00:00 Số lượt truy cập: 2671177

Vĩnh Phúc: làm trang trại ở huyện vùng chiêm trũng 

Được đăng : 03/11/2016
Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có trên 600 trang trại, nhưng có trên 400 trang trại thuộc địa bàn các huyện trung du, miền núi. Các trang trại thường kết hợp các hình thức sản xuất như: làm vườn, chăn nuôi, thả cá (VAC) trại rừng, làm vườn, chăn nuôi, thả cá (RVAC). Cách làm này đều cho hiệu quả thu nhập cao.





Tuy nhiên, ở các huyện đồng bằng vùng lúa, vùng chiêm trũng thì việc làm trang trại còn rất hạn chế. Gần đây, do kết quả của việc chuyển đổi, dồn ghép ruộng đất, do nhận thức của nông dân về nông sản hàng hoá được nâng cao, do đó đã tạo ra nhiều trang trại tại vùng đồng bằng trong tỉnh cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Vĩnh Tường, huyện lúa, vùng chiêm trũng đã đi đầu phong trào này và rút ra được nhiều kinh nghiệm hay cho phong trào phát triển kinh tế trang trại tại vùng trũng.



Từ mô hình tự phát...


Ở xã Vĩnh Thịnh, sau khi dồn ghép ruộng đất, số hộ có diện tích rộng lớn lên trên 600 hộ. Sau dồn ghép ruộng đất thì bình quân mỗi hộ chỉ còn 3,8 thửa, thay vì trước đây 11,4 thửa; việc tập trung, tích tụ ruộng đất đã dần hình thành. Mặc dù vậy, ở xã này có trên 200 ha đồng chiêm trũng, mỗi năm chỉ cấy lúa một vụ lúa bấp bênh, không chắc ăn, thời gian còn lại toàn là đồng trắng, nước ngập. Để biến cánh đồng vùng trũng cho thu nhập cao, vợ chồng nông dân Vũ Văn Kha, ở thôn Khách Nhi mạnh dạn đầu tư làm trang trại. Ngoài ruộng của mình, anh nhận thầu thêm diện tích của số nông dân có ruộng liền kề; mỗi năm anh trả cho họ 90 kg thóc/sào ( năng suất cao gấp rưỡi so với những năm bình thường mà các chủ ruộng đã trồng lúa ). Anh Kha vay vốn thuê người cải tạo trên 20 mẫu đầm thành trang trại. Ở phần đất thấp nhất, với gần 10 mẫu, anh chuyển hẳn thành vùng cấy lúa một vụ + nuôi 1 vụ cá, như vậy hàng năm anh thu hoạch từ 15 đến 20 tấn cá. Phần diện tích còn lại, anh bồi thêm đất màu, tháo nước để làm vườn trồng rau, màu, cỏ. Trên khoảnh đất cao hơn, anh làm chuồng để nuôi gia súc, gia cầm và trồng cây ăn quả (phần lớn anh trồng đu đủ giống ngoại). Anh sử dụng phân gia súc để đưa vào hầm Biogas rồi lấy khí đốt. Anh còn nuôi đàn bò trên 50 con, nuôi trên 200 con lợn và có đàn vịt 500 đến 700 con. Anh thực hiện thâm canh các giống lúa lai cho năng suất cao và trồng vườn rau để bán ra thị trường, còn một phần để dành chăn nuôi đàn bò, lợn , vịt. Từ năm 2003 đến nay, anh Kha đều có thu nhập từ 120 đến 140 triệu đồng/ năm. Anh còn giải quyết việc làm cho 6 lao động làm việc tại trang trại, mỗi tháng họ có thu nhập từ 500.000 đồng đến 700.000 đồng/ người.


... Đến sự điều hành của chính quyền


Noi gương anh Kha, xã Vĩnh Thịnh có thêm 9 trang trại thành lập và có thu nhập rất cao. Từ mô hình kinh tế trang trại ở xã Vĩnh Thịnh, hiện khắp 11 xã ở vùng chiêm trũng (huyện Vĩnh Tường ) có đồng đất tương tự đã thành lập nhiều trang trại và thu nhập của trang trại thấp nhất cũng đạt trên dưới 50 triệu đồng/ha/năm, có trang trại cho thu nhập từ 70 đến 80 triệu đồng/ ha/ năm. Huyện Vĩnh Tường có tới 6 trang trại có thu nhập trên 100 triệu đồng/ ha/ năm. Số lao động trong các trang trại trên địa bàn huyện hiện có thu nhập ổn định 500.000 đồng đến 800.000 đồng/người/tháng...


Các ngành nông nghiệp, tài nguyên môi trường của huyện còn tổ chức cho hàng trăm lượt chủ hộ tham quan mô hình trang trại của hộ anh Kha. UBND huyện còn mời các ngành như: ngân hàng, địa chính, thuỷ lợi, nông nghiệp, khuyến nông và đại diện các hộ nông dân tiêu biểu ở các xã để bàn bạc tìm giải pháp tích cực nhân rộng mô hình trang trại tại vùng trũng của hộ anh Kha. Hiện, trong huyện đã có nhiều hộ mạnh dạn vay vốn, đầu tư xây dựng trang trại.


Toàn huyện Vĩnh Tường hiện có 178 trang trại, trong đó có 11 trang trại tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm cho hiệu quả khá và có 18 trang trại chuyên nuôi cá, tôm, cua. Khu vực kinh tế trang trại của huyện đã đầu tư trên 60.000 triệu đồng để phát triển các công trình xây dựng cơ bản như: cống thoát nước, mương tưới, mương tiêu nước, đường giao thông nội đồng. Hiện toàn huyện với trên 1.500 lao động có việc làm tại các trang trại.


Khó khăn lớn nhất của các trang trại trên địa bàn huyện là việc tiêu thụ sản phẩm; trong khi số lượng nông sản do các trang trại làm ra vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nội vùng. Thế nhưng, các trang trại khi thu hoạch cá, vật nuôi vào thời điểm cuối năm và thu hoạch rau, quả vào một mùa vụ, do đó việc tiêu thụ nông sản không thuận lợi, có khi bán ra bị thừa ế. Nếu có "bàn tay" của chính quyền, các ngành chức năng huyện điều hành để nông dân trồng rau màu, cây ăn quả trái vụ, trồng rải vụ tại các trang trại, nhằm có thu hoạch sản phẩm quanh năm, như vậy mới thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản của nông dân trong huyện.