00:00 Số lượt truy cập: 2671532

Vĩnh Tường: Đổi mới từ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp 

Được đăng : 03/11/2016
Huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) nằm ở đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng, vốn là nơi đi đầu trong khoán 10, đưa cây ngô đông trồng trong vụ chính và trồng ngô đông trên đất ướt.

Thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị sản xuất trên 1ha canh tác ở Vĩnh Tường tăng từ 24 triệu đồng (năm 2001) lên 42 triệu đồng (năm 2006); giá trị ngành chăn nuôi tăng gấp đôi, từ 103 tỷ đồng lên 208 tỷ đồng; sản lượng cá từ 930 tấn lên 23.300 tấn.

Năm 2001, Vĩnh Tường bố trí lại cơ cấu cây trồng - vật nuôi gắn với dồn đổi thửa, sắp xếp lại đất đai. Chín xã vùng đất bạc màu chuyển một phần diện tích không chủ động được nước tưới sang trồng rau màu. Vùng đồng bằng có một phần đất trũng chuyển sang thả cá. Các xã vùng bãi trước đây chuyên trồng mía nay chuyển sang trồng ngô và cỏ nuôi bò.

Vĩnh Tường là huyện trọng điểm lúa với 6.000ha lúa đông xuân và 7.000ha lúa mùa. Lâu nay, nông dân cấy 15 giống lúa /vụ, đa số là giống ngắn ngày, chất lượng và năng suất thấp. Vì vậy, đến mùa thu hoạch, cánh đồng có chỗ lúa vàng óng, lại có ruộng mới trổ bông. Nay Vĩnh Tường “xóa” giống ngắn ngày, chỉ cấy các giống lúa muộn có năng suất cao như Khang Dân 18, Q5, Bồi Tạp Sơn Thanh, ải Hòa Thành, DT10 và một số giống đặc chủng như nếp, tám thơm... Nhờ đó năng suất lúa tăng vọt, bình quân 57 tạ /ha, có vụ lên tới 67 tạ /ha. 5 năm qua, diện tích cấy lúa tuy giảm gần 500ha nhưng sản lượng vẫn tăng gần 7.000 tấn. Trồng rau là nghề truyền thống của nông dân Vĩnh Tường. ở nhiều vùng đã xuất hiện nghề kinh doanh rau giống như Tân Tiến và Đại Đồng, mỗi xã có 50 - 70 hộ kinh doanh rau giống. Mỗi gia đình chỉ gieo ươm 5-7 sào rau cũng đã có thu nhập 60-70 triệu đồng /năm.

Vĩnh Tường đất chật, người đông, không có đồng cỏ, ngay đất ở cũng hiếm, thế mà đàn bò mấy năm gần đây tăng đột biến, từ 15.000 con (năm 2001) lên 27.000 con (năm 2006), trong đó có 670 con bò sữa, sản lượng 3.000 lít sữa /ngày. Chất lượng đàn bò thịt cũng thay đổi do thay giống bò cóc bé nhỏ bằng bò lai Sind. Có được kết quả này là nhờ huyện đã xây dựng đề án phát triển đàn bò, đồng thời có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích người chăn nuôi như hộ nuôi bò đực giống được hỗ trợ 2 triệu đồng; 100 hộ nghèo ở các xã Phú Đa, Phú Thịnh, Yên Bình được vay vốn với lãi suất 0,48% để phát triển đàn bò. Chúng tôi về xã Vĩnh Thịnh, xã vùng bãi có tới 154 hộ nuôi bò sữa với 490 con. Chỉ riêng về giống, nông dân đã đầu tư không dưới 10 tỷ đồng, đó là chưa kể những khoản khác như máy vắt sữa, thức ăn, chuồng trại. Vào thăm Bí thư Đảng ủy xã Đào Minh Tuấn, “vua” nuôi bò sữa ở đây, ông cho biết, lúc cao điểm nuôi tới 37 con theo quy trình khá hoàn hảo: có máy vắt sữa đôi, 1, 1 mẫu cỏ và người chăm sóc bò chuyên nghiệp, tiền bán sữa lên đến vài triệu đồng /ngày.

Tuy nhiên, Vĩnh Tường vẫn còn nhiều khó khăn như chưa có vùng chuyên canh sản xuất nông sản và thị trường còn bó hẹp. Đầu năm 2006, cơn “sốc” giá làm sữa bò giảm từ 3.600 đồng /lít xuống dưới 3.000 đồng /lít. Người nuôi bò chao đảo, nông dân Vĩnh Thịnh bán gần 100 con bò sữa. Cuối năm, giá sữa lên 4.200 đồng /lít, nhiều người lại lên Yên Bái, Tuyên Quang mua bò sữa.

Trong thời hội nhập, muốn làm giàu, nông dân cần phải có kiến thức, am hiểu thị trường. Việc này chỉ riệng người nông dân không làm được. Mong được sự góp sức của chính quyền cơ sở và ngành nông nghiệp.