00:00 Số lượt truy cập: 3228129

“Vua” cá đồng. 

Được đăng : 03/11/2016

Bỏ hơn 1 tỷ đồng về cái xứ “khỉ ho, cò gáy”, lại còn nhiễm phèn, mặn ở Kim Hòa, Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh lập trang trại nuôi cá đồng, nhiều người cho ông Sáu Tỉnh là “người điên”, đem tiền bỏ bể. Thế nhưng, hai mùa cá đồng trôi qua, đem lại mức lãi hàng trăm triệu đồng, “ông già điên” này đang gây sự ngạc nhiên cho nhiều nông dân vùng.


  • Từ ông già “điên”

Trong lúc nhiều nơi, nhiều vùng vì lợi ích cục bộ, vì kế mưu sinh mà vô tình tận diệt nguồn lợi tôm, cá tự nhiên, thì chuyện ông Nguyễn Phước Tỉnh (ông Sáu Tỉnh), 70 tuổi, về vùng quê nhiễm phèn, mặn ở xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang đầu tư tiền tỷ… nuôi cá đồng được xem là chấn động. Cái lạ là từ xưa đến nay người dân nơi đây ngoài độc canh cây lúa; khai thác, tận thu con cá đồng- nguồn lợi “trời cho” sau mỗi vụ lúa, chứ chưa ai tính chuyện nuôi cá để ăn hay nuôi công nghiệp để bán.

Ở vùng nước ngọt phù sa, trong khi hàng ngàn người đổ xô nuôi tôm càng xanh, cá tra, nuôi tôm sú thì ông Sáu Tỉnh lại chọn hướng đi cho riêng mình: lập trang trại nuôi cá đồng ở vùng nước lợ. “Vì sao trong khi nhiều người đua nhau nuôi cá tra xuất khẩu, nuôi tôm sú còn ông lại về vùng đồng không, mông quạnh nuôi cá đồng”?

Ông sáu Tỉnh khề khà: “Dân miền Tây có câu “chim trời, cá nước ai bắt được nấy ăn”, chú mày nhớ không? Được sự ưu đãi của thiên nhiên nên con người vùng đất phương Nam phóng khoáng, giàu nghĩa, nặng tình. Bộ đội ta thắng Mỹ chẳng phải là nhờ từng cọng rau, hạt muối, từng con cá đồng của dân đó sao? Trước là vậy, chứ giờ về đồng còn được bao nhiêu cá mà ăn. Cứ khai thác kiểu tận diệt thế này, cá nào mà lớn nổi! Nghĩ vậy, nên tôi quyết nuôi cá đồng, thịt cá đồng ngon, lúc nào cũng dễ bán mà thị trường cũng ổn định”.

Năm 1992, ông sáu Tỉnh nghỉ hưu. Tuy đã ở tuổi “xưa nay hiếm” song ông vẫn hoạt bát, hay lam hay làm, đức tính từ lúc ông còn là anh bộ đội Cụ Hồ. Năm 2005, ông Sáu Tỉnh và con trai út Lê Phước Ninh quyết định mua 4ha đất  nhiễm phèn, mặn (chỉ sản xuất được 1 vụ lúa vào mùa mưa, mùa khô thì bỏ hoang) lên liếp, bao ngạn, lập vườn, đào ao nuôi cá. Thiếu vốn, gia đình và người thân, bạn bè bỏ vốn  hỗ trợ để ông thực hiện ước mơ của mình.

  • Đến chuyện đưa cá về... đồng

Vụ đầu tiên năm 2005, ông thả gần 200.000 con cá giống gồm: sặc rằn, rô đồng, cá lóc, cá chép, cá mè, cá trôi và thác lác trên diện tích 2,5ha mặt nước. Do thiếu kinh nghiệm, nuôi chung nhiều loại cá nên cá phát triển không đồng đều. Sau 7 tháng, ông thu hoạch trên 14 tấn cá thương phẩm, thu nhập 250 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 120 triệu đồng.

Hôm ông sáu Tỉnh thu hoạch vụ cá đầu tiên, hàng trăm nông dân quanh vùng và cán bộ tỉnh, huyện đến tham quan, có cả đài truyền hình đến đưa tin, hỏi chuyện kinh nghiệm. Ông từ tốn cười khà: “Thấy môi trường nước lợ thuận lợi nuôi cá đồng thì nuôi thử chớ có kinh nghiệm gì đâu”.

Năm 2006, ông tiếp tục thả 160kg cá giống, với khoảng 300.000 con các loại. Rút kinh nghiệm năm trước, vụ này ông nuôi chủ yếu là sặc rằn, còn lại là thác lác còm và cá chép. Hơn cả mong đợi, ông thu 17 tấn cá thương phẩm gồm 12 tấn cá sặc rằn và hơn 4 tấn cá thác lác. Riêng cá sặc rằn, nhờ thu hoạch đúng thời điểm Tết Nguyên đán vừa qua nên ông Sáu “trúng” giá. Nhiều công ty, doanh nghiệp ở Vĩnh Long, Cà Mau, Trà Vinh, TPHCM… tìm đến tận nơi mua cá, giá 18.000 đến 20.000đ/kg. Trừ chi phí, ông Sáu thu lãi  hơn 150 triệu đồng.

Nếu so với canh tác lúa trên cùng diện tích, hiệu quả kinh tế từ nuôi cá mang lại cao gấp 10 đến 15 lần. “Trăm nghe không bằng một thấy”- mô hình trang trại nuôi cá đồng của ông Sáu Tỉnh đã thu hút nhiều bà con nông dân đến tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm. Thế nhưng, đa số bà con thiếu vốn và thiếu kỹ thuật. “Chúng tôi đang xúc tiến xây dựng dự án kêu gọi hỗ trợ vốn giúp bà con khôi phục, phát triển nghề nuôi cá đồng tại địa phương mà đây là cách làm điển hình”- anh Thạch Tô, phó Chủ tịch UBND xã Kim Hòa phấn khởi cho hay.

Anh Lê Phước Ninh, con út ông Sáu Tỉnh, phụ trách kỹ thuật cho trang trại cá đồng, bật mí: “Cá đồng nuôi ở vùng nước lợ thú vị là cá phát triển khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh hơn nuôi ở nước ngọt. Nếu độ mặn dao động từ 3 phần ngàn đến 5 phần ngàn là môi trường lý tưởng để cá đồng phát triển nhanh, thịt cá lại săn chắc và rất ngọt. Đặc biệt, cá sặc rằn nuôi nước lợ khi làm khô xuất khẩu rất được thị trường ưa chuộng”.
 
Nuôi tôm, phá rừng cùng với việc săn bắt tận diệt, thâm canh tăng vụ lúa, sử dụng quá nhiều thuốc nông dược trên đồng ruộng đã làm con cá đồng không còn chốn nương thân là thực trạng ở nhiều vùng đất ĐBSCL. Nên chăng, ngành thủy sản cần vận động người dân tham gia “ngày hội thả cá về đồng” nhằm khôi phục, tái tạo nguồn cá đồng tự nhiên đang có nguy cơ ngày một cạn kiệt. Theo đó, xây dựng chương trình hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi cho bảo tồn và khôi phục nghề nuôi cá đồng là việc cần suy ngẫm và cần làm.