đang hướng tới mục tiêu 60 triệu đồng/ha vào năm 2010. Quá trình chỉ đạo sản xuất để đạt thành quả trên, Vĩnh Châu đúc kết được những bài học thực tiễn hết sức quí giá.

Ông Cang Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Châu, khẳng định đa cây đa con là con đường làm giàu nhanh đối với cư dân miền biển. Ưu tiên địa phương trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp là khắc phục ngay tình trạng thuần nông, độc canh cây lúa thu nhập bấp bênh, đa dạng hóa cây trồng vật nuôi hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Thuận lợi của Vĩnh Châu tuy điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng lại giàu các tiềm năng kinh tế, nếu đánh thức đúng hướng sẽ tạo đột phá đi lên cho vùng đất ven biển. Huyện xác định nuôi trồng thủy sản - màu là trọng tâm nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao mà địa phương hướng tới, thay cho việc lệ thuộc hoàn toàn vào cây lúa bấp bênh thời trước nhằm tạo thêm nguồn sản phẩm dồi dào có giá trị kinh tế đáp ứng tiêu dùng và xuất khẩu. Trên cái nền chung đó, con tôm sú, cây hành tím, củ cải trắng - nhóm cây màu thực phẩm được coi là cây trồng vật nuôi chủ lực. Ngoài ra, huyện còn ưu tiên phát triển những mô hình nuôi cá chẽm, cá kèo, cá đối, cua biển luân vụ trên ao tôm, nuôi artemia trên ruộng muối. Nói chung là linh hoạt đa dạng, đa canh tùy theo đặc thù từng tiểu vùng.

Người nông dân miền biển Vĩnh Châu cần cù, chịu thương chịu khó, nhạy bén chuyển đổi bắt nhịp cùng sự nghiệp đổi mới. Rồi chủ trương đúng, cách làm hay của các cấp, các ngành khi triển khai thực hiện đã tháo gỡ những trói buộc lâu nay trong nền nông nghiệp địa phương, góp phần phát huy tốt các tiềm lực. Trong quy hoạch, Vĩnh Châu chủ trương chỉ dành lại một diện tích tối thiểu cho cây lúa đặc sản xuất khẩu. Chuyển toàn bộ đất trồng trọt kém hiệu quả thường xuyên bị thiên tai đe dọa dọc theo tuyến biển sang mục tiêu nuôi trồng thủy sản. Năm 2001 toàn huyện có trên 17.000 ha đất trồng lúa thì đến năm 2005 giảm xuống chỉ còn vỏn vẹn 2.585 ha. Thay vào đó, diện tích nuôi trồng thủy sản hiện nay tăng lên 25.000 ha, hàng năm đạt sản lượng từ 28.000 - 30.000 tấn thủy sản phục vụ công nghiệp chế biến xuất khẩu. Bước đầu hình thành những hợp tác xã nuôi tôm nhiều năm liền làm ăn có hiệu quả như hợp tác xã Vĩnh Tân, xây dựng nhiều địa bàn xã chuyên ngư như Vĩnh Hiệp, Vĩnh Tân, Khánh Hòa, Hòa Đông...

Đổi thay mạnh mẽ

Nếu trước đây, nhắc đến Vĩnh Châu người ta thường liên tưởng đến một nơi cơ sở hạ tầng khiêm tốn, người dân đa phần nghèo khó, phải tha hương kiếm sống vào những buổi giáp hạt, thì ngày nay diện mạo nông thôn thay đổi sâu sắc theo hướng sung túc. Sau 5 năm thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo đột phá trên đường đi lên, Vĩnh Châu cơ bản hình thành được hai vùng sản xuất hàng hóa lớn. Đó là vùng chuyên tôm và các loại thủy sản khác; vùng trồng chuyên canh màu trên đất giồng cát màu mỡ. Từ lâu Vĩnh Châu đã nổi tiếng với cây hành tím với diện tích ngót gần 4.000 ha. Còn tính chung vùng chuyên canh các loại màu lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày của địa phương lên đến 8.000 ha, hàng năm đạt sản lượng 80.000 -100.000 tấn. Không chỉ giúp nông dân làm giàu, cây màu Vĩnh Châu còn tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần mở mang ngành nghe công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại- dịch vụ. Nghề chế biến củ cải muối, sơ chế nấm rơm, ớt muối xuất khẩu phát đạt nhiều năm nay tại Vĩnh Châu cũng chính nhờ vào nguồn nguyên liệu dồi dào, phong phú của địa phương. Đặc biệt, hành tím Vĩnh Châu gần đây không chỉ khẳng định vị thế tại thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước Đông Nam Á, mở ra những triển vọng mới.

Thời điểm cuối tháng 10-2006, tại Vĩnh Châu đã kết thúc mùa vụ trên cả hai lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và chuyên canh màu. Bà con nông dân đang tích cực làm đất, chuẩn bị ao đầm và các điều kiện cần thiết cho vụ sản xuất 2007. Trong năm 2006, Vĩnh Châu mở rộng diện tích nuôi tôm sú lên gần 21.000 ha trong tổng diện tích nuôi thủy sản toàn huyện 25.000 ha; trồng được 7.222 ha màu các loại, trong đó cây hành tím trên 3.800 ha. Ông Cang Văn Hồng cho biết, năm nay nông dân Vĩnh Châu bội thu cả về mặt năng suất, sản lượng, giá tiêu thụ. Cây hành tím bình quân năng suất 18 -20 tấn/ ha. Vào đầu vụ thu hoạch nông dân bán được giá 5 triệu đồng mỗi tấn củ hành, đến cuối vụ vọt lên 12 triệu đồng/tấn. Củ cải trắng năng suất 50 - 60 tấn ha, giá mua tại rẫy 1.200 -1.500 đồng/kg, các loại màu khác đều có giá gấp đôi, gấp ba so với năm trước, nông dân lời “bể tay”. Riêng con tôm sú, năm 2006 lần đầu tiên dân Vĩnh Châu vui một mùa thắng lợi khá trọn vẹn. Diện tích tôm nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh chỉ chiếm 4%. Tuyệt đại bộ phận người dân thu hoạch đều có lãi khá nhờ giá tôm nguyên liệu tăng cao, tôm nuôi được mùa. Ông Cang Văn Hồng tỏ ra lạc quan rằng, đây là tiền đề thuận lợi cho các năm về sau tiếp tục gặt hái thêm nhiều thắng lợi lớn trên chặng đường đua nước rút phấn đấu về trước kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 như nghị quyết Huyện Đảng bộ đề ra, đưa Vĩnh Châu trở thành điểm sáng về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn.