Trước đây, xã Kim Long, huyện Tam Dương là một trong những xã nghèo nhất của tỉnh Vĩnh Phúc, vì đất đai ở đây chủ yếu là đất đồi rừng. Từ năm 2003 đến nay, thực hiện nghị quyết của Đảng bộ về phát triển kinh tế trang trại^, xã đã cải tạo thành công 250 ha đất đồi rừng chủ yếu trồng bạch đàn hoặc bỏ hoang thành những trang trại chăn nuôi có quy mô lớn kết hợp với trồng cây ăn quả tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện xã có 45 hộ làm trang trại có diện tích 1 ha trở lên, trong đó, có 35 trang trại có thu nhập từ 70 triệu đồng/năm trở lên. Các trang trại đã giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 400 lao động của địa phương, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân với bình quân thu nhập 4 triệu đồng/người/năm.
Một trong những người đi tiên phong của xã làm kinh tế trang trại đó là anh Nguyễn Văn Thu ở thôn Sơn Cao. Năm 2002, anh đã bàn với vợ mạnh dạn xin xã giao cho 4,3 ha khu đất đồi bỏ hoang. Khi thấy anh nhận khu đất này, người thân trong gia đình rất lo lắng, vì trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp, bởi xung quanh không có nước, đất đai khô cằn trong khi đó nhà lại thiếu vốn, thiếu lao động. Không ngại thất bại, sau khi tính toán kỹ lưỡng, anh bàn với vợ vay vốn của anh em, bạn bè và ngân hàng mỗi nơi một ít để đưa cây ăn quả lên vùng đồi, xây dựng mô hình trang trại đa canh. Là mô hình trang trại đầu tiên của xã, nên anh được địa phương và tỉnh hỗ trợ 50% chi phí tiền mua cây giống. Ngoài ra, anh còn được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm khuyến nông tỉnh, huyện về giúp quy hoạch, thiết kế giúp cho toàn bộ khâu kỹ thuật như đào đắp đồng mức, trồng cây chống xói mòn giữ nước và đất, đào giếng, xây bể lấy nước phục vụ cho việc trồng cây xây dựng trang trại hệ thống chăn nuôi. Những năm đầu, anh trồng được 750 cây vải, 350 cây xoài, 300 cây trám. Trong thời gian cây còn bé anh trồng xen kẽ những cây ngắn ngày như sắn, đỗ, lạc... để lấy ngắn nuôi dài. Về chăn nuôi trong chuồng, trại của anh thường xuyên nuôi từ 6 đến 7 bò nái sinh sản, 3 lợn nái, trên 100 con gà thả vườn đẻ trứng và mỗi năm thu khoảng 3 tạ gà thịt. Với quy mô này, trừ chi phí bước đầu đã đảm bảo được cuộc sống của gia đình. Cuối năm 2004, anh đã đầu tư mở rộng trang trại xây dựng một trại nuôi gà liên doanh với Công ty Jappa Comfeed với công suất 6.000 con/lứa, thu lãi gần 100 triệu đồng/năm. Nhờ nuôi gà công nghiệp có lãi cao, anh đã đầu tư thêm một trại gà nữa. Từ đó, năm 2006, anh thu lãi trên 200 triệu đồng, năm 2007 anh dự kiến thu 370 triệu đồng, trừ chi phí ước đạt khoảng 280 triệu đồng. Đến nay, mô hình kinh tế trang trại của anh đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động và khoảng 250 lao động thời vụ với mức lương từ 1,3 triệu đồng cho đến 1,5 triệu đồng/tháng.
Từ mô hình trang trại của gia đình anh Thu đã cho mọi người thấy vùng kinh tế vườn đồi làm trang trại là đúng hướng, phù hợp với đất đai thổ nhưỡng của địa phương. Năm 2003, Đảng bộ xã Kim Long đã ra nghị quyết về phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại mở ra hướng đi mới. Xã đã tích cực tuyên truyền vận động bà con cùng tham gia phát triển kinh tế trang trại. Hàng năm, xã đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn và tổ chức cho bà con đi tham quan các mô hình trang trại trong và ngoài xã làm ăn có hiệu quả kinh tế cao. Để các hộ yên tâm đầu tư mở rộng phát triển các mô hình trang trại với quy mô lớn, xã đã giao đất cho các hộ có điều kiện với thời gian 50 năm và đứng ra bảo lãnh với ngân hàng cho các hộ vay trên 10 tỷ đồng. Do được xã tạo điều kiện, ngoài gia đình anh Thu ra còn có nhiều hộ khác sau khi tham gia phát triển kinh tế trang trại đã trở nên giàu có. Tiêu biểu như gia đình ông Đào Văn Bằng có hai trại gà với trên 10.000 con, mỗi năm xuất chuồng 5 lần. Bên cạnh việc nuôi gà công nghiệp, ông còn nuôi 6 con bò và trồng 3 ha cây ăn quả, thu trên 200.000 triệu đồng/năm. Ông Tạ Văn Sáu có 4 trại gà, một xe vận tải và 6 ha cây ăn quả. Bình quân mỗi năm ông Sáu thu về cho gia đình từ 250 triệu đồng đến 300 triệu đồng.
Đến nay, trong tổng số 350 ha đất đồi rừng đã được xã quy hoạch và đã bàn giao xong 250 ha cho các hộ có điều kiện nhận khoán để cải tạo thành các trang trại có quy mô lớn, thu nhập từ hàng chục triệu đồng cho đến hàng trăm triệu đồng/năm. Đặc biệt, xã Kim Long là địa phương có nhiều trang trại nuôi gà công nghiệp với quy mô lớn nhất của tỉnh Vĩnh Phúc. Cả xã có 20 hộ làm trang trại chuyên nuôi gà cho Công ty Jappa Comfeed với 50 trại gà. Mỗi trại có từ 5.000 con trở lên/lứa, trừ chi phí cho thu lãi từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng/năm. Hiện xã Kim Long đang đề nghị tỉnh cho thành lập khu chăn nuôi tập trung rộng 140 ha, trong đó có 100 ha đất đồi rừng đang được bà con trồng bạch đàn./.