00:00 Số lượt truy cập: 3230202

Vỗ béo bò thịt – Mô hình khuyến nông hiệu quả 

Được đăng : 03/11/2016
Bằng Mạc nằm trong cụm 7 xã núi đá thuộc vùng kinh tế thứ 2 của huyện Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn. Toàn xã hiện có tổng đàn 1.100 con trâu bò, trong đó riêng đàn bò 846 con. Theo tập quán địa phương, bà con nông dân lâu nay vẫn nuôi trâu, bò để lấy sức cày kéo và thực hiện theo phương thức chăn thả tự nhiên, chưa chú trọng đến việc bổ sung thức ăn tinh vào khẩu phần ăn hàng ngày cho đàn trâu, bò. Vì vậy, hiệu quả chăn nuôi đạt được còn thấp, chưa phát triển được chăn nuôi sang hướng hàng hoá theo tiềm năng của địa phương.

Từ nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia năm 2010, Trạm Khuyến nông (KN) huyện Chi Lăng đã triển khai mô hình KN vỗ béo bò thịt tại 2 thôn Nà Pe và Đông Quan của xã Bằng Mạc. Tham gia mô hình có 30 hộ nông dân thực hiện nuôi vỗ béo 130 con bò gầy yếu ở dạng loại thải. Trước khi triển khai thực hiện mô hình, Trạm KN Chi Lăng đã tiến hành tập huấn cho nông dân kỹ thuật chăn nuôi, vỗ béo bò; cách phòng và chữa các loại bệnh thường gặp ở bò... Kết quả, sau 3 tháng thực hiện chăn nuôi bằng việc bổ sung thức ăn tinh (cám hỗn hợp) vào khẩu phần ăn hàng ngày, chăm sóc theo các biện pháp kỹ thuật đã được Trạm KN huyện hướng dẫn, đàn bò được vỗ béo khoẻ mạnh, phát triển tốt, mức tăng trọng bình quân đạt từ 700 – 800 gram/con/ngày (21 – 24 kg/con/tháng). Riêng những con bò lai đạt mức tăng trọng từ 1.000 – 1.200 gram/con/ngày. Trước kết quả đạt được, bà con nông dân địa phương đều rất phấn khởi. Bà Nông Thị Chao – Bí thư Chi bộ thôn Đông Quan cho biết: “Trước đây bà con chưa có kỹ thuật chăn nuôi nên đàn trâu bò phát triển chậm và gầy yếu. Qua 3 tháng thực hiện nuôi vỗ béo theo kỹ thuật được Trạm KN huyện hướng dẫn, đàn bò đã béo lên trông thấy. Hy vọng mô hình vỗ béo bò sẽ được nhân rộng ra trong vùng để bà con cùng thực hiện”. Còn ông Vi Công Hàm – Chủ tịch UBND xã Hoà Bình thì tâm sự sau khi tham quan mô hình ở Bằng Mạc: “Qua kết quả mô hình nuôi vỗ béo bò thịt đã thực hiện ở Hoà Bình từ năm 2009, tôi nhận thấy biện pháp kỹ thuật này rất tốt cho bà con nông dân. Sau 3 tháng nuôi vỗ béo, đàn bò đều tăng trưởng tốt, con nào cũng béo bóng mượt, hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt và rất thiết thực cho bà con...” Cũng theo ông Hàm thì những con bò thuộc dạng thải loại, người nông dân chỉ mổ thịt bán hoặc đem bán cả con với giá trị rất thấp. Thông thường, mỗi con bò thải loại chỉ bán được khoảng 4 triệu đồng, nhưng sau khi vỗ béo thì đều bán được với giá từ 8 – 9 triệu đồng. Như vậy, giá trị con bò đã tăng lên gấp đôi nếu áp dụng biện pháp kỹ thuật mới vào chăn nuôi. Qua hạch toán cụ thể, người nông dân được lợi thêm từ khoảng 3 - 4 triệu đồng đối với mỗi con bò thải loại.

Ngoài xã Bằng Mạc, các xã còn lại thuộc cụm 7 xã núi đá của huyện Chi Lăng có điều kiện tự nhiên giống nhau - Đó là đều khan hiếm nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Mùa đông hàng năm khô lạnh, thiếu nguồn thức ăn thô xanh, đàn trâu bò thường gầy yếu, do vậy việc phát triển chăn nuôi đàn trâu bò còn nhiều hạn chế và kém hiệu quả. Song bên cạnh đó, các xã này lại có thuận lợi về đồng cỏ rộng lớn để chăn thả, sản lượng ngô hàng năm tương đối nhiều nên thuận lợi để sử dụng phối trộn thức ăn tinh phục vụ tại chỗ cho chăn nuôi. Qua mô hình KN nuôi vỗ béo bò thịt đã thực hiện ở xã Vạn Linh (năm 2007), xã Hoà Bình (năm 2009) và Bằng Mạc trong năm nay, người nông dân trong vùng được tiếp cận với biện pháp kỹ thuật mới, thấy được hiệu quả của cách làm mới để từ đó áp dụng nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Đây cũng là điểm nhấn để người nông dân trong vùng phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá, tập trung và đa dạng sản phẩm.