Từ lâu cái tên RAT Vân Nội đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Thủ đô. Với hơn 100ha sản xuất RAT, nông dân Vân Nội có thu nhập bình quân 40 - 50 triệu đồng/ha/năm. Hiện cả xã có 12 hợp tác xã, 3 công ty tiêu thụ RAT, cung cấp gần 2.000 tấn rau cho trên 200 cửa hàng, bếp ăn, trường học, siêu thị, khu công nghiệp tại Hà Nội và các tỉnh lân cận...
Lúc này, người trồng rau đang bước vào cuối vụ rau đông với khoảng 50 - 60 loại rau màu được đưa vào sản xuất. Bên cạnh những loại rau phổ thông như su hào, bắp cải, cà chua..., bà con đã đưa một số giống rau cao cấp vào trồng như củ cải đỏ, đỗ tím, cà chua ăn sống, hoa chân Đài Loan, ngô Mỹ...
Không giống như mọi năm, ra Tết giá rau rẻ bất thường, thế nhưng lượng người đến đây mua hàng không vì thế mà giảm. Có mặt tại chợ rau Vân Nội, một trong những đầu mối tiêu thụ rau lớn của Hà Nội, người ta mới cảm nhận được không khí sôi động của thị trường rau những ngày đầu năm. Vừa đặt gánh cải cúc xanh mơn mởn xuống đất, bà Nguyễn Thị Mùi cho biết: “Rau tuy rẻ nhưng tôi vẫn phải đi chợ bán bởi đã đến lứa, nếu không hái nhanh sẽ già mất”.
Sau Tết, giá rau củ tại đây giảm khá mạnh. Nếu như trước Tết, 1 củ su hào giá 5.000 đồng thì nay chỉ còn 1.000 đồng; cải cúc trước Tết có giá 10.000 - 15.000 đồng/kg, nay giảm còn 2.000 đồng/kg... Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là giá rau rẻ như vậy nhưng hầu như không bị ế. Kẻ mua, người bán tấp nập. So với thời điểm năm ngoái, giá rau năm nay giảm đáng kể, rất may là có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. “Nghĩ cũng tội cho người trồng nhưng nếu trả giá cao chúng tôi chẳng có lãi”, anh Nguyễn Tiến Quang, người chuyên thu mua rau mang vào nội thành Hà Nội bán cho biết.
Theo nhẩm tính của bà con, để có được 1 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) su hào, họ phải bỏ ra khoảng 1 triệu đồng phân bón, chưa kể giống, công sức chăm bẵm. Với giá bán như hiện nay, nông dân khó mà có lãi.
Sống chết với nghề
Người dân Vân Nội lâu nay vẫn lấy trồng rau làm nghề chính, còn chăn nuôi và trồng lúa chỉ là phụ. Vì thế mà trong số 390ha đất nông nghiệp thì có tới 120ha trồng rau. Mặc dù trời mưa, lạnh nhưng trên khắp các cánh đồng, bà con vẫn tranh thủ nhặt nhạnh nốt đợt rau cuối vụ đông đem bán để kịp làm vụ mới.
Anh Lại Văn Cường ở xóm Đông, có 1,5 sào su hào tâm sự: “Nghề trồng rau của xã đã có từ lâu. Mặc dù có lúc thị trường không chiều lòng người nhưng nếu không trồng rau chúng tôi chả biết làm gì. Hơn nữa, nghề trồng rau đã cho chúng tôi nhiều cái được hơn là mất. Tôi chỉ mong mọi người không ai bỏ nghề, để mỗi sáng khi bước ra đồng tôi lại được ngắm những thửa ruộng xanh mát mắt. Điều tôi nói có thể mọi người cho là không thật với một nông dân quanh năm chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Nhưng cứ thử là người trồng rau, chắc ai cũng nghĩ như tôi”.
Có lẽ đã quen với sự đỏng đảnh của thời tiết, sự ẻo lả của thị trường, vì thế cho dù những ngày này giá rau rẻ đến mấy, người trồng rau ở Vân Nội vẫn giữ được sự lạc quan vào tương lai.
Tôi bước xuống ruộng rau khi trời bắt đầu lất phất những hạt mưa xuân. Nhìn đôi bàn tay của bà con đang thoăn thoắt hái rau trong mưa, tôi tự hỏi không biết tự bao giờ nông dân nơi đây lại có được sự gắn bó và yêu nghề đến vậy. Và cũng có lẽ bởi yêu nghề nên hàng ngày, họ vẫn miệt mài, cặm cụi cuốc từng luống đất, nhặt từng ngọn cỏ để cung cấp cho người dân Thủ đô những bó rau tươi ngon nhất.