00:00 Số lượt truy cập: 3229473

Vụ vải thiều 2012: Hứa hẹn bội thu 

Được đăng : 03/11/2016

Qua theo dõi thời tiết, khả năng sinh trưởng, ra hoa của cây vải đến thời điểm này cho thấy nhiều khả năng tỉnh Bắc Giang tiếp tục được mùa vải thiều. Theo kinh nghiệm của nhiều chủ vườn, công tác chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh trên cây vải sẽ là yếu tố quyết định để vụ vải năm nay thắng lợi.


 
 
Một góc vùng vải thiều xã Kiên Thành (Lục Ngạn). Ảnh: ANH TUẤN

NGƯỜI TRỒNG VẢI SỚM TỰ TIN

Đến xã Phúc Hòa (Tân Yên) - nơi có diện tích vải thiều sớm lớn nhất tỉnh trong những ngày này, toàn bộ các vườn vải đều đang vào độ ra hoa rộ, lác đác có cây đã đậu quả. Người dân Phúc Hòa từ nhiều năm nay đã quen với việc trồng và chăm sóc vải sớm nên ngay từ đầu năm các chủ vườn tập trung áp dụng các biện pháp kỹ thuật để có được vụ vải bội thu. Trong vườn của các gia đình ở xóm Vối thấp thoáng giữa những tán vải là bóng người phun thuốc, bón phân, tỉa lộc... Anh Nguyễn Văn Hải, một trong những người trồng nhiều vải sớm cho biết, trên diện tích khoảng 5 nghìn m2 gia đình anh trồng hơn 230 gốc vải năm nay đều đã trên dưới 15 tuổi. Vải thiều ở Phúc Hòa có đặc điểm chín sớm hơn ở những nơi khác 15-20 ngày, cây chịu hạn tốt, quả to, cùi dày, mã vỏ đẹp, độ ngọt hơn hẳn nhiều loại vải sớm ở các nơi. Do đó khi đến vụ, thương lái từ TP Bắc Giang, Hà Nội, thậm chí tận TP Hồ Chí Minh cũng đổ về thu mua.

Trao đổi với ông Trần Đức Hanh, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa được biết, toàn xã có 350 ha trồng vải thiều sớm (hầu hết được nhân ra từ cây vải tổ khoảng 100 năm tuổi), sản lượng bình quân hàng năm hơn 2.500  tấn. Do vải thiều sớm thường có giá cao hơn nhiều lần vải chính vụ nên mỗi năm người dân xã Phúc Hòa thu về từ quả vải thiều và những dịch vụ ăn theo trung bình gần 30 tỷ đồng. Từ kinh nghiệm trồng vải sớm nhiều năm, người trồng vải ở Phúc Hòa nhận định, vụ vải 2012 sẽ được mùa, sản lượng hơn 3.000 tấn. Để chuẩn bị cho vụ này, UBND xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện và một số tổ chức tài trợ tập huấn, bồi dưỡng kỹ thuật cho hàng trăm lượt nông dân. Ngoài ra, để nâng cao giá trị quả vải thiều sớm, địa phương đang tập trung xây dựng và đăng ký nhãn hiệu, hướng dẫn người dân trồng và sản xuất vải thiều sớm theo hướng an toàn (tiêu chuẩn VietGAP). Khi bước vào vụ thu hoạch đều có phương án hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về giấy tờ, thủ tục hành chính, bảo đảm an ninh trật tự cho các doanh nghiệp, thương nhân về thu mua, vận chuyển vải thiều trên địa bàn.

THẤP THỎM VẢI CHÍNH VỤ

Trong khi đó, vải chính vụ ở các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang, Yên Dũng cũng vừa bước qua giai đoạn phân hoá và phát triển mầm hoa. Điều kiện thời tiết có nhiều điểm bất thuận, nhiệt độ sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm từ 1 đến 2oC, lượng mưa và độ ẩm cao hơn so với trung bình nhiều năm ảnh hưởng đến việc thụ phấn, đậu quả và tạo cơ hội cho sâu bệnh phát triển. ông Lê Thế Hơn, một chủ vườn nhiều năm trồng vải ở xã Hồng Giang cho biết: Ngay sau khi kết thúc vụ vải năm trước, chúng tôi đã tập trung chăm sóc. Từ vài vụ gần đây, gia đình tôi thực hiện sản xuất vải thiều an toàn nên các biện pháp kỹ thuật, việc bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đều phải bảo đảm nghiêm ngặt, ngay cả nước tưới cũng phải sạch. Do vậy, vải thiều ở Hồng Giang bao giờ cũng được giá hơn những nơi khác. Năm nay do thời tiết diễn biến phức tạp nên chúng tôi chủ động áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật mới, kết hợp với kinh nghiệm để vải đạt tỷ lệ ra hoa, đậu quả đúng thời vụ.

Gia đình anh Nguyễn Văn Hải, xóm Vối, xã Phúc Hòa (Tân Yên) tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên vải thiều sớm. 

Ông Chu Văn Báo, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn nhận định, do năm 2011, vải thiều Lục Ngạn được mùa lớn, năm nay cây mặc dù được chăm sóc tốt nhưng vẫn chưa "lại sức", cộng với yếu tố thời tiết không thuận lợi nên số lượng cành mang quả trên cây vải năm nay nhìn chung ít hơn. Mặc dù vậy, nếu người sản xuất thực hiện tốt việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh thì vẫn có khả năng được mùa nhưng sản lượng khó có thể vượt năm ngoái. Được biết, vụ vải năm nay, huyện Lục Ngạn mở rộng diện tích sản xuất vải thiều an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP lên 7.000 ha, tăng 1.300 ha so với năm 2011, đưa diện tích vải thiều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP lên gần 39%. Đồng thời huyện đã cấp phát gần 8 nghìn bộ tài liệu về quy trình sản xuất vải thiều VietGAP; tổ chức 120 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 6 nghìn lượt người. Hướng dẫn nông dân chăm sóc vải thiều như: Tỉa cành, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, khoanh cành, xử lý lộc đông, sử dụng một số loại chế phẩm an toàn để giúp nâng cao tỷ lệ ra hoa cái…

Những ngày gần đây đã có một số loài sâu bệnh phát sinh, gây hại vải thiều. Bà Đỗ Thị Luyến, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết, qua theo dõi tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng sâu bệnh hại trên cây ăn quả này (đặc biệt là một số sâu bệnh hại chính như: Rệp hại hoa và quả non, bọ xít, sâu đục cuống quả, nhện lông nhung, bệnh thán thư, bệnh sương mai...), cơ quan bảo vệ thực vật đã phát hiện một vài diện tích bị gây hại, tuy nhiên, mức độ vẫn trong khả năng kiểm soát. Trước thực tế đó, Chi cục đã tích cực khuyến cáo người dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và góp phần bảo vệ môi trường. Cùng đó, chỉ đạo trạm bảo vệ thực vật các huyện, thành phố bám sát cơ sở, kịp thời phát hiện và tăng cường tập huấn hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ kịp thời, có hiệu quả các đối tượng sâu bệnh. Để chủ động giành thắng lợi trong sản xuất vụ vải thiều năm 2012, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây vải nhằm giúp cho cây sinh trưởng phát triển tốt, ra hoa và đậu quả đạt tỷ lệ cao. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng sử dụng cho cây ăn quả nói chung, cây vải nói riêng lưu thông trên thị trường. Khuyến khích nông dân sản xuất vải an toàn, mở rộng diện tích sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm giữ vững thương hiệu và tiếp tục nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất vải thiều.